Sonadezi đã làm gì với 5.316 tấn chất thải nguy hại?

Vụ Công ty CP Sonadezi Long Thành (Tổng Công ty Phát triển KCN - Sonadezi) bị phát hiện xả thải chưa qua xử lý ra sông Đồng Nai gây bức xúc trong dư luận về hành vi xâm hại môi trường nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến nhiều khu vực dân cư. Trong khi các cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra, kết luận vụ việc thì mới đây thông qua nhiều nguồn tin khác nhau, PV Báo SGGP đã lần tìm ra đầu mối của 5.316 tấn chất thải nguy hại mà Sonadezi đã tổ chức thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý trái phép trong nhiều năm qua…
Sonadezi đã làm gì với 5.316 tấn chất thải nguy hại?

Vụ Công ty CP Sonadezi Long Thành (Tổng Công ty Phát triển KCN - Sonadezi) bị phát hiện xả thải chưa qua xử lý ra sông Đồng Nai gây bức xúc trong dư luận về hành vi xâm hại môi trường nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến nhiều khu vực dân cư. Trong khi các cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra, kết luận vụ việc thì mới đây thông qua nhiều nguồn tin khác nhau, PV Báo SGGP đã lần tìm ra đầu mối của 5.316 tấn chất thải nguy hại mà Sonadezi đã tổ chức thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý trái phép trong nhiều năm qua…

Là doanh nghiệp (DN) nhà nước trực thuộc UBND tỉnh Đồng Nai, mặc dù chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép vận chuyển và hành nghề xử lý chất thải nguy hại, song trong gần 10 năm trời Công ty Phát triển KCN Biên Hòa (sau này là Sonadezi) vẫn đứng ra thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý chất thải nguy hại cho nhiều DN và KCN trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, thu lợi hàng tỷ đồng…

Bài 1: Hành nghề “chui”

Cổng chính khu chứa hàng ngàn tấn nghi chất thải nguy hại của Công ty CP DV Sonadezi tại KCN Biên Hòa 2. Ảnh: HOÀI NAM

Cổng chính khu chứa hàng ngàn tấn nghi chất thải nguy hại của Công ty CP DV Sonadezi tại KCN Biên Hòa 2. Ảnh: HOÀI NAM

  • Thu gom chất thải rồi... để đó?!

Được UBND tỉnh Đồng Nai giao nhiệm vụ xây dựng khu liên hợp xử lý chất thải rắn công nghiệp (khu liên hợp) với diện tích 100ha tại 2 xã An Viễn và Giang Điền, huyện Thống Nhất (nay là huyện Trảng Bom), Sonadezi đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và sau đó được Bộ Khoa học - Công nghệ và Môi trường (cũ) phê duyệt tại Quyết định số 2811 ngày 14-12-2001.

Mặc dù mới chỉ có báo cáo đánh giá tác động môi trường và cũng chưa được UBND tỉnh Đồng Nai cấp giấy phép hành nghề xử lý, tiêu hủy chất thải nguy hại do các hạng mục của khu liên hợp bao gồm nhà máy xử lý chất thải rắn công nghiệp, lò đốt chất thải nguy hại, bãi chôn lấp chất thải nguy hại chưa xây dựng xong, song Sonadezi vẫn đứng ra nhận thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý chất thải nguy hại cho nhiều DN trên địa bàn.

Thấy “chuyện đã rồi” và đứng trước yêu cầu bức bách cần phải lưu giữ, xử lý hàng ngàn tấn chất thải nguy hại đang nằm tại các DN và KCN trên địa bàn, từ năm 2004 đến 2006, UBND tỉnh Đồng Nai đã 3 lần cấp giấy phép quản lý chất thải nguy hại (thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý) cho Sonadezi. Có được các giấy phép này, Sonadezi đã tổ chức thu gom, vận chuyển hàng ngàn tấn chất thải nguy hại đem về cất vào khu chứa tại xã Giang Điền, trong khi các hạng mục xây dựng của khu liên hợp tại đây vẫn còn nằm trên giấy.

Đến đầu năm 2008, UBND tỉnh Đồng Nai mới tá hỏa khi biết được các giấy phép hành nghề xử lý chất thải nguy hại đã cấp cho Sonadezi là không đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường và Thông tư 12/2006/TT-BTNMT ngày 26-12-2006 hướng dẫn điều kiện hành nghề và thủ tục lập hồ sơ đăng ký, cấp phép hành nghề, mã số quản lý chất thải nguy hại.

Tiến hành kiểm tra tại bãi chứa chất thải nguy hại Giang Điền và một địa điểm khác tại KCN Biên Hòa 2, cơ quan chức năng phát hiện số lượng chất thải nguy hại mà Sonadezi đã thu gom của 30 DN trong nhiều năm nhưng chưa xử lý lên đến 5.316 tấn. Sonadezi báo cáo số tiền thu được là gần 10 tỷ đồng nhưng đã chi hết vào các khoản đầu tư tại khu liên hợp. Thế nhưng, kiểm tra thực tế thì các hạng mục của khu liên hợp vẫn chưa được triển khai.

Trả lời cơ quan chức năng về việc làm khó hiểu này, Sonadezi giải thích: “Do đấu giá hố chôn lấp chất thải nguy hại vượt giá, do thay đổi quy hoạch dự án khu liên hợp đổi thành KCN Giang Điền… nên không thể triển khai được các hạng mục xử lý chất thải nguy hại của dự án khu liên hợp theo giấy phép đã được cấp…”.

Vụ việc sau đó được Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về môi trường (C36 cũ) Bộ Công an vào cuộc làm rõ. Kết luận khẳng định, việc lưu giữ 5.316 tấn chất thải nguy hại của Sonadezi là sai trái; UBND tỉnh Đồng Nai cấp các giấy phép hành nghề xử lý chất thải nguy hại cho Sonadezi khi chưa đủ điều kiện là trái quy định pháp luật; Sở TN-MT tỉnh đã không đình chỉ hoạt động thu gom chất thải nguy hại của Sonadezi, để cho một lượng chất thải nguy hại quá lớn lưu giữ trong thời gian dài dễ dẫn đến hậu quả khó lường.

Từ kết luận trên, C36 đã đề xuất với Bộ TN-MT và UBND tỉnh Đồng Nai ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, đình chỉ ngay việc thu gom chất thải nguy hại của Sonadezi; đồng thời yêu cầu Sonadezi đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại, sau đó ký hợp đồng với các đơn vị có chức năng, có giấy phép hành nghề xử lý chất thải nguy hại để xử lý 5.316 tấn chất thải nguy hại đang lưu giữ tại Giang Điền và KCN Biên Hòa 2. Thế nhưng, hướng xử lý trên đã không được Sonadezi và các cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai thực hiện.

Khu chôn lấp hàng ngàn tấn nghi là chất thải nguy hại tại một khu đất trên đường 19A, KCN Biên Hòa 2, do Công ty CP Dịch vụ Sonadezi quản lý. Ảnh: P.H.N.

Khu chôn lấp hàng ngàn tấn nghi là chất thải nguy hại tại một khu đất trên đường 19A, KCN Biên Hòa 2, do Công ty CP Dịch vụ Sonadezi quản lý. Ảnh: P.H.N.

  • “Vô tư” thu gom chất thải nguy hại

Vào thời điểm giữa năm 2008, thấy tình hình có vẻ lắng xuống và lợi dụng vụ Công ty Vedan xả thải ra môi trường đang được các cơ quan chức năng tập trung giải quyết, Sonadezi đã đề xuất đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải tại xã Quang Trung, huyện Thống Nhất theo quy hoạch đã được phê duyệt, sau đó đưa 5.316 tấn chất thải nguy hại về đây xử lý, tiêu hủy. Đề xuất này đã nhanh chóng được UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận.

Bộ TN-MT sau đó đã ra Quyết định 2267/QĐ-BTNMT ngày 17-11-2009 phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án Khu xử lý chất thải Quang Trung. Chủ đầu tư dự án lúc này được chuyển cho Công ty CP DV Sonadezi (thành lập ngày 15-5-2007; Sonadezi có 15% cổ phần).

Theo tài liệu mà chúng tôi thu thập được, từ đầu năm 2008, khi vụ 5.316 tấn chất thải nguy hại lậu bị phát hiện đến trước ngày 15-10-2010 - thời điểm Công ty CP DV Sonadezi được UBND tỉnh Đồng Nai cấp giấy phép hành nghề xử lý chất thải nguy hại, các hoạt động thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý chất thải nguy hại của Sonadezi vẫn diễn ra bình thường.

Như vậy, lượng chất thải nguy hại có thể không dừng lại ở con số 5.316 tấn mà còn lớn hơn rất nhiều lần. Cụ thể, trong khi đi thực tế thực hiện loạt bài điều tra này, chúng tôi đã phát hiện một khu chứa chất thải nguy hại rất lớn nằm trên đường 19A, KCN Biên Hòa 2 (phía sau Công ty CP DV Sonadezi). Khu đất có diện tích gần 2ha chôn đầy chất thải nguy hại, ước có đến hàng ngàn tấn. Khi phát hiện ra chúng tôi trong khu vực chôn lấp chất thải nguy hại, các bảo vệ đã truy đuổi, tìm cách bắt giữ. Sau cùng chúng tôi đã thoát ra được bên ngoài.

Theo tài liệu chúng tôi nắm được, khu chôn lấp chất thải nguy hại này trước đó đã bị cơ quan chức năng phát hiện, đề nghị xử lý, song không hiểu sao cũng lại “chìm xuồng”. Như vậy, có nhiều khả năng một phần trong số 5.316 tấn chất thải nguy hại phát hiện vào năm 2008 đã được Sonadezi chôn lấp tại đây, thay vì đưa đi xử lý, tiêu hủy theo quy định.

Việc lưu giữ 5.316 tấn CTNH tại thời điểm năm 2008:

- Kho KCN Biên Hòa 2: 149 tấn (gồm: cặn mực in, giẻ lau hóa chất, cặn sơn, thuốc bảo vệ thực vật.

- Khu chứa CTNH xã Giang Điền: 5.167 tấn (5.115 CTNH chôn lấp, 52 tấn CTNH hóa rắn).

(Nguồn: Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai)

Hoài Nam


Bài 2: Truy tìm tung tích

Để làm rõ lượng chất thải nguy hại (CTNH) rất lớn trên hiện đang ở đâu, chúng tôi đã đi thực tế tại nhiều khu vực của 2 huyện Trảng Bom và Thống Nhất. Những thông tin thu thập được cho thấy có nhiều điều khuất tất trong việc xử lý 5.316 tấn CTNH mà Sonadezi thực hiện thời gian qua.

Hạng mục hố chôn chất thải nguy hại tại Khu xử lý chất thải Quang Trung còn đang thi công.

Hạng mục hố chôn chất thải nguy hại tại Khu xử lý chất thải Quang Trung còn đang thi công.

  • Mất dấu vết

Chủ tịch UBND xã Giang Điền (huyện Trảng Bom) Phạm Văn Trọng nắm khá rõ hàng ngàn tấn CTNH mà Sonadezi đưa về đây từ những năm qua. Thế nhưng, ông lại lúng túng khi xác định với chúng tôi về thời điểm và phương thức vận chuyển lượng CTNH rất lớn trên ra khỏi địa bàn mình quản lý. “Để tôi cử cán bộ đi với anh xuống xem sao” – ông Trọng nói.

Một công an viên xã đưa chúng tôi xuống vị trí nguyên trước kia là khu nhà kho rộng 3.000m² chứa hơn 5.000 tấn CTNH. Giờ chỉ còn lại bãi đất trống đã được giao cho Xí nghiệp DV KCN Giang Điền (trực thuộc Sonadezi) quản lý. Một cán bộ của đơn vị này cho biết: “Trước kia nghe nói có hơn 5.000 tấn CTNH chứa tại đây. Còn sau này chuyển đi đâu và vào thời điểm nào chúng tôi không rõ”.

Gặp Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai Lê Viết Hưng thì được ông quả quyết: “5.316 tấn CTNH đó chuyển đi lâu rồi mà”. “Chuyển đi đâu, thưa ông?” – chúng tôi hỏi. “Nghe đâu đưa lên Quang Trung hết rồi” – ông Hưng trả lời. Thấy có vẻ chưa chắc chắn, ông Hưng gọi điện giới thiệu tôi sang gặp ông Trương Ngọc Quang, Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, vì “bên đó họ nắm rõ hơn”. Ông Quang cũng bất ngờ khi chúng tôi đặt vấn đề về vụ 5.316 tấn CTNH mà Sonadezi lưu giữ nhiều năm nay. “Tôi mới qua đây hơn 1 tháng nên không nắm rõ vụ này trước đây thế nào. Có nghe nói đã chuyển lên Quang Trung rồi” - ông Quang nói. Sau đó, ông Quang cử một chuyên viên dẫn chúng tôi lên Khu xử lý chất thải Quang Trung tại xã Quang Trung, huyện Thống Nhất (cách TP Biên Hòa hơn 60 km).

  • Thâm nhập hiện trường

Đến Khu xử lý chất thải Quang Trung (thuộc Công ty CP DV Sonadezi), mặc dù đã xuất trình giấy tờ đầy đủ, song tôi và chuyên viên của Chi Cục Bảo vệ môi trường tỉnh Đồng Nai không được bảo vệ cho vào. Khi chúng tôi đề nghị giải thích về việc này thì một cán bộ tại đây nói: “Chúng tôi được lệnh tuyệt đối không cho bất cứ ai vào khu vực này”.

Ngày hôm sau, trở lại Khu xử lý chất thải Quang Trung, bằng nhiều cách khác nhau – khi vào vai phụ xế xe máy cày vận chuyển rác thải sinh hoạt của xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất), khi thì nhờ các công nhân cao su làm việc gần khu vực chỉ đường, chúng tôi đã thâm nhập được vào hiện trường. Cả Khu xử lý chất thải Quang Trung là một công trường ngổn ngang, các thiết bị thi công, xe chở đất đá, vật liệu xây dựng làm việc suốt ngày đêm. Chỉ có hố chôn chất thải sinh hoạt đã chính thức tiếp nhận rác của 5 xã trong huyện Thống Nhất bắt đầu từ tháng 8. Còn hố chôn CTNH vẫn đang thi công phần móng và trải vải cách ly. Lò đốt CTNH có công suất rất nhỏ đã hoàn thành, nhưng hoạt động cầm chừng vì chưa có hệ thống điện lưới (đang chạy máy nổ). Một nhà kho khá rộng, ước khoảng hơn 2.000m² được cho là nơi chứa CTNH vận chuyển từ các nơi về đây.

Đi quanh 5 cửa kho nằm ở phía sau và hai bên hông, chúng tôi quan sát được 2 ô lớn chứa những bao tải trắng cao ngất. Rất có thể đây là một phần trong số CTNH thuộc loại hóa rắn chuyển từ xã Giang Điền và KCN Biên Hòa 2 về. Còn phần lớn ắc quy thải, bã lưu huỳnh, đèn huỳnh quang… được đóng vào các thùng phuy sắt và hàn kín (theo mô tả trong một báo cáo của cơ quan chức năng) thì không hề có. Toàn bộ 2 ô chứa các bao tải màu trắng trong kho ước khoảng hơn 1.000 tấn. Như vậy, theo nhận định của chúng tôi, chỉ một số lượng rất nhỏ trong 5.316 tấn CTNH được đem về đây để tiêu hủy theo cam kết của Sonadezi. Vậy hàng ngàn tấn CTNH còn lại đang ở đâu? Câu hỏi này cần được các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, làm rõ.

Từ kết quả điều tra thực tế trên đặt ra cho chúng tôi một loạt vấn đề có liên quan trách nhiệm đến nhiều cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai. Theo Thông tư 12/2011/TT-BTNMT ngày 14-4-2011 quy định về quản lý CTNH, mọi CTNH phải được các cơ quan có thẩm quyền giám sát, quản lý chặt chẽ từ khâu lập hồ sơ chứng từ khi tiến hành thu gom tại các DN, KCN có nguồn thải CTNH, đến vận chuyển, lưu giữ và xử lý.

Thế nhưng, không hiểu sao 5.316 tấn CTNH và hàng ngàn tấn CTNH khác chưa qua xử lý mà chúng tôi phát hiện được tại một khu chứa trong KCN Biên Hòa 2 (bài 1 đã nêu), nhưng không có cơ quan chức năng nào của tỉnh Đồng Nai biết. Hay giấy phép hành nghề xử lý, tiêu hủy CTNH mà UBND tỉnh Đồng Nai cấp cho Công ty CP DV Sonadezi ngày 15-10-2010, theo quy định phải đủ điều kiện – có nghĩa Khu xử lý chất thải Quang Trung phải hoàn thành và đi vào hoạt động.

Trên thực tế, tới thời điểm hiện nay, như chúng tôi đề cập ở phần trên, Khu xử lý chất thải Quang Trung vẫn còn ngổn ngang, hố chôn CTNH – hạng mục quan trọng nhất cũng phải vài tháng nữa mới xong. Trong khi đó, giấy phép hành nghề xử lý, tiêu hủy CTNH đến ngày 15-10-2011 sẽ hết hạn. Một vấn đề khác, giấy phép hành nghề vận chuyển CTNH do UBND tỉnh Đồng Nai cấp cho Công ty CP DV Sonadezi ngày 5-4-2010 quy định phải do chính chủ phương tiện, và phương tiện phải đúng quy chuẩn kỹ thuật vận chuyển CTNH.

Để vận chuyển hết 5.316 tấn CTNH từ Giang Điền và KCN Biên Hòa 2 về Khu xử lý chất thải Quang Trung (gần 60km), sẽ phải cần đến hàng chục xe vận tải chuyên dùng vận chuyển ít nhất trong 1 tháng. Thực tế, năng lực vận chuyển CTNH của Công ty CP DV Sonadezi theo giấy phép được cấp là rất thấp. Việc vận chuyển lượng CTNH quá lớn trên chắc chắn Công ty CP DV Sonadezi sẽ phải đi thuê phương tiện bên ngoài. Những phương tiện này có được cấp phép vận chuyển không, việc vận chuyển được thực hiện ở thời điểm nào?... Những câu hỏi trên cần được các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai làm rõ.

Hoài Nam


Bài 3: Ai cũng... không biết!

Sau nhiều lần liên lạc với lãnh đạo Công ty CP DV Sonadezi để tìm hiểu thông tin về số chất thải nguy hại bất thành, cuối cùng chúng tôi cũng gặp được nữ thư ký tên Vân của Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Lương Minh Hiền - qua điện thoại. “Tổng Giám đốc đi họp suốt nên không bố trí thời gian tiếp anh được. Còn số liệu về 5.316 tấn chất thải nguy hại, công ty đã báo cáo cho Sở TN-MT và các cơ quan chức năng của tỉnh hôm 19-8 rồi” - nữ thư ký Vân cho biết.

  • Không ai biết

Trao đổi với Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai Lê Viết Hưng nội dung cuộc nói chuyện qua điện thoại với thư ký của Tổng Giám đốc Công ty CP DV Sonadezi, ông Hưng khẳng định: “Tôi không nhận được báo cáo vụ việc này từ nhiều năm nay. Việc này được xử lý tới đâu tôi cũng không biết. Sonadezi phải cung cấp thông tin cho báo chí và các cơ quan chức năng biết chứ…”.

Một số sai phạm chưa được làm rõ

- Sonadezi đã đổ bùn thải chưa qua xử lý từ Nhà máy xử lý nước thải Khu công nghiệp Biên Hòa 2 ra môi trường trong nhiều năm liền với số lượng rất lớn.

- Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường của Sonadezi (đã chỉnh sửa, bổ sung và được phê duyệt), tại Nhà máy xử lý nước thải Khu công nghiệp Biên Hòa 2 không có hạng mục trạm xử lý hóa - lý công suất 60m³/ngày đêm cho bùn thải. Thế nhưng, Sonadezi vẫn được UBND tỉnh Đồng Nai cấp phép xử lý (cấp phép cho đơn vị không đủ điều kiện và không có báo cáo đánh giá tác động môi trường).

(Nguồn: C49B Bộ Công an)

Chúng tôi tìm gặp ông Hoàng Văn Thống, Chánh Thanh tra TN-MT tỉnh, người từ tháng 7-2011 trở về trước giữ chức vụ Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường.

Gặp chúng tôi, ông Thống nói liền: “Tôi có được mời dự họp về vụ này, nhưng không được thông báo cụ thể bằng văn bản để biết và theo dõi. Họ (Sonadezi - NV) chỉ cho tôi dự họp chứ không cho tôi biết. Tôi có nghe nói 5.316 tấn chất thải nguy hại này đã được chuyển đi. Tôi cũng đã đến khu chứa tại xã Giang Điền và thấy chỉ còn bãi đất trống. Còn việc họ chuyển về Khu xử lý chất thải Quang Trung có đủ số lượng hay không, hoặc chuyển về đâu tôi cũng không rõ, vì không thể cân được từng xe và cũng không thể đi theo từng xe giám sát xem họ chở đi đâu…”.

Về phía chính quyền địa phương, nơi có Khu xử lý chất thải Quang Trung đóng trên địa bàn, ông Bùi Văn Thiện, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Trung cũng bất ngờ khi biết thông tin về hàng ngàn tấn chất thải nguy hại đã được chuyển đến địa bàn mình quản lý.

Ông Thiện quả quyết với chúng tôi: “Khu xử lý chất thải Quang Trung mới hoạt động từ đầu tháng 8 đến nay và cũng chỉ tiếp nhận xử lý rác thải sinh hoạt của người dân 5 xã khu vực Kiệm - Tân (Gia Kiệm, Gia Tân 1, 2, 3 và Quang Trung). Công trình đã hoàn thành đâu mà tiếp nhận xử lý, tiêu hủy chất thải nguy hại”.

Ông Thiện cũng cho biết, theo quy định của Thông tư 12/2011/TT-BTNMT ngày 14-4-2011 về quản lý chất thải nguy hại, Khu xử lý chất thải Quang Trung phải gửi giấy phép hành nghề xử lý, tiêu hủy chất thải nguy hại cho UBND huyện Thống Nhất và UBND xã Quang Trung để giám sát và theo dõi việc vận chuyển, lưu giữ, xử lý, tiêu hủy chất thải nguy hại. Tuy nhiên, từ ngày triển khai xây dựng công trình đến nay chủ đầu tư chưa xuất trình giấy phép cho chính quyền địa phương biết.

Một bãi đất trống trong Khu xử lý chất thải Quang Trung nghi đã chôn chất thải nguy hại rồi lấp đất lên.

Một bãi đất trống trong Khu xử lý chất thải Quang Trung nghi đã chôn chất thải nguy hại rồi lấp đất lên.

  • Những vấn đề đặt ra

Như phản ánh của chúng tôi qua tài liệu ở các bài viết này, có thể nhận định vụ 5.316 tấn chất thải nguy hại “có vấn đề”. Điều này trái ngược hoàn toàn với định hướng phát triển mà Sonadezi công bố trước xã hội: “Trở thành nhà kinh doanh dịch vụ môi trường có uy tín cao…”.

Từ vụ 5.316 tấn chất thải nguy hại bị phát hiện năm 2008, sau đó lại có nhiều nghi vấn trong quá trình lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải; đặc biệt là vụ xả thải ra môi trường bị phát hiện đêm 3-8 tại Khu công nghiệp Long Thành và mới đây, hàng ngàn tấn có khả năng là chất thải nguy hại chôn lấp trái phép tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2 mà chúng tôi nêu ra trong loạt bài điều tra này, cho thấy tính chất vụ việc đã ở mức nghiêm trọng. Sonadezi đã vì lợi nhuận của doanh nghiệp và cả vì lợi ích của một số cá nhân để làm sai, bất chấp pháp luật và công luận xã hội.

Điều đặt ra ở đây là, những sai phạm có tính hệ thống và diễn ra trong thời gian dài, nhưng không có cơ quan chức năng nào của tỉnh Đồng Nai vào cuộc, xử lý một cách kiên quyết. Cả hệ thống chính quyền từ xã đến huyện, tỉnh, rồi các cơ quan quản lý Nhà nước theo thẩm quyền được giao đã làm gì để quản lý, giám sát và ngăn chặn những việc làm sai trái của Sonadezi, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường trong nhiều năm qua?

Những cá nhân và tổ chức nào phải chịu trách nhiệm, và bài học nào cần rút ra từ những vụ việc của Sonadezi?... Những câu hỏi trên cần được làm rõ và có các biện pháp ngăn chặn kịp thời, để không để xảy ra những “Sonadezi” thêm một lần nữa. 

Hoài Nam

Kiểm tra các khu chứa chất thải nguy hại

Ngày 6-9, Tổ công tác của Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C49B) Bộ Công an tiến hành kiểm tra việc lưu giữ, xử lý chất thải nguy hại tại Khu xử lý chất thải Quang Trung, xã Quang Trung, huyện Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai) và khu đất trống nằm trên đường 19A Khu công nghiệp Biên Hòa 2 mà phóng viên Báo SGGP phát hiện Công ty CP DV Sonadezi đã chôn lấp hàng ngàn tấn nghi chất thải nguy hại chưa xử lý.

Tổ công tác sẽ đối chiếu làm rõ số lượng hơn 7.000 tấn chất thải nguy hại mà Công ty CP DV Sonadezi ký hợp đồng thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý cho các doanh nghiệp và Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai những năm qua. Đồng thời, tổ công tác cũng xác minh, đối chiếu chứng từ về 5.316 tấn chất thải nguy hại mà Báo SGGP nêu trong loạt bài điều tra này hiện lưu giữ tại đâu, nhằm làm rõ trách nhiệm của các cá nhân và tổ chức liên quan.

M.ĐỨC

Tin cùng chuyên mục