“Chuyện tình mùa thu”

Sống chân thành sẽ vươn tới tình yêu

Sân khấu Phú Nhuận vừa cho ra mắt vở kịch Chuyện tình mùa thu được chỉnh sửa và dàn dựng lại dựa trên nguyên tác kịch bản Sân khấu cuộc đời của Sĩ Hanh.
Sống chân thành sẽ vươn tới tình yêu

Sân khấu Phú Nhuận vừa cho ra mắt vở kịch Chuyện tình mùa thu được chỉnh sửa và dàn dựng lại dựa trên nguyên tác kịch bản Sân khấu cuộc đời của Sĩ Hanh.

Vở kịch Chuyện tình mùa thu, Sân khấu cuộc đời của Sĩ Hanh, được viết và dàn dựng vào đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, như một bức tranh thu nhỏ mà ở đó ta bắt gặp nhiều cách sống đáng phê phán: một cô gái lỡ có bầu với người yêu và bị nhiều người xúi giục phá thai; một nhà giáo thà mất đứa con yêu chứ không chịu mang tiếng xấu; một lão chồng già bần tiện luôn chì chiết vợ; một cô vợ ăn không ngồi rồi chỉ biết sống dựa dẫm chồng…

Sống chân thành sẽ vươn tới tình yêu ảnh 1

Thanh Vân (trái) vai Thu Hương và Vân Anh  vai bác sĩ Mai.

Và đáng chú ý nhất là một bác sĩ trẻ tài hoa và đẹp trai, vì muốn nhận suất học bổng tu nghiệp nước ngoài để củng cố địa vị mà bỏ rơi người yêu để cưới con gái của viện trưởng. Nhưng may thay, vẫn còn có những con người trung thực, không dung chứa sự dối trá nên anh ta phải lãnh hậu quả.

Trên cơ sở một vở kịch mang tính phê phán mạnh mẽ đạo diễn Đỗ Đức Thịnh đã chỉnh sửa lại để có một vở Chuyện tình mùa thu mang đậm chất trữ tình. Trọng tâm vở kịch được đặt vào mối quan hệ tay ba giữa bác sĩ Khương Hải, bác sĩ Mai - vợ Hải và cô người yêu Thu Hương - sinh viên trường múa.

Tình huống đắt nhất ở đây là khi Mai phát hiện chồng mình là tác giả cái thai trong bụng cô gái trẻ. Nỗi đau lên đến đỉnh điểm khi Mai hiểu ra rằng đứa con đó là đứa con của tình yêu, còn đứa con mình đang mang trong bụng là đứa con của sự toan tính. Trong cô xảy ra sự đấu tranh nội tâm mãnh liệt giữa sự ích kỷ tầm thường của một người đàn bà trước tình địch và sự công bằng, lòng bao dung nhân ái của một người biết suy nghĩ. Với Mai, diễn viên Vân Anh đã có một vai diễn khá hay. Cảnh thả chiếc lá trong cuộc hò hẹn trên chiếc cầu cụt, cảnh hàng triệu cánh hồng rải xuống để tỏ tình trong căn phòng riêng của Hải,… cùng với gam màu vàng trên những chiếc lá bàng rơi trong trang trí sân khấu đã làm vở mang đậm chất trữ tình, đâu đây như toát ra không khí lãng đãng của mùa thu Hà Nội. T

rong khung cảnh đó, Thanh Vân trong vai Thu Hương và Hòa Hiệp trong vai Khương Hải, với trang phục “à la mode” Hàn Quốc đang thịnh hành qua phim ảnh, thật trẻ trung, thu hút. Nghệ sĩ Nhân dân Diệp Lang rất hóm hỉnh, duyên dáng trong vai giáo sư Hoàng, còn Tú Trinh vào vai bà giáo một cách điêu luyện với lối diễn sắc sảo pha chút cay nghiệt quen thuộc.

Nhưng gây ấn tượng nhất là cặp nhân vật Lan Anh và Tuấn “lì”. Họ vốn là cựu học sinh trường múa, lớp đàn anh, đàn chị của Thu Hương, bị đuổi học vì quan niệm quá khắt khe của nhà trường. Họ là chỗ dựa của Thu Hương trong lúc cùng đường và cũng là đôi tình nhân kỳ lạ, người này theo đuổi người kia nhưng người kia mải chạy theo kẻ khác, đến khi hiểu được tình yêu của nhau thì quá muộn màng. Thanh Thúy (Lan Anh) và Đỗ Đức Thịnh (Tuấn lì) đã làm cho không khí của vở luôn sinh động bởi nhiều tình huống bất ngờ và dí dỏm.

Được hỗ trợ bởi một dàn bao vững vàng, các diễn viên trẻ đã thể hiện nhân vật của mình hết sức tự tin. Nếu như Hòa Hiệp thể hiện nhân vật Khương Hải chững chạc hơn chút nữa, có vẻ bề ngoài lịch duyệt hơn chút nữa thì vai diễn sẽ hấp dẫn hơn. Do bị khống chế bởi thời lượng, cảnh đầu và cảnh kết bị đẩy hơi vội vàng khiến diễn viên và cả khán giả chưa chuẩn bị kịp tâm lý, vở diễn vì thế chưa thật sự “thấm” khi màn nhung khép lại.

Sống chân thành thường bị thiệt thòi nhưng ta hãy cứ chân thành để cuộc đời này đẹp hơn và bởi chỉ có lòng chân thành mới vươn tới cái đẹp và nuôi dưỡng được tình yêu.

Nhật Lam

Tin cùng chuyên mục