Ô nhiễm môi trường đang ngày càng trầm trọng, đặc biệt là các thành phố lớn với nhiều khu công nghiệp và rất nhiều cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ngay khu dân cư. Tình trạng này làm ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe cộng đồng và sự phát triển bền vững của đất nước. Đó là những nhận định của nhiều chuyên gia tại buổi tọa đàm “Ô nhiễm do sản xuất trong khu dân cư ở TPHCM”.
Bức xúc ngày càng gia tăng
Tại buổi tọa đàm, bà Trần Anh (địa chỉ 28 Phong Phú, phường 12, quận 8) bức xúc cho biết, 3 năm nay gia đình bà phải chịu cảnh sống chung với ô nhiễm từ cơ sở sản xuất bánh mì Tiến Phát. Không khí trong nhà lúc nào cũng ngột ngạt, nồng nặc mùi bánh mì, dầu mỡ. Sức khỏe của thành viên trong gia đình đều bị giảm sút nghiêm trọng bởi thường xuyên mắc các chứng bệnh về đường hô hấp, viêm họng và ho kéo dài.
Để giảm mùi hôi từ lò bánh mì này, gia đình bà phải đóng cửa và đặt một chiếc quạt công nghiệp công suất lớn ngay trước cửa để thổi khí nóng từ lò bánh mì nhưng giải pháp trên chỉ là đối phó. Gia đình nhiều lần tìm đến luật sư và cơ quan chức năng để nhờ can thiệp và được biết, quy định trong luật là lò bánh mì phải cách khu dân cư 100m. Những tưởng kiến nghị này sẽ được cơ quan chức năng sớm giải quyết nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn tồn tại.
Cùng cảnh ngộ này, anh Huỳnh Kim Long ở khu phố 4 phường Đông Hưng Thuận, quận 12 cũng bức xúc: “Ô nhiễm đã trở thành “đặc sản” ở khu phố chúng tôi. Mỗi ngày phải quét nhà hàng chục lần, cứ sau 1 - 2 tiếng là bụi than đen ngòm đã phủ đầy nền nhà, bàn ghế… Nhiều người đã rao bán nhà vì không thể chịu nổi cảnh sống ở đây, nhưng rất nhiều người đến xem nhà đều không trở lại lần thứ hai. Nhiều gia đình phải căng bạt trước nhà để ngăn bụi. Quần áo giặt phải phơi trong nhà, nước sinh hoạt phải luôn đậy kỹ, bởi chỉ cần để bên ngoài một buổi thì sẽ biến thành nước đen. Cơm dọn ra mà không ăn cũng bị rắc một lớp bụi đen. Tình trạng này đã kéo dài 10 năm nay. Trong các cuộc họp khu phố, chủ đề quan trọng nhất vẫn là vấn đề ô nhiễm. Chính quyền hứa sắp tới sẽ di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm nhưng lời hứa gió bay”.
Bệnh tật bủa vây
Theo bác sĩ Phan Xuân Trung, Trung tâm y khoa Medic TPHCM, những nhà máy, những chuồng trại đan xen khu dân cư đã thải ra môi trường xung quanh nhiều chất độc hại. Các lò than bùn sản sinh ra hơi độc là các hợp chất sulfate, phosphore, carbonic hay bụi bặm từ các xưởng dệt, hóa chất tẩy nhuộm hương nhan, khí ethylene từ các bình khí đá… thường gây bệnh hen suyễn, suy hô hấp. Tiếng ồn từ máy dệt inh ỏi làm giảm thính lực, gây bệnh điếc. Khói xăng dầu gây kích ứng niêm mạc mắt, ngứa da, chàm. Các chất thải đặc sệt từ các lò đường, lò nhuộm vải đổ thẳng vào cống, ra kênh rạch sẽ tiêu diệt hoàn toàn mầm sống thủy sinh.
Trong môi trường sống ô nhiễm như hiện nay, con người bị giảm sút cả sức khỏe thể chất lẫn sức khỏe tinh thần. Người mắc bệnh cấp tính và mãn tính ngày một nhiều hơn. Năng suất lao động của con người bị giảm sút, tinh thần cũng bị ảnh hưởng, dẫn đến nảy sinh nhiều vấn đề xã hội cần giải quyết. Do đó, vấn đề lúc này là cần sớm di dời những cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư, có như vậy môi trường sống mới được trong sạch.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM cũng cho biết thêm, các cơ sở sản xuất có chất dễ cháy, dễ gây nổ, phát tán mùi ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người, gây ô nhiễm nghiêm trọng các nguồn nước, gây tiếng ồn, phát tán bụi, khí thải quá tiêu chuẩn cho phép… thì không được đặt trong khu dân cư, hoặc phải có khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư. Đơn cử, đối với cơ sở sản xuất bánh mì, nhà máy cưa, gỗ dán và đồ gỗ, nhà máy xay, nhà máy ướp lạnh thịt… thì phải cách xa khu dân cư 100m tính mốc từ nguồn phát thải trong nhà, xưởng sản xuất. Mặt khác, các cơ sở sản xuất vi phạm còn có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề cho đến khi thực hiện xong các biện pháp giảm thiểu độ rung đạt chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
Do vậy, để sớm giải quyết tình trạng này, theo PGS-TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Ban chấp hành Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật TPHCM, cần phải đưa ra những kiến thức về an toàn lao động và bảo vệ môi trường đến từng cơ sở sản xuất, từ chủ cơ sở đến người làm, kể cả những người có trách nhiệm quản lý liên quan. Đồng thời biện pháp cứng rắn nhất là phải di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư, nhưng di dời như thế nào thì chúng ta phải có lộ trình cụ thể, khoa học. Nếu di dời ra ngoại thành mà các cơ sở không khắc phục thì lại ảnh hưởng nhiều đến các thành phần tự nhiên như đồng cỏ, nguồn nước, không khí… của khu vực ngoại thành.
|
MINH XUÂN - MINH HẢI