Tất cả chất thải từ hoạt động sản xuất, sinh hoạt của 12 tỉnh thành khu vực phía Nam đều dẫn ra sông Đồng Nai. Điều đáng nói, chất thải phát sinh không được các tỉnh thành quan tâm, xử lý triệt để đã và đang khiến chất lượng nguồn nước sông Đồng Nai bị ô nhiễm nghiêm trọng, có nguy cơ không sử dụng là nước cấp sinh hoạt được. Tình trạng này đã được lên tiếng từ nhiều năm nay. Đáng tiếc là cho đến nay, giữa các tỉnh thành vẫn chưa tìm ra được biện pháp hiệu quả nào nhằm ngăn chặn tình trạng ô nhiễm cho con sông này.
Chất thải gây ô nhiễm nặng
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và môi trường, tính đến hết năm 2009, 11 tỉnh thuộc lưu vực sông có đến 103 khu công nghiệp (KCN) (KCN do Chính phủ ra quyết định thành lập, chưa kể các KCN/Cụm công nghiệp (CCN) do địa phương thành lập) với diện tích quy hoạch trên 33.600 ha, diện tích sử dụng là 18.200 ha. Trong số này chỉ có khoảng 1/3 các KCN/KCX là có nhà máy xử lý nước thải. Tuy nhiên, việc xử lý nước thải ở các KCN lại chưa được coi trọng, vận hành chưa tốt, tỷ lệ đấu nối nước thải vào hệ thống xử lý nước thải tập trung còn thấp. Chính vì thế nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ở các KCN là rất lớn.
Điều tra của Trung tâm công nghệ môi trường (ENTEC) tại 350 cơ sở xả thải trực tiếp ra sông Đồng Nai vào tháng 12-2009 cho thấy: Trong 34 doanh nghiệp (DN) quy mô vừa và lớn nằm ngoài các KCN/CCN có 9 DN chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải chiếm 12% dẫn đến lưu lượng nước thải ra môi trường là rất lớn. Trong 11 DN quy mô nhỏ, cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp chỉ có 4 cơ sở có trang bị hệ thống xử lý nước thải; nồng độ chất ô nhiễm trong nước thải cao… và đây cũng chính là nguyên nhân gây nên sự ô nhiễm nguồn nước cho khu vực xung quanh.
Ông Hoàng Dương Tùng, Trung tâm Quan trắc môi trường, Tổng cục môi trường cho biết, hệ thống sông Đồng Nai đang từng ngày tiếp nhận rất nhiều nguồn nước thải từ các tỉnh thành xung quanh khu vực. Lưu lượng nước thải công nghiệp thải vào sông Đồng Nai vào khoảng 1,9 triệu m3/ngày đêm; nước thải sinh hoạt vào khoảng 2,8 triệu m3/ngày đêm…
Nồng độ các chất ô nhiễm trên sông Đồng Nai trong 5 năm qua liên tục bị phát hiện vượt tiêu chuẩn cho phép A và xấp xỉ ngưỡng loại B. Còn trên sông Sài Gòn mức độ ô nhiễm còn nặng hơn khi chất lượng nguồn nước vượt tiêu chuẩn loại B. Ngày 2-11-2010 Trung tâm Quan trắc môi trường đã tiến hành đo nhanh lượng nước sông Đồng Nai và Sài Gòn. Kết quả cho thấy nồng độ chất DO tại 40 km đầu có xu hướng giảm nhưng lại tăng nhanh tại 10km cuối do có sự hòa trộn với nước sông Đồng Nai. Nguyên nhân chủ yếu là do quá trình đô thị hóa ở của Bình Dương, nước thải của TPHCM đã ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng nước của sông Sài Gòn.
Kiểm soát nguồn thải: mỗi tỉnh một kiểu
Là nguồn cung cấp nước sinh hoạt chính cho gần 17 triệu dân, đồng thời lại là nơi tiếp nhận hầu hết các nguồn thải từ các đô thị và KCN trong vùng, lưu vực sông Đồng Nai đang đứng trước những thách thức lớn trong duy trì và cải thiện chất lượng nước. Vì vậy, việc đưa ra các giải pháp thích hợp, đồng bộ để khắc phục tình tình trạng này là điều hết sức cần thiết. Thế nhưng việc khắc phục tình trạng này vẫn đang triển khai rất chậm tại nhiều tỉnh thành.
Đơn cử tại tỉnh Đồng Nai và Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu vẫn còn nhiều KCX, KCN chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải. PGS Nguyễn Đình Tuấn, Hiệu trưởng Trường Cao Đẳng Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh thêm, trong số gần 300 DN được khảo sát tại tỉnh Bình Dương, chỉ có 14% DN thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Hoài Đức, Cục quản lý chất thải và cải thiện môi trường, Tổng cục môi trường, một trong những yêu cầu quan trọng mà đề án bảo vệ sông Đồng Nai đặt ra là các cơ sở sản xuất trên lưu vực buộc phải áp dụng công nghệ sạch, ít gây ô nhiễm và thân thiện với môi trường.
Lý giải thực tế trên, ông Bùi Văn Danh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, cho biết cơ chế đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng của tỉnh còn hạn chế. Ngoài ra, nguồn nhân lực có chuyên môn về môi trường cũng là một bài toán khó khăn đối với tỉnh Bình Phước. Hiện tỉnh đang đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải cho các công ty chế biến cao su, nhưng vấn đề mùi hôi thì chưa xử lý được. Do đó, cần có sự hỗ trợ về kinh phí và nguồn nhân lực thì mới có khả năng đáp ứng được những nhu cầu hiện nay. Còn ông Trần Văn Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết thêm, cho đến nay Bình Dương vẫn chưa có đề án về việc bảo vệ thống sông Đồng Nai. Nguyên nhân là do tỉnh Bình Dương nằm lọt vào giữa các tỉnh lân cận, những đề án mà tỉnh đang nghiên cứu lại trùng với đề án của các tỉnh khác nên…
Cứu sông Đồng Nai, phải hy sinh một phần kinh tế!
Ông Phan Hữu Vinh, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường, Bộ Công an nhấn mạnh, DN ngày nay dùng rất nhiều mánh khóe, thủ đoạn để thoát được sự kiểm tra của thanh tra. Việc kiểm tra xử phạt do vậy mà còn gặp nhiều hạn chế dẫn đến nhiều DN vẫn cố tình vi phạm Luật Bảo vệ môi trường. Tôi nghĩ chúng ta cần có chế tài thật mạnh để buộc các DN chấp hành nghiêm chỉnh Luật Bảo vệ môi trường. Muốn làm vậy, các tỉnh thành phải chịu hy sinh một phần lợi ích kinh tế. Trường hợp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là một ví dụ. Để giải quyết triệt để xây dựng được 50% nhà máy xử lý nước thải tỉnh phải bỏ ra kinh phí là 25 tỷ đồng. Không dừng lại đó, áp dụng những biện pháp mạnh như cắt nước, cúp điện… đối với những DN không chấp hành Luật Bảo vệ môi trường.
Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên nhấn mạnh, trong thời gian tới, các địa phương cần kiểm tra các nguồn thải và lên danh sách các KCN, cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nếu phát hiện cơ sở nào gây ô nhiễm thì tùy theo mức độ mà xử phạt, có thể xử phạt hành chính, buộc di dời khỏi lưu vực sông tạm đình chỉ sản xuất hoặc đóng cửa hoàn toàn. Đặc biệt, các DN trong KCX, KCN phải kết nối hoàn chỉnh hạ tầng. Với chất thải rắn, chất thải nguy hại cũng phải chấm dứt tình trạng đổ bỏ không đúng nơi quy định.
Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp phải kiểm soát chặt chẽ tình trạng sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy định, nhất là tập trung khuyến khích phát triển các mô hình nông nghiệp sinh thái và nông nghiệp công nghệ cao… Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân yêu cầu các cơ quan chức năng phải phối hợp chặt chẽ với các tỉnh thành trong lưu vực để kiểm tra giám sát nguồn thải vào sông, ngăn chặn kịp thời sự lan truyền ô nhiễm xuyên địa bàn… Điều này cũng xuất phát từ yêu cầu thực tế, nếu phía hạ nguồn có bỏ tiền tỷ để bảo vệ chất lượng nguồn nước sông mà thượng nguồn vẫn thải thì hiệu quả của việc đầu tư cũng trôi theo sông.
ÁI VÂN – HẢI THANH