Hôm qua 27-12, theo báo cáo của Bộ TN-MT tại Hội nghị tổng kết công tác kiểm kê đất đai và xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2010, mức độ khai thác đất chưa sử dụng trong 5 năm qua của cả nước cho các mục đích đã tăng lên rất nhiều, khoảng 1,8 triệu ha. Đến năm 2010, nhiều địa phương đã không còn hoặc chỉ còn không đáng kể quỹ đất chưa sử dụng, trong đó không chỉ có các thành phố lớn, mà có cả nhiều tỉnh như Long An, Đồng Tháp, Bạc Liêu…
Tính theo mục đích sử dụng, tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp cả nước năm 2010 so với năm 2005 tăng gần 1,78 triệu ha, trong đó tăng chủ yếu ở loại đất sản xuất nông nghiệp, đất lâm nghiệp. Tuy nhiên, trong đó, diện tích đất trồng lúa lại giảm đến 37.546ha, trung bình mỗi năm giảm hơn 7.000ha. Có 41/63 tỉnh thành giảm diện tích đất trồng lúa, giảm lớn nhất là Tây Ninh, Sóc Trăng, Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang… Bộ TN-MT khuyến cáo, tình trạng chuyển mục đích sử dụng đất trái phép trong 5 năm qua ở các địa phương rất phổ biến, nhất là tình trạng chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp thành đất ở tại các khu vực vùng ven Hà Nội và TPHCM.
Cũng tại các khu vực này, việc mua gom đất nông nghiệp để chờ dự án, dẫn đến bỏ hoang hóa đất rất phổ biến. Việc phát triển các khu đô thị ở một số thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TPHCM còn phân tán đã tạo nên nhiều khu đất nông nghiệp bị xen kẹt giữa các khu đô thị và bị bỏ hoang cũng gây nên tình trạng lãng phí đất đai. Đây rõ ràng là xu hướng tiêu cực, đe dọa an ninh lương thực và sự phát triển ổn định của đất nước trong một vài thập kỷ tới.
Bên cạnh đó, diện tích đất đã giao, cho thuê nhưng chậm đưa vào sử dụng vẫn còn khá lớn (gần 540.300ha). Hầu hết các loại đối tượng sử dụng đều có tình trạng này, thậm chí ngay cả các tổ chức, cá nhân nước ngoài được thuê đất không nhiều nhưng vẫn có một phần diện tích chậm đưa vào sử dụng. Nhiều địa phương phát triển dàn trải các khu công nghiệp, dẫn đến một số khu được xây dựng đã lâu nhưng tỷ lệ sử dụng thấp, trong khi địa phương lại tiếp tục giao đất để thực hiện các dự án sản xuất ngoài khu công nghiệp. Thậm chí, như huyện Trảng Bàng (Tây Ninh) tiếp tục… làm khu công nghiệp mới, trong khi khu công nghiệp hiện hữu mới lấp đầy chưa tới 10%! Tính chung, cả nước hiện có 249 khu công nghiệp được thành lập, trong đó có 162 khu đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy chưa tới 51%.
Chưa đề cập tới những bất cập nhất định đã được chỉ ra trong quá trình kiểm kê khiến cho diện tích đất “phồng” lên khá nhiều so với thực tế, nếu chấp nhận hệ thống số liệu này, người ta vẫn không thể không thấy lo ngại về nghịch lý trong quản lý, sử dụng đất đai: của để dành không còn nhiều, nhưng vẫn đang bị xài phung phí!
Anh Thư