Tháng 2 đã không có sự tăng giá đột biến, mặc dù có kỳ nghỉ Tết Quý Tỵ kéo dài tới 9 ngày - dài nhất trong nhiều năm trở lại đây. Thậm chí, đây còn là tháng có mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khá thấp trong 10 năm qua, chỉ cao hơn chút ít so với tháng thấp nhất (tháng 2-2009 với mức 1,17%) và nhiều chỉ số khác có liên quan so với cùng kỳ các năm trước đều thấp. Thực tế này có thể khiến các bà nội trợ ít nhiều phấn khởi, nhưng từ góc nhìn vĩ mô cần có sự phân tích kỹ càng hơn.
Theo các chuyên gia Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (sau khi loại trừ yếu tố tăng giá tháng 1) trong tháng này tăng chưa đến 1% so với cùng kỳ năm trước. Một lý do quan trọng là sức mua có khả năng thanh toán của dân cư tăng chậm.
Đáng lưu ý, tiền gửi tiết kiệm tăng 1,2%; ngược với xu hướng “tiêu tết” mọi năm. Nhóm dịch vụ văn hóa, giải trí, du lịch cũng chỉ tăng 0,4%; mặc dù theo thông lệ thường tăng mạnh. Điều này cho thấy không chỉ những người bị mất việc, thiếu việc hoặc bị giảm lương mới tiết giảm chi tiêu, mà tâm lý lo lắng “thắt lưng buộc bụng” đã tác động đến một bộ phận đáng kể trong dân cư.
Mặt khác, nhìn vào CPI của các vùng và địa phương trong nhiều tháng qua, có thể thấy đà tăng giá ở các thành phố lớn luôn chậm hơn so với khu vực nông thôn và đô thị nhỏ (tháng 2-2013: CPI cả nước tăng 1,32%; CPI tại Hà Nội và TPHCM tăng lần lượt 1,3 và 1%; tháng 1-2013: CPI cả nước tăng 1,25%; CPI Hà Nội và TPHCM lần lượt tăng 0,95 và 0,44%; tháng 12-2012, CPI cả nước tăng 0,27%; tại Hà Nội và TPHCM tương ứng tăng 0,25 và 0,17%)... Giá cả đã gia tăng nhiều hơn ở những nơi người tiêu dùng có túi tiền nhẹ hơn, cũng có nghĩa là những người “nghèo” hơn bị tác động mạnh hơn!
Trong khi đó, nguy cơ lạm phát còn tiềm ẩn. Việc thực hiện lộ trình giá thị trường sẽ vẫn phải làm với nhiều hàng hóa, dịch vụ then chốt. Giá điện, giá xăng dầu đang rập rình tăng. Hai thành phố lớn (Hà Nội, TPHCM) vừa qua còn chưa “bung” mạnh giá dịch vụ y tế... Thêm vào đó, năm 2013, mặt bằng giá thế giới lại được dự báo tăng, không thể không tác động đến nền kinh tế Việt Nam với độ mở lớn. Rõ ràng, khi nền kinh tế chưa ổn định căn cơ thì chưa thể vội mừng!
Anh Thư