Hiện nay, số ca mắc SXH trên địa bàn Hà Nội đã bắt đầu có chiều hướng giảm dần (600-700 ca/tuần) nhưng vẫn ở mức cao. Giám sát cho thấy dịch SXH ở Hà Nội năm nay xảy ra muộn hơn, số lượng bệnh nhân nhập viện không nhiều bằng nhưng có những thay đổi bất thường.
Dịch bệnh SXH gia tăng ở các huyện ngoại thành sau đó lan sang các quận nội thành. Tỷ lệ người cao tuổi, phụ nữ có thai mắc bệnh nhiều hơn, trong đó có nhiều bệnh nhân có biểu hiện nặng, như: sốc, viêm não, viêm tủy, viêm cơ tim.
Trước tình hình dịch SXH ở Hà Nội vẫn diễn ra phức tạp, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết, để thực hiện được mục tiêu hết tháng 11 khống chế được dịch bệnh SXH, thành phố đang tập trung thực hiện các biện pháp dập dịch.
Các quận huyện tiếp tục kiểm tra các công trường xây dựng, chợ, trường học, khu công cộng, khu thuê trọ… tuyên truyền biện pháp phòng bệnh và tổ chức phun hóa chất diệt muỗi. Đồng thời duy trì cảnh báo nguy cơ dịch hàng tuần và giám sát chặt chẽ các địa phương có nhiều bệnh nhân, ổ dịch kéo dài.
Trong khi đó, thống kê của Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế tính đến cuối tháng 11, cả nước đã ghi nhận trên 250.000 người mắc SXH và 49 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2018, số người mắc SXH năm nay tăng hơn 300%, tử vong tăng 26 trường hợp.
Theo ông Phạm Hùng, Trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm Cục Y tế dự phòng, để phòng chống dịch SXH, việc phun hóa chất diệt muỗi, diệt bọ gậy/lăng quăng hàng ngày, loại bỏ các vật liệu phế thải chứa nước để không cho muỗi sinh sản, mắc màn khi đi ngủ... vẫn là những biện pháp phòng bệnh hiệu quả và lâu dài để kiểm soát ngăn ngừa SXH lây lan.
Dự kiến từ tháng 6-2021, Việt Nam triển khai hệ thống cảnh báo dịch SXH sớm trước 6 tháng tại Hà Nội, Đồng Nai, Khánh Hòa, Đắk Lắk nhờ tích hợp dữ liệu quan trắc từ vệ tinh.