Số nhà tại TPHCM: Sẽ không còn mỗi nơi một kiểu

Năm 2008, UBND TPHCM đã đồng ý cho 4 quận, huyện (quận 12, Gò Vấp, Bình Tân và huyện Bình Chánh) được thực hiện thí điểm về cấp số nhà và đặt đổi tên đường. Sở Xây dựng vừa hoàn chỉnh và trình dự thảo quyết định về ban hành Quy chế đánh và gắn biển số nhà trên địa bàn TP để UBND TP xem xét, ban hành. Quy chế này nhằm thống nhất trình tự, thủ tục hành chính về đánh và gắn biển số nhà trên địa bàn TP, thể hiện tính khoa học trong công tác quản lý số nhà, góp phần tạo vẻ đẹp mỹ quan đô thị và  tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện các giao dịch.
Số nhà tại TPHCM: Sẽ không còn mỗi nơi một kiểu

Năm 2008, UBND TPHCM đã đồng ý cho 4 quận, huyện (quận 12, Gò Vấp, Bình Tân và huyện Bình Chánh) được thực hiện thí điểm về cấp số nhà và đặt đổi tên đường. Sở Xây dựng vừa hoàn chỉnh và trình dự thảo quyết định về ban hành Quy chế đánh và gắn biển số nhà trên địa bàn TP để UBND TP xem xét, ban hành. Quy chế này nhằm thống nhất trình tự, thủ tục hành chính về đánh và gắn biển số nhà trên địa bàn TP, thể hiện tính khoa học trong công tác quản lý số nhà, góp phần tạo vẻ đẹp mỹ quan đô thị và  tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện các giao dịch.

Số nhà tại TPHCM: Sẽ không còn mỗi nơi một kiểu ảnh 1

Tình trạng 2 nhà sát nhau có 2 số rất cách xa nhau sẽ chấm dứt? Ảnh: Đ.THÀNH

Bỏ thủ tục hành chính

Sở Xây dựng TPHCM cho biết, theo QĐ 05 của Bộ Xây dựng về ban hành quy chế đánh và gắn biển số nhà, UBND cấp quận có trách nhiệm xây dựng kế hoạch đánh và gắn biển số nhà trên địa bàn, cấp giấy chứng nhận (GCN) số nhà để chủ sở hữu (hoặc người sử dụng) nhà thực hiện các giao dịch khi cần thiết.

Như vậy, đây là trách nhiệm của cơ quan nhà nước chứ không phải là một thủ tục hành chính buộc người dân thực hiện. Bên cạnh đó, kể từ ngày 14-10-2010 (ngày NĐ 63 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính có hiệu lực) việc ban hành mẫu đơn, tờ khai hành chính thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Do đó việc ban hành mẫu đơn đề nghị cấp GCN số nhà như dự thảo quyết định về việc ban hành Quy chế đánh số và gắn biển số nhà trên địa bàn TPHCM trước đây không phù hợp.

Theo đó, Sở Xây dựng TPHCM vừa trình UBND TP dự thảo theo hướng không ban hành thủ tục cấp GCN số nhà nhằm giảm thiểu những thủ tục hành chính không cần thiết. Dự thảo quy chế đánh số nhà mới cũng đã bỏ trách nhiệm cấp số nhà của Ban Quản lý khu Nam, khu công nghiệp và khu chế xuất, khu công nghệ cao và chuyển các trách nhiệm này sang UBND các quận - huyện. Như vậy, UBND TP là cơ quan quản lý nhà nước về số nhà, chỉ đạo chung về công tác đánh số và gắn biển số nhà trên địa bàn TP; UBND các quận-huyện có thẩm quyền đánh số nhà và cấp GCN số nhà cho tổ chức, cá nhân trên địa bàn quản lý.

Quy chế này được áp dụng đối với khu dân cư tập trung trên địa bàn TP, có trật tự số nhà chưa phù hợp với quy định tại quy chế này. Theo đó, nhà ở (riêng lẻ, chung cư, cư xá) và các công trình khác đều được đánh và gắn biển số nhà. Nhà xây dựng không phép trong khu vực cấm xây dựng không được cấp số nhà. Tổ chức, cá nhân, công trình xây dựng được đánh số nhà mới hoặc điều chỉnh số nhà theo quy chế này sẽ được cấp GCN số nhà. GCN không có giá trị công nhận quyền sở hữu nhà ở. Quy chế này cũng quy định, đối với nhà đã được cơ quan có thẩm quyền ra văn bản cấp số nhà tạm mà nay đủ điều kiện theo quy chế này thì được đánh số và cấp GCN số nhà theo quy chế này.

Cấp số nhà mới theo yêu cầu: 10 ngày

Theo dự thảo quy chế đánh và cấp số nhà, mỗi căn nhà, căn hộ được đánh số và gắn biển số nhà theo quy cách thống nhất trên toàn TP. Số nhà trên trục đường chính, đường nội bộ, đường hẻm được đánh liên tục không phân biệt ranh giới hành chính (quận-huyện, phường-xã, thị trấn) và đánh theo dãy số tự nhiên theo hướng tăng dần tính từ gốc chuẩn của trục đường chính, đường nội bộ, đường hẻm. Nhà bên trái đánh số lẻ, nhà bên phải đánh số chẵn.

Đối với những trục đường chưa có nhà đầy đủ (còn đất trống), UBND quận-huyện căn cứ vào quy hoạch chi tiết xây dựng trên toàn tuyến đường để lập quỹ số nhà dự trữ cho tuyến đường đó. Nếu có phát sinh tăng số nhà so với quỹ dự trữ thì áp dụng nguyên tắc chèn số.

Đối với con đường nối dài mà không đặt tên đường mới, số lượng nhà trên đoạn đường nối dài đã có trật tự số nhà tương đối ổn định thì số nhà trong đoạn đường nối dài đó được đánh liên tục như cách đánh nhà mặt đường nhưng theo chiều ngược lại. Khi ghi địa chỉ trên biển số nhà phải ghi đầy đủ số nhà, tên đường và có ghi chữ “nối dài” sau tên đường.

Nếu số lượng nhà trên đoạn nối dài là xây dựng mới chưa có số nhà hoặc có nhưng không theo trật tự ổn định thì đánh số lại từ đầu, bắt đầu từ nhà đầu tiên của đường nối dài đến nhà cuối đường hiện hữu, áp dụng nguyên tắc và đánh số nhà mặt đường. Đối với hẻm được mở rộng thành đường có tên thì đánh lại số nhà mới theo chiều đánh số và nguyên tắc đánh số của nhà mặt tiền đường.

Ngoài các đối tượng được điều chỉnh, quy chế cấp số nhà cũng quy định việc đánh và cấp biển số nhà theo yêu cầu của người dân. Đó là trường hợp nhà ở, công trình thuộc khu vực tuy đã thực hiện xong việc đánh số nhưng chủ sở hữu nhà có yêu cầu được cấp thêm số nhà mới do tách, nhập hoặc xây thêm nhà trong khuôn viên. Nhà, công trình đã có số nhà ổn định, không thuộc đối tượng điều chỉnh theo quy chế này nhưng chủ sở hữu có yêu cầu được cấp GCN số nhà để thực hiện các giao dịch liên quan về nhà ở thì cũng được cấp theo yêu cầu.

 Tổ chức, cá nhân có yêu cầu nộp đơn đăng ký cấp số nhà (kèm theo chứng từ liên quan) gửi UBND quận-huyện nơi căn nhà tọa lạc để được cấp số nhà mới. Sau khi nhận đơn, Phòng Quản lý đô thị quận kiểm tra, đối chiếu tài liệu quản lý để đánh số mới và cấp GCN số nhà trong thời hạn 10 ngày… Sau khi quy chế cấp số nhà được ban hành, các tổ chức, cá nhân không được tự ý đặt, thay đổi và treo biển số nhà trái quy định, nếu vi phạm sẽ bị xử lý.

Ngoài 4 quận-huyện được UBND TP đồng ý cho thí điểm việc cấp số nhà và đổi tên đường, các quận-huyện còn lại hiện đang cấp số nhà theo QĐ 1958 của UBND TPHCM năm 1988 về việc ban hành quy chế cấp và chỉnh sửa số nhà trên địa bàn TP. Sau khi UBND TP xem xét, thông quan, quy chế này sẽ thay thế QĐ 1958 để thực hiện thống nhất việc cấp số nhà trên toàn TP.

- Có 7 loại biển số nhà: nhà mặt tiền đường; nhà trong hẻm; căn hộ chung cư, cư xá; tên khu nhà; tên lô nhà; số tầng nhà; số tầng hầm; số cầu thang.

- Thông tin trên biển số nhà: Nhà mặt tiền đường (số nhà mặt tiền và số cũ (nếu có), nhà trong hẻm (số nhà trong hẻm, đường, số nhà cũ (nếu có), căn hộ (số căn hộ, số tầng căn hộ), cư xá (số căn nhà, dãy nhà cư xá (đối với cư xá không có đường nội bộ). Biển số nhà được gắn tại tường bên trái, cạnh cửa đi chính của căn nhà, ở vị trí chiều cao là 2m tính từ lề đường hiện hữu. Màu sắc, chất liệu biển số nhà: nhà mặt tiền, nhà trong hẻm, biển số căn hộ, biển số tầng nhà, biển số cầu thang: nền xanh lam sẫm, chữ và số màu trắng, đường chỉ viền trắng và được làm bằng mica dày 5mm.

HẠNH NHUNG

Tin cùng chuyên mục