Một thực tế đáng lo ngại ở ĐBSCL là trong khi thất thoát sau thu hoạch lúa khoảng 12% - 14%, tương đương 635 triệu USD/năm, thì chỉ có 3% sản lượng lúa được nông dân bán trực tiếp cho các nhà máy lau bóng/xuất khẩu. Số còn lại hầu hết phó thác cho thương lái. Tuy nhiên, ngay cả nông dân và thương lái cũng phải lệ thuộc vào “cò” lúa, gạo đang tung hoành tại vựa lúa lớn nhất quốc gia.
Nhiều tầng nấc thao túng thị trường
Nghiên cứu của các chuyên gia Trường Đại học Cần Thơ và Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp (thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) cho thấy: Có 4% lượng lúa mà nông dân sản xuất ra được các nhà máy xay xát thu mua, chủ yếu là các nhà máy này nằm trong vùng sản xuất. Chỉ 3% sản lượng lúa được bán trực tiếp từ nông dân đến các nhà máy lau bóng/xuất khẩu. Đặc biệt, thương lái là tác nhân trung tâm trong chuỗi giá trị khi có tới 93% lượng lúa sản xuất ra được bán cho tác nhân này. Tuy nhiên, quan hệ của các thương lái với nông dân lỏng lẻo; nhất là việc mua bán thông qua “cò lúa” tại địa phương chiếm 55%... Vào thời điểm chính vụ, 75% nông dân bán lúa tươi chưa qua phơi, sấy và 25% bán lúa khô. Mặc dù hiện nay, nhà nước đang có chính sách khuyến khích nông dân bán lúa khô nhằm tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, chi phí đầu tư vào phơi sấy, tạm trữ rất lớn nên người dân trồng lúa phải chấp nhận bán lúa tươi mặc dù lợi nhuận sẽ giảm.
Rõ ràng, thương lái là tác nhân chính trong chuỗi giá trị, tác động trực tiếp đến hộ sản xuất. Nhưng hình thức tổ chức và quản lý tác nhân này đang rất yếu. Hiện chưa có bất cứ chính sách nào của nhà nước tác động trực tiếp đến thương lái… Chưa hết, thực tế tại ĐBSCL đang diễn ra tình trạng ngay cả thương lái (lực lượng mà nông dân thương xuyên kêu ép giá, thao túng thị trường) vẫn phải bị “cò” chi phối. Hiện có 13% thương lái bán lúa cho nhà máy xay xát trong khu vực, 69% bán gạo nguyên liệu cho nhà máy lau bóng/xuất khẩu và 11% bán gạo thành phẩm cho các hộ buôn bán bán lẻ. Để thực hiện các giao dịch này, có 71,4% thương lái bán thông qua “cò gạo” - môi giới giữa nhà máy và thương lái.
Các chuyên gia cho rằng, việc phát sinh “cò lúa” và “cò gạo” giúp hệ thống thương lái vận hành “trôi chảy” hơn. Tuy nhiên, nó tạo ra chuỗi giá trị dài và tác động xấu đến hiệu quả kinh tế, làm tăng thêm chi phí được tính vào giá của sản phẩm lúa gạo bán ra… Đặc biệt, chính những thương lái và cò lúa còn tác động rất lớn trong việc cho lựa giống lúa sản xuất của nông dân.
Tiêu chuẩn gạo xuất khẩu lạc hậu?
Hiện nông dân ĐBSCL đang sản xuất hàng chục loại giống lúa khác nhau. Thương lái thu mua và trộn lẫn các loại gạo đang diễn ra phổ biến. Một ghe lúa có thể có tới 5 - 8 loại giống. Việc này ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng lúa gạo Việt Nam. Đơn vị xuất khẩu hiện nay không đủ nguồn lực về tài chính và lưu trữ, không chủ động được vùng nguyên liệu nên phải phụ thuộc vào kênh tiêu thụ này để thu mua. Vì thế, sản phẩm luôn bị trộn lẫn và không có sự đồng nhất dẫn đến các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam hiện nay vẫn có phẩm chất thấp, giá trị không cao. Các loại gạo đặc sản cung cấp cho tiêu dùng không có phẩm chất và giá trị vốn có.
Tại hội nghị về chuỗi giá trị lúa gạo do Bộ NN-PTNT tổ chức ở Cần Thơ mới đây, các chuyên gia trong nước và quốc tế xác định: ĐBSCL phải tập trung mở rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn, áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất sạch, đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp; giảm thất thoát trong và sau thu hoạch… Đồng thời phải cấp bách xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam. Có như thế mới thật sự cải thiện, nâng cao thu nhập cho người trồng lúa một cách bền vững… Việt Nam không có được một thương hiệu rõ ràng. Khách hàng coi gạo Việt Nam có chất lượng kém nhất, kể cả gạo cao cấp 5% tấm hay gạo cấp thấp 25% tấm. Trong khi tại các nước xuất khẩu gạo cạnh tranh với Việt Nam như Thái Lan có giống Khaodakmali, Jasmine của Mỹ, hay Basmati của Ấn Độ và Pakistan là những thương hiệu gắn liền với sản xuất các nước đó và được người tiêu dùng trên toàn thế giới biết đến thì Việt Nam hiện nay không có một giống chủ lực nào có thương hiệu cho xuất khẩu. 20 năm qua, Việt Nam duy trì tiêu chuẩn gạo xuất khẩu 6,2mm, trong khi giống lúa IR50404 đã có chiều dài trung bình 6,4mm. Nhiều nước khác đã duy trì tiêu chuẩn gạo xuất khẩu có chiều dài hạt gạo trung bình 6,8mm. Trong khi đó, hiện nay giống lúa OM4218 và nhiều loại giống OM khác đang sản xuất ở ĐBSCL đều có hạt dài trung bình 6,8mm. Và thực tế giống lúa này tuy được xuất khẩu với số lượng chưa nhiều, nhưng chắc chắn sẽ được xuất khẩu nhiều hơn khi đưa giống lúa này thành tiêu chuẩn xuất khẩu gạo mới, thay thế cho tiêu chuẩn gạo xuất khẩu cũ từ hơn 20 năm trước…
Theo GS-TS Nguyễn Văn Luật (nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL), giá trị thuần nông dân thu được trên mỗi ký lúa là 540 đồng (tương đương 27,8%). Trong khi đó, thương nhân mua lúa thu được 39 đồng (2%), nhà máy xay xát (123 đồng, 6,3%), nhà máy lau bóng (50 đồng, 2,6%). Riêng doanh nghiệp xuất khẩu gạo thu được đến 556 đồng (tương đương 28,7%) trên mỗi ký gạo xuất khẩu. “Trong chuỗi giá trị lúa gạo hàng hóa gia tăng, cái gốc đương nhiên là nông dân, hiện đang bị thiệt đơn thiệt kép. Do đó, tái cơ cấu nền nông nghiệp, trong đó có nền sản xuất lúa bền vững cần lấy điểm xuất phát, lấy thước đo là mức độ cải thiện đời sống kinh tế - xã hội của người nông dân. Trong chuỗi giá trị, cần bao gồm không chỉ đầu ra xuất khẩu gạo mà còn cả đầu vào của sản xuất, như giá phân bón, thuốc sâu, giống... Làm sao để nông dân mua với giá gần với giá xuất xưởng, hỗ trợ của nhà nước cho nông dân qua doanh nghiệp không bị cắt xén...”. |
BÌNH ĐẠI