Để giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp trong lĩnh vực kinh tế, doanh nghiệp (DN) và cơ quan chức năng cần sử dụng đến trọng tài kinh tế. Trọng tài kinh tế giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh tế căn cứ vào các điều khoản của hợp đồng kinh tế có tranh chấp, các quy định của pháp luật hợp đồng kinh tế và các quy định pháp luật khác có liên quan, theo nguyên tắc thương lượng để thỏa thuận phù hợp với pháp luật. Phán quyết của trọng tài kinh tế sẽ mang tính quyết định trong trường hợp các bên không thỏa thuận được hoặc thỏa thuận trái pháp luật. Thế nhưng trong lĩnh vực môi trường, nếu xảy ra tranh chấp thì ai sẽ là trọng tài, nhất là khi DN lại tranh chấp với cơ quan chức năng?
Dễ gặp nhất là tranh chấp trong việc ban hành quyết định xử phạt hành vi vi phạm môi trường. Theo Luật Bảo vệ môi trường, DN hoàn toàn có quyền lấy mẫu chất thải đối chứng với mẫu chất thải của cơ quan chức năng lấy kiểm tra tại DN. Chuyện sẽ chẳng có gì xảy ra nếu cả hai mẫu trên cho ra cùng một kết quả phân tích giống nhau. Thế nhưng, trên thực tế hai mẫu chất thải này thường khác nhau. Vậy đến lúc này thì ai sẽ làm trọng tài môi trường để đưa ra kết quả cuối cùng?
Sẽ không có ai đứng ra làm trọng tài trong trường hợp này. Đơn giản là theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện cả nước chưa xây dựng được trung tâm phân tích mẫu chất thải đủ tầm để làm trọng tài khi xảy ra tranh chấp trong lĩnh vực kiểm tra xử lý môi trường. Tất cả các cơ quan chức năng khi đi kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại DN đều thuê các viện, trường đi cùng và lấy mẫu phân tích chất thải. Điều đáng nói là chất lượng phân tích mẫu của mỗi viện, trường một kiểu. Vậy cơ sở nào để khẳng định mẫu chất thải do đoàn thanh tra thuê viện, trường phân tích là đúng còn của DN thuê trung tâm phân tích khác thì sai! Vì thế mới có trường hợp, cơ quan chức năng nói DN vi phạm. Còn DN một mực khẳng định mình vô tội.
Bất đồng về kết quả nhưng để có thể xác lập hành vi vi phạm môi trường của DN, cơ quan chức năng buộc DN phải ký vào biên bản vi phạm. Nhiều DN đã không khỏi bức xúc và phản ứng quyết liệt với cơ quan chức năng. Đồng thời, không đồng ý ký vào những biên bản vi phạm. Ngay lập tức, họ bị quy kết là chống lại người thi hành công vụ. Họ đành ngậm đắng nuốt cay nếu không muốn lần sau bị phạt nặng hơn.
Môi trường hiện nay đang là lĩnh vực nóng và nhạy cảm. Chỉ cần một chút khác nhau trong thao tác lấy mẫu chất thải; trình độ chuyên môn của chuyên viên lấy mẫu và phân tích mẫu; chất lượng công nghệ xử lý, phân tích mẫu là có thể đưa ra những kết quả vi phạm môi trường rất khác nhau. Sự xê dịch dù nhỏ trên cũng khiến DN từ chỗ đang hoạt động tốt phải dừng sản xuất, đóng cửa hoặc phá sản. Do vậy, nên chăng nhà nước cần sớm thành lập vai trò trọng tài trong lĩnh vực môi trường. Đặc biệt, sớm hình thành trung tâm phân tích chất thải đạt tiêu chuẩn quốc gia để làm cơ sở cho trọng tài môi trường giải quyết những tranh chấp về môi trường vốn đang nảy sinh khá phổ biến trong thực tế hiện nay.
Ái Vân