Sở hữu trí tuệ và nhận thức cộng đồng

Từ năm 2001 đến nay, vào ngày 26-4 hàng năm, Tổ chức Sở hữu trí tuệ (SHTT) thế giới cùng các nước thành viên đều tổ chức kỷ niệm “Ngày sở hữu trí tuệ thế giới” với nhiều hoạt động có ý nghĩa.

Tại Việt Nam, hàng loạt hoạt động cũng được tổ chức nhằm tôn vinh các nhà sáng tạo, doanh nhân cũng như nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của SHTT đối với phát triển kinh tế - xã hội trong dịp này. Hưởng ứng Ngày SHTT thế giới năm nay, Cục SHTT (Bộ KH-CN) đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong cả nước triển khai Tháng hành động “SHTT góp phần gia tăng sức mạnh cạnh tranh của doanh nghiệp” với nhiều hoạt động diễn ra trên cả nước.

Theo Thanh tra Bộ KH-CN, chỉ tính trong hai năm 2013 - 2014, lực lượng thanh tra, kiểm tra ở các bộ, ngành và địa phương đã tiến hành xử lý 32.474 vụ việc liên quan đến hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp… với tổng số tiền phạt lên tới 139 tỷ đồng. Ngoài ra, các lực lượng chức năng buộc loại bỏ, tiêu hủy yếu tố vi phạm đối với hàng trăm ngàn sản phẩm xâm phạm quyền SHTT, cạnh tranh không lành mạnh cũng như hàng chục ngàn sản phẩm giả mạo nhãn hiệu, vỏ hộp, tem nhãn vi phạm... Trong lĩnh vực thực thi bảo hộ bản quyền phần mềm máy tính, trong năm 2014, Thanh tra Bộ VH-TT-DL đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 121 cuộc, trong đó thanh tra đột xuất 82 doanh nghiệp về việc chấp hành các quy định pháp luật về quyền tác giả đối với chương trình phần mềm máy tính với số tiền phạt lên tới 1,57 tỷ đồng. Theo các chuyên gia, số tiền xử phạt trên chưa thấm vào đâu so với những thiệt hại mà vấn nạn xâm phạm quyền SHTT gây ra. Doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng, người tiêu dùng là nạn nhân của tình trạng này, nhất là đối với hàng giả, hàng nhái. Thậm chí đã có rất nhiều doanh nghiệp từ thua lỗ đến phá sản do bị xâm phạm quyền SHTT đối với những mặt hàng, sản phẩm mình đang sản xuất, kinh doanh.

Bà Nguyễn Như Quỳnh, Phó Chánh Thanh tra Bộ KH-CN cho biết, thời gian qua việc xâm phạm về SHTT đáng báo động. Trong quá trình tiến hành thanh tra xử lý xâm phạm quyền SHTT, các hành vi vi phạm chủ yếu tập trung nhiều vào nhãn hiệu hàng hóa, vì nhãn hiệu gắn liền với hoạt động thương mại. Thứ hai là vi phạm liên quan đến hàng giả. Bà Nguyễn Như Quỳnh đưa ra ví dụ về việc làm giả các nhãn hiệu nổi tiếng như Louis Vuiton, Gucci… khiến người tiêu dùng nhìn bên ngoài gần như không thể phân biệt được với hàng thật. Vi phạm tiếp theo là chuyện cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến SHTT. Ví dụ như việc liên quan đến sản phẩm máy xay sinh tố của một hãng nước ngoài dù chưa có đại lý ủy quyền ở Việt Nam thì đã có một số cửa hàng bán và đăng ký tên miền chính là tên của hãng nước ngoài đó. Hoặc có những hành vi sử dụng tên của sản phẩm gần giống với nhãn hiệu đã được đăng ký...

Theo ông Phạm Phi Anh, Phó Cục trưởng Cục SHTT, có ba hướng giải quyết tranh chấp, xâm phạm quyền SHTT là dân sự, hình sự, hành chính. Ở nhiều quốc gia, vi phạm này thường tránh hành chính, hình sự mà đi theo xu hướng giải quyết bằng biện pháp dân sự. Để giải quyết bằng biện pháp dân sự có hiệu quả nhất thì cần phải có hệ thống tòa án chuyên trách về SHTT và sở hữu công nghiệp. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức của công chúng thông qua việc tuyên truyền. Ngay cả khi có tòa án chuyên trách về SHTT, thì nhận thức của cộng đồng, nhất là của các doanh nghiệp cũng như mỗi cá nhân người tiêu dùng vẫn là trên hết. Bởi nếu không có nhận thức đầy đủ về SHTT thì khó tòa án hay hình thức xử lý nào trọn vẹn, hiệu quả được.

TRẦN LƯU

Tin cùng chuyên mục