Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM cho biết, hiện nay khoảng 6.200 - 6.700 tấn rác sinh hoạt thải ra mỗi ngày ở TPHCM đều đã được xử lý hợp vệ sinh. Trong đó, Công ty Xử lý Chất thải Rắn Việt Nam tiếp nhận 3.000 tấn, Công ty VietStar tiếp nhận 600 tấn và phần còn lại do Công ty Môi trường Đô thị thành phố xử lý. Không chỉ có vậy, với năng lực của các khu xử lý rác sinh hoạt hiện có, TPHCM còn có thể an tâm về chuyện xử lý rác sinh hoạt tới gần 10 năm nữa, cho dù lượng rác có tăng thêm khoảng 10%/năm.
Thế nhưng, nghịch lý đang xảy ra ở ngay chỗ này. Về nguyên tắc, các khu xử lý rác của TPHCM thậm chí… đã dư năng lực xử lý rác, như vậy thành phố sẽ phải… sạch hơn vì rác được đưa vào xử lý hết, nhưng thực tế lại không phải như vậy. Trong rất nhiều sông, kênh, rạch… và rất nhiều ngõ ngách của thành phố luôn đọng đầy rác. Rác nhiều đến mức, không ít du khách đã nghĩ rằng: phải chăng thành phố không đủ năng lực, điều kiện xử lý rác?
Theo nhiều chuyên gia về đô thị, nguyên nhân chính của thực trạng này là ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của một bộ phận không nhỏ người dân còn hạn chế; bên cạnh đó là sự lơi lỏng trong quản lý, xử phạt của ngành chức năng. Tất nhiên, đây là những lý do... cũ rích. Thời gian qua, TPHCM đã phát động nhiều phong trào giữ gìn vệ sinh môi trường như “Ngày chủ nhật xanh”, “Năm trật tự văn minh đô thị”… nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện như mong muốn. Rác vẫn đầy sông, kênh, rạch, đầy ngõ ngách… ảnh hưởng xấu đến môi trường sống của người dân.
Sở Tài nguyên - Môi trường cho rằng, bệnh sốt xuất huyết đang bùng phát mạnh ở TPHCM trong thời gian gần đây, ít nhiều do sông, kênh, rạch chứa đầy rác làm tắc nghẽn dòng chảy, khiến cho nước chậm lưu thông hoặc tù đọng, tạo điều kiện cho muỗi phát triển. Đó là chưa kể đến một hậu quả xấu khác, rác nghẹt sông, kênh rạch khi phân hủy sẽ phát tán ra nhiều loại khí thải độc hại cho môi trường, gây hiệu ứng nhà kính, góp phần làm biến đổi khí hậu.
Hành động bỏ rác đúng nơi quy định hoàn toàn không làm cho người vứt rác phải “lao lực” mà chỉ cần một chút ý thức, một chút chịu khó đi đến nơi có thùng rác. Vậy tại sao mỗi chúng ta không thêm một chút nỗ lực để bảo vệ môi trường sống cho chính mình?
Sơn Lam