Sớm quy hoạch lại chợ tạm

Trong lúc chính quyền quận 1 mạnh tay xử lý vi phạm lấy lại vỉa hè đang bị lấn chiếm trả về cho công cộng thì giữa trung tâm TPHCM, hàng chục chợ tạm vẫn hoạt động ở lòng lề đường của nhiều tuyến đường. Hoạt động của những chợ tạm tồn tại hàng chục năm qua này đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sống của người dân...

Trong lúc chính quyền quận 1 mạnh tay xử lý vi phạm lấy lại vỉa hè đang bị lấn chiếm trả về cho công cộng thì giữa trung tâm TPHCM, hàng chục chợ tạm vẫn hoạt động ở lòng lề đường của nhiều tuyến đường. Hoạt động của những chợ tạm tồn tại hàng chục năm qua này đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sống của người dân...

Cảnh buôn bán bát nháo tại chợ Cô Giang. Ảnh: THÁI PHƯƠNG

Bát nháo giữa trung tâm

Tại chợ Cũ trên đường Tôn Thất Đạm (phường Bến Nghé, quận 1), theo ghi nhận của phóng viên vào ngày 28-3 thì khu chợ có hơn 200 tiểu thương buôn bán tất cả các mặt hàng và hầu hết các sạp đều bày hàng ngay dưới lòng đường, có nơi hàng hóa chiếm đến giữa lòng đường Tôn Thất Đạm gây cản trở giao thông. Không những thế, các sạp hàng che chắn rất lụp xụp, giăng bạt che nắng, mưa gần hết con đường nên nơi đây không đảm bảo phòng cháy, chữa cháy. Ngay từ sáng sớm, khu chợ Cũ đã tấp nập người bán, kẻ mua. Một số gian hàng bán cá bốc mùi hôi thối ảnh hưởng đến người dân đang sinh sống tại đây.

Điều đáng nói là ngay giữa khu chợ có Trường Tiểu học Hòa Bình, hàng ngày phụ huynh và học sinh ra vào phải chen chúc cùng dòng người đi chợ và các sạp hàng. Nhiều phụ huynh bày tỏ sự lo ngại nếu xảy ra hỏa hoạn tại chợ thì con em mình sẽ bị ảnh hưởng.

Nhếch nhác hơn cả khu chợ Cũ phải kể đến khu chợ tự phát trên đường Cô Giang (phường Cầu ông Lãnh, quận 1). Khu chợ kéo dài từ đường Cô Bắc qua đến đường Cô Giang, bán đủ các mặt hàng và hàng hóa hầu hết được bày ra trên một tấm bạt đặt ngay trên lề đường. Vào mỗi buổi sáng, việc qua lại trên con đường này rất khó khăn, bởi người bán, kẻ mua và xe của người đi chợ đậu đầy đường. Các tiểu thương bày hàng ra chiếm hết vỉa hè. Dưới lòng đường, các xe đẩy, các gánh hàng rong mặc nhiên chiếm dụng để bán hàng. Vấn đề đáng nói ở đây là an toàn vệ sinh thực phẩm không đảm bảo, do là chợ tự phát, không có sạp hàng hay quy định khu bán hàng nên nhiều quầy bán đồ ăn thức uống đã nấu chín được đặt cạnh các quầy bán thịt, cá sống. Bên cạnh đó, việc kiểm tra chất lượng thực phẩm bày bán tại chợ cũng rất khó kiểm soát.

Sẽ giải tỏa trong năm 2017?

 

* Theo thống kê sơ bộ của Sở Công thương TPHCM, toàn địa bàn TPHCM có khoảng 250 điểm kinh doanh tự phát mà người dân hay gọi là chợ tự phát, rải đều khắp các quận, huyện. Trong đó, tập trung nhiều nhất là quận Bình Tân 34 điểm, huyện Bình Chánh 33 điểm, quận 1 có 19 điểm, quận Thủ Đức 18 điểm, quận 8 có 14 điểm, huyện Nhà Bè 14 điểm… Có chợ tự phát đã tồn tại hàng chục năm, có chợ mới hình thành vài năm gần đây do nhu cầu từ các khu dân cư mới hình thành. Đặc điểm của các chợ tự phát là các hộ dân địa phương có nhà ở mặt tiền đường mở ra kinh doanh hay cho thuê mặt bằng kinh doanh, hầu hết đều lấn chiếm lòng lề đường, gây mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường. Các chợ tự phát mọc lên không theo quy hoạch, buôn bán tràn lan, không chỉ ảnh hưởng đến an toàn giao thông mà điều đáng nói là gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc kinh doanh chân chính của các tiểu thương ở chợ truyền thống.

 

Đã từ lâu, khu chợ đêm Bến Thành (hoạt động từ 19 giờ, nằm bên hông chợ Bến Thành, quận 1) đã trở thành nét văn hóa và là nơi thu hút du khách khi đến tham quan, du lịch tại TPHCM. Tuy nhiên, cảnh bát nháo gây mất mỹ quan tại khu chợ lại diễn ra trong khoảng 15 - 20 phút trước khi chợ bắt đầu hoạt động. Đây là thời điểm tiểu thương đẩy xe hàng từ các con hẻm quanh chợ Bến Thành ra khu chợ đêm. Xe hàng được đẩy ra với đủ các hình thức: đẩy tay, dùng xe lai dắt. Người dân sống ở khu vực này và người qua đường luôn phải thót tim khi thấy các thanh niên cởi trần, trên lưng và tay đầy hình xăm, một tay lái xe, một tay kéo hàng chạy bạt mạng vào đường ngược chiều đông người, vừa luôn miệng la lối, thậm chí mắng chửi người đi đường, để đẩy hàng đi nhanh nhất. “Ngày nào cũng vậy, cứ đến giờ dọn hàng ra chợ đêm là nơi đây giao thông rất hỗn loạn. Tôi nhiều lần chứng kiến các xe hàng vì cố vượt đường mà gây tai nạn cho người qua lại. Dù việc này lặp đi lặp lại hàng ngày nhưng tôi không thấy lực lượng chức năng can thiệp xử lý”, chị Trần Thanh Tâm (ngụ đường Trương Định, quận 1) bức xúc.

Theo thống kê, quận 1 hiện có 19 điểm kinh doanh tự phát, chủ yếu là mua bán thực phẩm, đồ cũ, dịch vụ ăn uống… Trong đó, có nhiều khu vực tồn tại từ trước năm 1975, như: chợ tự phát trên đường Nguyễn Cảnh Chân (phường Cầu Kho), hẻm 137 Trần Đình Xu (phường Nguyễn Cư Trinh), lề đường Cô Bắc (phường Cầu Ông Lãnh)… Năm 2016, các phường Cầu Kho, Tân Định, Nguyễn Thái Bình đã ban hành kế hoạch triển khai chấn chỉnh, xử lý trật tự đô thị, giải tỏa chợ tự phát trên địa bàn. Kế hoạch được thực hiện thường xuyên từ giữa năm 2016 đến nay. Ở phường Nguyễn Cư Trinh, UBND phường đã kẻ vạch sơn, sắp xếp khu vực buôn bán cho người dân. Các bộ phận có trách nhiệm cũng thường xuyên tuyên truyền để các hộ kinh doanh không lấn chiếm vỉa hè, tổ chức tổng vệ sinh cảnh quan định kỳ. Tuy nhiên, khi các lực lượng chức năng rút đi thì đường, hẻm lại thành chợ!

Đại diện lãnh đạo UBND quận 1 cho rằng, để giải quyết căn cơ các điểm kinh doanh buôn bán tự phát, Quận ủy, UBND quận 1 đã vận động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Theo đó, UBND 10 phường đang thống kê danh sách, đối tượng, loại hình kinh doanh để đề xuất quận phương án sắp xếp cho phù hợp. “Phía sau từng hộ kinh doanh là câu chuyện dân sinh, cơm áo gạo tiền nên giải pháp đi kèm cũng phải căn cơ, hợp tình hợp lý”, vị lãnh đạo này chia sẻ, đồng thời cho biết, trước mắt quận 1 kiên quyết xử lý việc lấn chiếm đối với những hộ cư trú trên địa bàn, kinh doanh tại nhà mình và đây cũng là giải pháp trong tầm tay. Về lâu dài, chính quyền quận 1 sẽ phân loại các đối tượng kinh doanh, loại hình kinh doanh, nếu họ thuần túy bán rau, bán cá thì vận động vào bán ở chợ truyền thống; nếu họ kinh doanh những mặt hàng phục vụ khách du lịch thì có thể vào chợ đêm, các khu trung tâm thương mại. Trường hợp ngành nghề kinh doanh không ổn định thì tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi ngành nghề. Riêng đối với hoạt động kinh doanh của tiểu thương 3 chợ tạm (gồm: Tôn Thất Đạm, chợ hẻm 41 Nguyễn Văn Tráng và Cô Giang), quận 1 đã thành lập hội đồng đền bù và chờ UBND TP thông qua chính sách đền bù hỗ trợ để giải tỏa di dời trong năm 2017.

VÂN ANH - THÁI PHƯƠNG - HỒNG NHUNG

Ý kiến

* Bà THÁI THANH THỦY (viên chức, ngụ đường Lê Thánh Tôn, phường Bến Thành, quận 1): Đô thị văn minh thì không có chợ tạm bát nháo 

Không riêng gì quận 1, chợ tạm phát triển, tồn tại đều khắp trên các quận, huyện TPHCM. Tuy nhiên, khu vực trung tâm TPHCM đòi hỏi cao hơn về yêu cầu trật tự mỹ quan đô thị vì đây là bộ mặt của TP và cả nước. Do vậy, cùng với việc lập lại trật tự lòng lề đường, chính quyền quận 1 cần rốt ráo hơn nữa trong việc sắp xếp, giải tỏa chợ tạm trên địa bàn. Bởi lẽ, tại các đô thị ở những nước phát triển sẽ không thấy bóng dáng của chợ tạm hoạt động nhếch nhác, bát nháo với thực phẩm không đảm bảo an toàn như TP chúng ta. Nếu có các điểm kinh doanh nhỏ lẻ để mang lại sự tiện ích cho người dân thì cũng được tổ chức rất văn minh, sạch sẽ, hiện đại; trong đó có hoạt động mua bán, thanh toán hoàn toàn tự động như tại Nhật Bản. Với điều kiện của quận 1, tôi nghĩ hoàn toàn có thể từng bước tổ chức các hệ thống buôn bán nhỏ hiện đại như vậy. Đây là xu thế tất yếu trong quá trình xây dựng TP văn minh, hiện đại mà quận 1 cần thực hiện vai trò tiên phong.  

* Bà TÔ MAI LAN (cán bộ hưu trí, phường 11, quận 5, TPHCM): Cần quy hoạch nhiều khu buôn bán nhỏ lẻ hiện đại

Ghé ngang vỉa hè, khu chợ tạm, chợ Cũ mua hàng là thói quen từ trước đến nay của nhiều người dân TP. Tôi cũng vậy, khi còn đi làm, tôi thường tấp vào mấy khu chợ tự phát hay vỉa hè để mua thực phẩm, đồ dùng hàng ngày cho gia đình. Từ khi về hưu, tôi cũng thường đi bộ ra đó. Chợ Dân Sinh xa nhà nên tôi không ghé thường xuyên. Biết là siêu thị hay trung tâm thương mại rất hiện đại, phục vụ tận tình, giá cả phải chăng, chất lượng hàng hóa tốt nhưng nhiều khi bất tiện. Ví dụ như tôi đang cần cuộn chỉ, cây kim để vá quần áo, tôi chỉ việc đi bộ đến một khu chợ nhỏ trong hẻm gần nhà là có ngay. Trái lại, vào siêu thị, tôi không biết tìm kim chỉ ở chỗ nào, còn tốn thêm tiền gửi xe, rồi phải xếp hàng chờ đợi khi thanh toán. Vì thế, tôi cũng như nhiều người khác, ngại vào siêu thị hay chợ quy mô lớn.

Như vậy, những khu buôn bán nhỏ vẫn có nhiều mặt tích cực, như: tiện đường đi, trao đổi mua bán, tiết kiệm thời gian… Tôi mong cơ quan chức năng, chính quyền địa phương có những giải pháp cụ thể, thiết thực hơn nữa nhằm quy hoạch lại nhiều khu buôn bán, kinh doanh đang tồn tại dưới hình thức chợ tạm, chợ cóc. Xử phạt, chấn chỉnh chỉ là giải pháp tức thì, tạm thời, chứ không thể xóa bỏ vĩnh viễn những khu vực kinh doanh tự phát, vì cuộc sống của người dân TP vẫn chưa thể thiếu những hình thức, địa điểm mua bán, trao đổi như vậy. Thay vào đó, việc hướng dẫn tiểu thương thực hiện đúng quy định, không lấn chiếm vỉa hè; tạo thói quen giữ gìn vệ sinh chung trong các khu chợ; xây dựng, quy hoạch những khu chợ nhỏ có tính khoa học, phù hợp năng lực kinh tế của tiểu thương… sẽ là giải pháp lâu dài, bền vững.

Tin cùng chuyên mục