Để chuẩn bị thể chế hóa những định hướng quan trọng đã được Trung ương xác định cùng với việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013, hàng loạt dự án luật sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9 khai mạc hôm nay 5-5. Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội xung quanh vấn đề này.
PHÓNG VIÊN: Thưa ông, Nghị quyết số 66-NQ/TW đã xác định công tác xây dựng và thi hành pháp luật là “đột phá của đột phá” trong hoàn thiện thể chế. Ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa và tầm quan trọng của nhận định này trong bối cảnh hiện nay?

* TS NGUYỄN SĨ DŨNG: Bộ Chính trị khẳng định, công tác xây dựng và thi hành pháp luật là “đột phá của đột phá” cho thấy một bước chuyển nhận thức chiến lược trong cải cách thể chế. Pháp luật là công cụ trung tâm để thể chế hóa chủ trương đúng đắn của Đảng, nhưng thực tế cho thấy không ít chính sách lớn gặp khó khi triển khai vì thể chế chưa theo kịp. Vì vậy, nếu không đổi mới mạnh mẽ tư duy và phương pháp làm luật, mọi nỗ lực cải cách khác rất dễ bị nghẽn lại.
Trong kỷ nguyên mới với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và hội nhập toàn cầu là động lực chính, một hệ thống pháp luật minh bạch, khả thi và đồng bộ chính là điều kiện tiên quyết để huy động nguồn lực, thu hút đầu tư và bảo đảm công bằng xã hội. Vì vậy, cần kiến tạo một môi trường pháp lý hiện đại, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển nhanh và bền vững.
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV khai mạc hôm nay đặt trọng tâm vào việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và hàng chục đạo luật có liên quan để phục vụ việc sắp xếp đơn vị hành chính và tinh gọn bộ máy. Theo ông, việc này cần được thực hiện như thế nào để đảm bảo hiệu quả và phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 66-NQ/TW?
* Việc sửa đổi Hiến pháp và hàng loạt đạo luật lần này là bước đi hệ trọng để thể chế hóa chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính và tinh gọn bộ máy. Muốn bảo đảm hiệu quả và phù hợp với tinh thần Nghị quyết 66-NQ/TW, cần thực hiện 3 nguyên tắc cốt lõi.
Thứ nhất, sửa đổi phải dựa trên tư duy kiến tạo thể chế phát triển, không chỉ đơn thuần là hợp nhất về địa giới hay cắt giảm đầu mối, mà phải mở ra không gian quản trị mới - tinh gọn hơn, hiệu lực hơn và phục vụ người dân tốt hơn.
Thứ hai, cách tiếp cận phải đồng bộ và hệ thống. Hiến pháp, các luật về tổ chức, về cán bộ công chức, ngân sách… phải được sửa đổi một cách kết nối và nhất quán, tránh tình trạng “vá víu” hay sửa luật theo kiểu cục bộ. Thứ ba, đặc biệt coi trọng khâu thi hành pháp luật. Một bộ máy tinh gọn nhưng nếu pháp luật thiếu rõ ràng, chồng chéo, khó thi hành thì vẫn lãng phí nguồn lực và làm suy yếu hiệu quả quản trị.
Tóm lại, đây không chỉ là cuộc sửa đổi pháp lý thông thường, mà là một cuộc tái cấu trúc thể chế, cần phải được thực hiện một cách bài bản, toàn diện và có tầm nhìn dài hạn.
Việc xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật và thường xuyên đánh giá hiệu quả của pháp luật sau ban hành là một vấn đề được đặc biệt lưu ý. Ông có thể khuyến nghị gì về những cơ chế cụ thể để hiện thực hóa chủ trương này trong thực tiễn?
* Xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật và đánh giá hiệu quả thi hành là nền tảng cho một Nhà nước pháp quyền hiện đại. Để hiện thực hóa chủ trương này, cần nâng cao trách nhiệm giải trình của cơ quan ban hành pháp luật, mỗi dự thảo luật phải kèm báo cáo đánh giá tác động thực chất, tránh tình trạng hình thức; thể chế hóa việc đánh giá hậu kiểm thành quy trình bắt buộc (Quốc hội có thể
giao Ủy ban Pháp luật và Tư pháp hoặc Kiểm toán Nhà nước định kỳ rà soát các đạo luật đã ban hành); xây dựng hệ sinh thái pháp lý dễ tiếp cận, dễ tuân thủ. Pháp luật cần được viết đơn giản, phổ biến hiệu quả và có cơ chế hỗ trợ pháp lý, nhất là cho doanh nghiệp nhỏ, người yếu thế. Mô hình “tư vấn pháp lý cộng đồng” từng được triển khai thí điểm ở một số tỉnh có thể mở rộng trên toàn quốc.
Ông nhận định như thế nào về vai trò của Ban Chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật trong việc triển khai Nghị quyết 66-NQ/TW và giám sát quá trình xây dựng, thi hành pháp luật với 26 thành viên gần như bao gồm toàn bộ thành viên Chính phủ và chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội?
* Phải khẳng định, đây là một quyết định đúng đắn, thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ trong việc hiện thực hóa Nghị quyết 66. Điều này cho thấy sự nhìn nhận nghiêm túc rằng: cải cách thể chế là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, chứ không thể khoán trắng cho riêng cơ quan lập pháp hay hành pháp. Khi những người “vừa làm luật, vừa thực thi luật” cùng ngồi lại, chúng ta có thể rút ngắn khoảng cách giữa ý chí chính trị và thực tiễn quản trị, giữa chính sách và pháp luật.
Đây cũng là một mô hình phối hợp liên ngành có sức nặng và khả năng dẫn dắt cao. Nhiều quốc gia thành công trong cải cách thể chế đều có những thiết chế tương tự. Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo không chỉ dừng lại ở vai trò điều phối, mà cần trở thành trung tâm đổi mới tư duy thể chế quốc gia. Đó là nơi kiến tạo cách tiếp cận mới trong lập pháp thời đại số, khắc phục tư duy mệnh lệnh hành chính, hướng đến quản trị bằng pháp luật: minh bạch, hiệu quả và lấy người dân làm trung tâm.