Soi gương và gương soi

Chiếc gương có lịch sử khá lâu đời của văn minh nhân loại. Trải qua hàng ngàn năm dùng kim loại đồng, bạc đánh bóng làm gương, mãi cho đến đầu thế kỷ 19 người ta mới phát minh ra gương tráng thủy như chúng ta dùng bây giờ.
Minh họa: DIỄM KHANH
Minh họa: DIỄM KHANH
 Người thành phố không thể sống thiếu chiếc gương. Người nông thôn dù nhiều nhà không có gương nhưng ao ước về nó vẫn luôn cháy bỏng.
Nửa thế kỷ trước, không ngôi nhà trong phố nào không có một chiếc gương dù to dù nhỏ. Dù rằng, để sắm một chiếc gương lúc ấy không hề dễ dàng. Dân Hà Nội phải lên phố Hàng Thiếc mua kính và đặt tráng chiếc gương của mình mất hàng tháng trời mới xong. Chiếc gương của cả gia đình lỡ chẳng may bị vỡ sẽ là một sự kiện nghiêm trọng, không chỉ vì nó đắt tiền. Nó còn đáng sợ về mặt tâm linh. Thị dân cũ còn giữ được những chiếc gương cổ là món đồ quý giá sánh ngang với nhiều tài sản khác trong nhà.
Gương soi những năm 60, 70 trở thành vật trang trí trong nhà đúng như quan niệm về giá trị của nó. Người ta không ngừng cải tiến mẫu mã khung và vẽ trang trí lên mặt gương. Vào một gia đình cả thành thị lẫn nông thôn lúc này hay bắt gặp chiếc gương vẽ tứ quý lan, mai, cúc, trúc hoặc đại bàng, chim công, chim phượng. Chiếc tủ đứng trong nhà muốn sang trọng phải có một cánh gương vẽ lòe loẹt như thế. Nhiều khi công dụng của chiếc gương ấy chính là để ngắm chứ không phải để soi.  
Chiếc gương là nơi chải đầu, trang điểm của phụ nữ hàng ngày. Nhiều phụ nữ nông thôn lúc ấy trong nhà không có gương, phải dùng cách khác. Đó là khâu một mảnh gương bé bằng cái nắp chai bia vào bên trong chóp nón. Dụng cụ trang điểm cầm tay này được phổ biến rộng rãi ra cả thành phố. Bởi vì khái niệm một chiếc gương nhỏ trong hộp trang điểm cá nhân phải đến sau 1970 mới thông dụng. 
Chiếc gương soi giờ đây là vật dụng không thể thiếu trong mọi gia đình. Những cửa hàng, cửa hiệu tùy theo ngành hàng kinh doanh mà lắp đặt gương. Khi thì có công dụng cụ thể như hàng cắt tóc, gội đầu hoặc thời trang. Cũng có khi chỉ mang tính trang trí nhằm mở rộng không gian ảo. 
Có anh chàng dân tộc thiểu số ở trên núi cao chẳng soi gương bao giờ. Một hôm, hứng chí xuống phố vào hiệu chụp ảnh. Chủ hiệu ảnh trả nhầm ảnh người khác cũng cứ thế mang về. Hôm sau xuống phố khiếu nại: “Vì sao dưới chân tao lại có thêm đôi dép, tao chưa đi dép bao giờ?”. Chủ hiệu ảnh nhanh trí xoa dịu: “Thì tao tặng mày thêm đôi dép!”. Vậy là lại yên tâm mang tấm ảnh về. Hình như đàn ông không soi gương luôn tự tin về dung nhan của mình.
Chiếc gương có lẽ đã đi vào tục ngữ ca dao từ ngàn xưa. “Gương vỡ lại lành” là thành ngữ nói về sự hàn gắn nghĩa tình mà không có cái gương nào ở đây cả. Cũng giống như khi ta nói ai đó như một “tấm gương” là để chỉ một con người và hành động cao đẹp cụ thể. Cũng có lúc là nói về những “tấm gương” xấu chẳng nên noi theo. Gương xấu, gương tốt không phải lúc nào cũng rạch ròi phân biệt. Có ông cụ suốt đời nghĩ mình phải làm “tấm gương” cho con cháu. Ông từ chối mọi thú chơi cờ bạc, rượu chè, trai gái, hút sách. Ông cư xử hòa nhã, nhún nhường trong giao tiếp. Ông cũng ăn nhịn, mặc thèm, chẳng bao giờ phung phí. Cuối cùng, ông chẳng làm được việc gì cho ra hồn suốt một đời. Ta không thể kết luận việc sinh hoạt khiêm nhường ấy, hay sự nghiệp của ông mới chính là “tấm gương”? Hình như cả hai đều không phải là “tấm gương” cho bất kỳ ai?
Chợt nhớ đến câu thơ của vua Tự Đức (1829 - 1883) nhà Nguyễn, quả là một tuyệt cú dành cho tình yêu: “…Đập cổ kính ra tìm lấy bóng/ Xếp tàn y lại để dành hơi…” (Khóc Bằng phi). Hẳn là thời Tự Đức người Việt đã dùng chiếc gương bằng kính có thể đập được. Và nhà vua được nhớ đến như một tấm gương chung tình.

Tin cùng chuyên mục