Đây chính là cơ sở quan trọng để cải thiện hiệu quả quản lý khu vực kinh tế này, trong đó có quản lý thuế; đồng thời tăng tính minh bạch, góp phần thu hút những nhà đầu tư tốt, “lọc” bớt những dự án không phù hợp.
Theo dự thảo, bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả khu vực FDI có 36 chỉ tiêu thành phần, trong đó có 25 chỉ tiêu về kinh tế, 7 chỉ tiêu xã hội và 4 chỉ tiêu và môi trường. Các chỉ tiêu kinh tế được chia làm các nhóm: quy mô, đóng góp vào phát triển; hiệu quả hoạt động; đóng góp ngân sách; tác động lan tỏa và công nghệ. Lĩnh vực xã hội được đánh giá thông qua 7 chỉ tiêu, bao gồm 6 chỉ tiêu về tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, 1 chỉ tiêu về bình đẳng giới. Nhóm môi trường có 4 chỉ tiêu về tiết kiệm năng lượng, áp dụng ISO về quản lý chất lượng, kiểm soát nước thải và kiểm soát khí nhà kính.
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết thêm, do đầu vào của bộ tiêu chí sẽ do Tổng cục Thống kê cung cấp trên cơ sở kho dữ liệu hiện có và điều tra doanh nghiệp hàng năm nên không làm phát sinh thủ tục hành chính và cũng không làm phát sinh các khoản chi ngân sách mới. Thậm chí, nhờ so sánh được chính xác sự cân đối giữa giá trị dòng vốn đầu tư nước ngoài và giá trị nguồn lực sử dụng trong hoạt động đầu tư nước ngoài, các cơ quan quản lý nhà nước có thể điều chỉnh chính sách nhằm tránh lãng phí nguồn lực, không thu hút các dự án thâm dụng tài nguyên, lao động; nên bộ tiêu chí có thể giúp làm tăng ngân sách một cách gián tiếp.
Trong khi đó, về phía nhà đầu tư, nhìn vào bộ tiêu chí này, họ có thể biết được dự án của mình ở quy mô ra sao, công nghệ nào, tính hiệu quả bao nhiêu (thể hiện bằng việc tăng giá trị gia tăng cho đất nước Việt Nam), tương ứng với những hỗ trợ gì sẽ có… Đây là một thuận lợi rất lớn, là động lực thúc đẩy quá trình quyết định đầu tư.
Tuy vậy, nhìn từ góc độ khác, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, cần có sự linh hoạt nhất định khi áp dụng bộ tiêu chí đánh giá. Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ở từng giai đoạn cụ thể, các địa phương có mục tiêu kinh tế - xã hội khác nhau. Cần cân nhắc kỹ để lựa chọn được một “tổ hợp” chỉ tiêu đảm bảo các yêu cầu: thuận lợi trong thu thập thông tin, phản ảnh được đầy đủ các tác động của đầu tư nói chung và đầu tư nước ngoài nói riêng đến các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ, từng địa bàn, cả trước mắt và lâu dài.
Cần nói thêm rằng, những dự báo mới nhất của các định chế tài chính quốc tế, các tổ chức nghiên cứu đều cho rằng môi trường đầu tư và kinh doanh trên toàn cầu đã có những thay đổi nhanh chóng trước bất ổn địa chính trị, điều kiện tài chính, lạm phát gia tăng, rủi ro suy giảm kinh tế trên diện rộng... Diễn biến của dòng vốn FDI trên toàn cầu, vì thế, cũng đã được nhìn nhận lại theo hướng sẽ giảm tốc; hoặc đi ngang (trong kịch bản tốt nhất). Dòng vốn đầu tư chảy vào các lĩnh vực liên quan đến mục tiêu phát triển bền vững cũng còn yếu. Dữ liệu sơ bộ cho thấy dòng vốn đầu tư vào các dự án xanh đã giảm 21% trên toàn cầu, các dự án tài trợ quốc tế giảm 4%... Trong bối cảnh chung đó, những nỗ lực để nâng cao chất lượng của dòng vốn FDI - mà bộ tiêu chí lựa chọn là một trong những nỗ lực như thế - càng cần thiết hơn bao giờ hết.