Sổ tay: “Thành phố minh bạch”, sao không?

Cuối tuần qua tại Hà Nội, sáng kiến “Thành phố minh bạch” đã được giới thiệu rộng rãi đến công chúng thủ đô. Đây là sáng kiến do Thị trưởng thành phố Martin (Slovakia) khởi xướng năm 2008, đã áp dụng rất thành công ở thành phố này, được trao giải Dịch vụ công năm 2011 của Liên hiệp quốc và nhân rộng ra nhiều địa phương khác của Slovakia. Hơn thế, nhiều nội dung của “Thành phố minh bạch” đã được luật hóa trong Luật Mua sắm công của nước này, chẳng hạn như yêu cầu sử dụng hệ thống đấu thầu điện tử…

Thị trưởng Martin, ông Andrej Hrnciar, viết trong thư ngỏ giới thiệu về “Thành phố minh bạch”: “Mục tiêu của chúng tôi là loại bỏ không gian cho tham nhũng bằng cách khiến mọi thủ tục, bước đi và quyết định của thành phố được minh bạch. Các lãnh đạo đi tới thỏa thuận chịu sự giám sát của người dân vào mọi lúc. Mọi hợp đồng, hóa đơn, thuê nhân công, mua bán cho thuê bất động sản... của thành phố phải được thông tin công khai 24 giờ/ngày, 7 ngày/tuần (...). Là thị trưởng, tôi không muốn ký các hợp đồng phía sau cánh cửa đóng kín”.

Trên thực tế, thành phố Martin đã áp dụng thành công một loạt biện pháp cụ thể như áp dụng hệ thống đấu thầu điện tử cho tất cả các gói thầu công trị giá trên 3.000 EUR; sử dụng hệ thống dữ liệu mở để người dân truy cập và giám sát các khâu tuyển chọn công chức, phân bổ nhà ở xã hội, hoạch định chính sách và bầu ủy viên Hội đồng TP; xây dựng quy tắc ứng xử và bầu ra ủy viên đạo đức của TP; công bố lịch tiếp dân của thị trưởng... Tất cả đều nhằm tăng cường tính minh bạch và giảm thiểu nguy cơ tham nhũng trong các hoạt động hành chính công. Thành phố đã mời Văn phòng Tổ chức Minh bạch quốc tế tại Slovakia (TI-SK) tham gia đánh giá độc lập hiệu quả của dự án này.

Trong buổi giới thiệu sáng kiến tại Hà Nội, sự thành công khi áp dụng hệ thống điện tử cho đấu thầu và mua sắm công được đặc biệt nhấn mạnh. Đại diện thành phố cho biết, khi họ định làm một con đường, mọi thông tin được công bố công khai, bất kỳ công ty nào đủ điều kiện đều được tham gia đấu thầu với số lượng không hạn chế. Họ có thể đăng ký đấu thầu ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào, tên công ty cung cấp dưới dạng mã số. Kết quả trúng thầu sau đó cũng được công khai trên hệ thống với mức giá rõ ràng, cụ thể.

Nhờ đó, mọi người dân đều có thể giám sát và đưa ra ý kiến về mọi hợp đồng, hóa đơn, đơn đặt hàng mua sắm công của thành phố. Ngoài sự công khai, minh bạch, biện pháp này còn đạt được hiệu quả kinh tế cao: Martin tiết kiệm được tới 22% chi phí đấu thầu và mua sắm công so với trước khi áp dụng phương thức mới.

Trong khi Quốc hội đang bàn thảo rất sôi nổi nhằm đưa ra những quyết sách tạo lực đẩy mạnh mẽ và bền vững cho công tác phòng, chống tham nhũng thì đây thật sự là một kinh nghiệm rất đáng tham khảo.

Ở Việt Nam, công tác thí điểm đấu thầu điện tử đã được triển khai vài năm qua. Mới đây, theo ý kiến chỉ đạo từ Văn phòng Chính phủ, Bộ KH-ĐT đã ban hành Văn bản số 6965/BKHĐT-QLĐT gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước về việc tiếp tục triển khai thí điểm đấu thầu qua mạng.

Theo đó, công tác đấu thầu qua mạng tại một số đơn vị đang làm thí điểm sẽ tiếp tục thực hiện đến hết
năm 2013. Công tác đào tạo, hướng dẫn các chủ đầu tư, bên mời thầu đăng ký, đăng tải: kế hoạch đấu thầu, thông báo mời thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu tất cả các gói thầu lên hệ thống đấu thầu qua mạng cũng được yêu cầu chú trọng.

Hy vọng sắp tới, công tác này sẽ không còn gói gọn trong “chiếc áo chật” thí điểm, mà nhanh chóng được nhân rộng, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi “quốc nạn” đang làm nóng toàn xã hội và nghị trường.

Anh Thư

Tin cùng chuyên mục