Nguyên nhân là do khi có nước ngập, các loài rắn, đặc biệt là rắn độc, theo dòng nước để lên trú ngụ ở những nơi cao ráo (nhất là nhà ở của người dân).
Tại xóm 2, xã Tràng Đà (TP Tuyên Quang), người dân đã nhìn thấy hàng đàn rắn hổ mang bành, cạp nong, cạp nia bơi vào khu dân cư.
Tại tỉnh Lạng Sơn, chỉ trong 10 ngày mưa lũ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tiếp nhận 13 trường hợp bị rắn độc cắn, trong đó có 3 ca bị rắn lục núi cắn.
Bác sĩ Nguyễn Thành Đô (Khoa Hồi sức tích cực - chống độc thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn) cho biết, các ca nhập viện đều có triệu chứng sưng nề và rối loạn đông máu. Trường hợp điển hình là một nữ bệnh nhân 56 tuổi, bị rắn lục cắn vào cổ chân khi dọn dẹp quanh nhà.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở tỉnh Quảng Ninh. Cụ thể, Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên đã tiếp nhận nhiều trường hợp bị rắn hoặc rết cắn trong những ngày mưa lũ.
Bác sĩ Bùi Thị Ngọc, Khoa Cấp cứu - hồi sức tích cực và chống độc thuộc Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên cho biết, rết có thể dễ dàng tấn công người nếu vô tình bị chạm phải.
Theo thông tin từ Khoa Chống độc của Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), trong cơn bão số 3, đã có 9 người bị rắn độc cắn ở các tỉnh phía Bắc, buộc phải chuyển lên tuyến này để cấp cứu.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân cần cẩn thận trong mùa mưa lũ.
Bác sĩ Đoàn Lương Anh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tuyên Quang đề nghị người dân nên sử dụng ủng cao và găng tay khi dọn dẹp nhà cửa, vườn tược hoặc đi lại khi có nước lũ, để tránh tiếp xúc trực tiếp với rắn.
Theo bác sĩ Đoàn Lương Anh, việc sử dụng đèn pin vào ban đêm khi đi ra ngoài sẽ giúp phát hiện được rắn, giảm nguy cơ bị rắn cắn.