

Để hiểu rõ hơn về chất lượng vàng trên thị trường hiện nay, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Dưng - Chủ tịch Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý TPHCM (HMNKHĐQ TPHCM), nơi định hướng nghề nghiệp, tập trung nhiều nghệ nhân và đơn vị kinh doanh, sản xuất vàng tại TPHCM.
- Thưa ông, với tư cách là Chủ tịch HMNKHĐQ TPHCM, ông đánh giá chất lượng vàng trên thị trường hiện nay như thế nào?
- Chất lượng vàng hiện nay trên cả nước không đồng nhất. Vàng nữ trang phần lớn không đạt 18K (tức vàng 75%) mà chủ yếu là vàng 65% và 68%, cá biệt có nơi chỉ đạt 60%, 62%, ở một số tỉnh chỉ đạt 50%.
Thực trạng này đã có từ rất lâu chứ không phải mới đây. Riêng vàng nữ trang tại TPHCM hiện nay chủ yếu có 3 loại 18K (75%), 68% và 65%, một số ít quận ngoại thành còn sử dụng vàng 60%.
Chính sách của Nhà nước chỉ quy định: Doanh nghiệp tự đăng ký chất lượng và chịu trách nhiệm về chất lượng đăng ký mà không định rõ tiêu chuẩn hàm lượng vàng tối thiểu cho từng loại là bao nhiêu.
Lợi dụng sơ hở này, một số doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh cố tình gian lận tuổi vàng. Mặt khác, vì chưa có quy định chuẩn vàng nên thị trường đã bị cuốn vào những vùng có chất lượng vàng khác nhau, vùng này sử dụng vàng 65%, vùng kia 68%...
- Vậy vai trò của HMNKHĐQ TPHCM ra sao trước thực trạng này?
- Hiện nay, HMNKHĐQ TPHCM có trên 1.500 hội viên, chúng tôi vận động tất cả các hội viên ký cam kết bảo đảm chất lượng sản phẩm theo quy định; kiểm tra định kỳ để cấp hoặc thu hồi giấy chứng nhận; xử lý theo điều lệ hội hoặc đề nghị các cơ quan chức năng xử lý.
Chúng tôi còn cùng với Hiệp hội Kinh doanh vàng nghiên cứu phối hợp với các cơ quan truyền thông mở chuyên mục: “Hướng dẫn tiêu dùng sản phẩm nữ trang” nhằm giúp người tiêu dùng nắm được những kiến thức cơ bản để tự bảo vệ quyền lợi của mình.
Thông qua bản tin Kim hoàn, chúng tôi sẽ tuyên truyền, vận động hội viên nâng cao ý thức, trách nhiệm với xã hội bằng việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm vàng đúng chất lượng.
- Là một hội nghề nghiệp, ông có đề nghị gì để quản lý việc kinh doanh vàng tốt hơn, thưa ông?

- Chúng tôi đề nghị Bộ Công nghiệp, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nên sớm đưa ra những tiêu chuẩn vàng Việt Nam để từ đó chúng ta có cơ sở trong việc kiểm soát, xử phạt. Bên cạnh đó, hiện nay có một số đơn vị vừa kinh doanh, vừa kiểm định, mang tính “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.
Vì vậy, thành lập một trung tâm giám định độc lập đạt tiêu chuẩn là yêu cầu cần thiết để có cơ sở đối chứng hay kiểm định những lô hàng xuất khẩu đạt chuẩn quốc tế, giám định những vụ án liên quan đến vàng.
Nếu được cấp phép, chúng tôi sẽ đầu tư bằng phương pháp, kỹ thuật hiện đại, tiên tiến trên thế giới. Tuy nhiên, đến nay các cơ quan chức năng như Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Nội vụ… trả lời là chưa có văn bản nào hướng dẫn để thành lập trung tâm kiểm định này nên còn phải chờ.
- Xin cảm ơn ông.
Theo số liệu của Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý TPHCM, toàn TPHCM hiện nay có trên 3.000 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng bạc. Riêng sản lượng nữ trang ước đạt 2,5 triệu sản phẩm/năm, tương đương khoảng 20 tấn vàng, chiếm gần 70% thị phần cả nước. Tuy nhiên, con số xuất khẩu còn khiêm tốn so với tiềm năng và trình độ tay nghề vốn có (chỉ đạt 2 - 3 triệu USD/năm). |
Nhiều nước trên thế giới vẫn có một quy định song song với Karat để chỉ một số sản phẩm có hàm lượng vàng ròng thấp như: 9K, 10K, 14K dùng để sản xuất đồ mỹ nghệ, đồng hồ, các linh kiện đồ trang sức, khuy áo, ngòi viết, thân viết…; còn vàng nữ trang bắt buộc đạt các mức độ hàm lượng 14K, 18K, 20K, 22K, nếu phát hiện thực hiện không đúng chuẩn sẽ bị phạt. Ở Hồng Công hay Malaysia áp dụng 5 tiêu chuẩn vàng gồm 5 loại tuổi: 24K, 22K, 18K, 14K, 12K; nếu vi phạm thì biện pháp chế tài rất nặng, tối thiểu 70.000 USD hoặc 2 năm tù giam. |
TẤN VIỆT (thực hiện)
Ông Nguyễn Hữu Thuận – Phó Tổng giám đốc Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC):
“Cần có giải pháp bước đầu”

Cần phải nói rõ là không nên đánh đồng việc kinh doanh sản phẩm vàng thấp tuổi với việc gian lận tuổi vàng trong các sản phẩm, bởi lẽ ở nước ngoài người ta vẫn có những sản phẩm vàng thấp tuổi như 9K, 10K, 12K… để làm hàng mỹ nghệ nhưng họ có quy định rất rõ ràng, trong khi đó ở Việt Nam chưa có.
Để tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong nước và nâng cao chất lượng để cạnh tranh trên thị trường quốc tế, các cơ quan chức năng cần sớm có văn bản riêng quy định cụ thể tiêu chuẩn hàm lượng vàng cho từng loại sản phẩm trang sức để làm cơ sở pháp lý cho việc xử lý vi phạm hay khiếu kiện. Có hai tiêu chuẩn: theo thông lệ quốc tế, áp dụng cho sản phẩm xuất khẩu và tiêu chuẩn trong nước.
Riêng sản phẩm trong nước có thể cho phép tuổi vàng dao động trong biên độ nhất định nhưng không được dưới mức tối thiểu. Các sản phẩm có hàm lượng vàng dao động trong biên độ cho phép bắt buộc phải đóng dấu, ghi rõ hàm lượng vàng. Mặt khác, xây dựng các biện pháp chế tài cụ thể và nghiêm minh như bắt buộc phải đóng dấu đúng hàm lượng vàng trên sản phẩm và bán đúng giá của tuổi vàng đó, không ghi ký hiệu tắt, lập lờ trên sản phẩm.
V.T.
Nghệ nhân kim hoàn Võ Văn Khách - Hiệu trưởng Cơ sở dạy nghề Kim Hoàng:
“Mỗi quận nên thành lập một ban kiểm tra”

Theo tôi, chất lượng vàng hiện nay nói chung và vàng nữ trang nói riêng do các doanh nghiệp quyết định là chính, nếu muốn đưa ngành mỹ nghệ kim hoàn đi vào hoạt động có nền nếp trong lúc chưa có những quy định về chuẩn vàng, ở mỗi quận trong thành phố cần thành lập một ban kiểm tra do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với các cơ quan chức năng như quản lý thị trường, công an kinh tế, thuế địa phương…
Ban này sẽ kiểm tra đột xuất, nếu phát hiện sản phẩm vàng không đảm bảo chất lượng, ví dụ trên sản phẩm ghi 18K nhưng khi kiểm tra chỉ 14K chẳng hạn thì sẽ phạt. Để làm được điều này, thành viên mỗi đội phải am hiểu về vàng và được trang bị dụng cụ thẩm định. Nếu phát hiện, tùy theo mức độ, có thể từ góp ý đến cảnh cáo, xử phạt, thậm chí rút giấy phép kinh doanh.
Để phát huy ý thức của người thợ kim hoàn có đạo đức tốt trong chế tác, nghề nghiệp, Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý TPHCM cần nắm rõ danh sách các thợ vàng, bạc, từ đó tổ chức trắc nghiệm tay nghề, đăng ký lên Sở Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM để cấp giấy chứng nhận tay nghề theo bậc cho thợ.
K.K.