Ngày 5-5-1975, gần một tuần sau ngày 30-4, ngày giải phóng miền Nam, tờ báo khổ lớn, in offset, mang tên Sài Gòn Giải Phóng, tiếng nói của nhân dân Sài Gòn - Gia Định ra đời.
Số báo đầu tiên có số lượng phát hành kỷ lục: 460.000 tờ. Tòa soạn báo đặt ngay trong tòa soạn Báo Dân Chủ, cơ quan của Đảng Dân chủ Nguyễn Văn Thiệu đóng tại 174 Hiền Vương, nhà in và phát hành đặt tại Tân Minh Ấn quán, 432 đường Hồng Thập Tự. Không khí làm báo và bán báo như một ngày hội, chưa từng xảy ra trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam. Sự hiện diện của tờ báo đã là một thông điệp diệu kỳ của một ngày hội lớn của non sông.
…Từ Trung ương Cục miền Nam, sau hai ngày hành quân, đoàn phóng viên Báo Giải Phóng cùng anh Hai Khuynh đến tòa soạn Báo Dân chủ lúc quá nửa đêm. Anh Hai Khuynh quyết định: Ngày mai, tất cả gặp nhau tại tòa soạn. Chỉ mấy tiếng đồng hồ sau là mọi người đã có mặt.
Tòa soạn hội ý, phân công một lát rồi mọi người tỏa đi các quận huyện nội thành và các tỉnh lân cận. Chỉ sau một đêm, tòa soạn có thêm hàng chục cô gái, chàng trai Sài Gòn, trang phục lịch sự ngồi suốt mấy dãy bàn dài, máy chữ khua rào rào, công việc văn thư tất bật. Chúng tôi còn có hàng trăm cộng tác viên tình nguyện giúp đỡ…
Trụ sở 174 Hiền Vương trở thành nơi hội tụ bạn bè đồng nghiệp. Trần Hà, người viết chung với Nguyễn Huy Khánh (Hai Khuynh) kịch bản cải lương Mái tóc người vợ trẻ đến trước tiên. Kế tiếp là họa sĩ Ớt nổi tiếng với những bức tranh biếm họa trên báo đối lập với chính quyền Thiệu. Nhà văn Sơn Nam vừa ra tù trong ngày giải phóng, nhà thơ Kiên Giang “ký giả đi ăn mày” đã tìm anh Hai Khuynh rất sớm. Đông nhất là giới phát hành: Tin Sáng, Điện Tin, Đại Dân Tộc… rất nhanh nhạy với việc ra báo và bán báo.
Tờ báo Sài Gòn Giải Phóng ra đời ngày 5-5-1975. Đêm hôm trước, ở tòa soạn như một ngày hội. Số lượng bài và hình ảnh chuẩn bị đủ để in vài chục trang. Báo chỉ có bốn trang, nên phải chọn lọc thật cần thiết cho số ra mắt. Bài xã luận lấy cảm hứng từ bài thơ Toàn thắng về ta của nhà thơ Tố Hữu, được xử lý lại và đặt tít vào giờ chót. Loạt tin và bài viết về cuộc sống Sài Gòn trong những ngày đầu tiếp quản đã phát huy tác dụng. Tin và bài của Huỳnh Tám, Hải Nam và nhiều phóng viên khác cộng với những bức ảnh chuyên nghiệp của Nguyễn Đặng làm tờ báo nóng tính thời sự. Toàn bộ hai trang ngoài và một phần bài nóng của hai trang trong phản ánh khá rõ nét toàn cảnh Chiến dịch Hồ Chí Minh và những ngày đầu tiên tiếp quản Sài Gòn và những vùng lân cận. Tờ báo đã cho thấy không khí nô nức mừng chiến thắng và ý thức công dân chuẩn bị bắt tay vào xây dựng chính quyền mới, xã hội mới.
Ngày ra số báo đầu tiên, máy rotative của nhà in chạy từ chập tối tới sáng, từ sáng tới chiều mà vẫn không đủ bán. Ở Tân Minh Ấn quán, hàng trăm người vây kín hàng rào chờ báo ra.
Những ngày sau đó, báo Sài Gòn Giải Phóng tiếp tục ra cho đến số cuối cùng trước khi giao về cho thành phố. Tờ báo với 15 số đầu tiên đã làm xong nhiệm vụ của nó trong những ngày đầu quân quản, trong điều kiện gần như dã chiến. Các nhà báo Giải Phóng chúng tôi ai cũng làm việc như những chiến sĩ xung kích, không nhà, không thù lao, không nhuận bút, chỉ với gánh cơm của người chị Bàn Cờ và gói mì tôm ca đêm, vậy mà ai cũng làm với tất cả tấm lòng, tất cả tâm huyết
Nhà văn NGUYỄN HỒ
(Trích bút ký)