Sông Đồng Nai oằn mình vì... một cổ hai tròng

Sông Đồng Nai oằn mình vì... một cổ hai tròng

Trong khi sông Đồng Nai đang hấp hối do phải hứng chịu nước thải chưa qua xử lý từ các khu công nghiệp xả ra chưa có biện pháp khắc phục, thì nay lại phải đối mặt thêm nguy cơ xâm nhập mặn nghiêm trọng. Nhiều nhà máy cung cấp nước sinh hoạt lo ngại trữ lượng nước sạch không đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của người dân.

Nước thượng nguồn ô nhiễm chất thải

Theo Tổng cục Bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện dọc sông Đồng Nai có khoảng 70 khu chế xuất, khu công nghiệp chưa đầu tư hoặc đã đầu tư nhưng vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung không đạt yêu cầu. Nhiều nhất là tại tỉnh Bình Dương, kế đến là Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu. Đó là chưa kể còn hàng trăm doanh nghiệp độc lập đang hoạt động dọc sông mà chất lượng nước thải thì rất khó kiểm soát. Ông Trần Văn Sữa, Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Thống Nhất, cho biết, chỉ tính từ năm 2010 đến nay đã có hơn 10 lần các bè cá nuôi trên sông bị chết. Nguyên nhân cũng được người dân xác định là do nước thải bẩn của nhiều nhà máy nằm dọc sông Đồng Nai.

Nguồn nước sông Đồng Nai cần được bảo vệ nhằm chống ô nhiễm và xâm nhập mặn. Ảnh: KIM NGÂN

Nguồn nước sông Đồng Nai cần được bảo vệ nhằm chống ô nhiễm và xâm nhập mặn. Ảnh: KIM NGÂN

Kết quả khảo sát của Viện Môi trường và Phát triển bền vững cho thấy, đoạn sông từ bến Đình - xã Nhị Bình - cầu Bình Phước, cầu Sài Gòn - cảng Tân Thuận - ngã ba hợp lưu sông Đồng Nai, Sài Gòn (thuộc sông Sài Gòn); toàn bộ các sông, rạch Cần Giuộc và Nam Bình Chánh, Nhà Bè; toàn tuyến Lòng Tàu - Gò Da, sông Thị Vải đã bị ô nhiễm nặng hữu cơ, dầu mỡ, vi sinh không thể sử dụng nước vào mục đích sinh hoạt. Riêng đoạn hợp lưu sông Đồng Nai – Sài Gòn đến thượng nguồn hồ Dầu Tiếng (sông Đồng Nai) nguồn nước cũng đã bị ô nhiễm nhưng còn ở mức độ nhẹ. Theo Trung tâm Quan trắc môi trường, Tổng cục Môi trường, nồng độ các chất ô nhiễm trên sông Đồng Nai trong 5 năm qua liên tục bị phát hiện vượt tiêu chuẩn cho phép loại A và xấp xỉ ngưỡng loại B.

Nước hạ nguồn ô nhiễm nước mặn

Ông Nguyễn Minh Giám, Phó Giám đốc Đài khí tượng - thủy văn khu vực Nam bộ khẳng định, thượng nguồn bị ô nhiễm công nghiệp, còn hạ nguồn thì đang phải đối phó với nước mặn. Mức độ mặn đo được tại sông Sài Gòn, đoạn cầu Thủ Thiêm là 2,5‰. Còn tại cửa sông Nhà Bè - Đồng Nai độ mặn lên đến 12‰. Trong khi đó, chỉ với độ mặn 0,25‰ là không thể sử dụng nguồn nước phục vụ cấp nước sinh hoạt. Việc xâm nhập mặn sâu về phía thượng nguồn sông Đồng Nai một phần là do lượng nước đầu nguồn năm nay quá ít. Khi nước ngọt phía thượng nguồn thấp thì tạo điều kiện cho lượng nước mặn từ cửa biển xâm nhập sâu. Vậy tại sao nước sông Đồng Nai năm nay lại cạn bất thường và độ mặn lại cao hơn so với những năm trước. Phải chăng đó là chuyện của “ông trời”?

Quá nhiều nhà máy thủy điện

Ông Nguyễn Văn Lai, Giám đốc Sở Công thương TPHCM cho biết, ngoài việc khô hạn thì tình trạng suy giảm lượng nước đầu nguồn sông Đồng Nai là do có quá nhiều nhà máy thủy điện được xây dựng dọc sông này. Hiện chỉ trên nhánh sông chính Đồng Nai đã có đến 9 đập thủy điện đã, đang và sẽ hoạt động gồm: Đa Nhim, Đại Ninh, Đồng Nai (2, 3, 4, 5, 6, 6A) và thủy điện Đồng Nai. Trên sông Bé có 6 đập thủy điện gồm Đak Glun, Đak Glun 2, Thác Mơ, Thác Mơ mở rộng, Cần Đơn và Srok Phumieng. Tại nhánh sông La Ngà cũng có đến 5 thủy điện gồm Đại Nga, Hàm Thuận, Đa Mi, La Ngâu và Bảo Lộc. Trước đó, năm 2010, để bảo vệ nguồn nước sông Đồng Nai, TPHCM đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng về việc ngừng xây dựng 20 thủy điện dọc sông Đồng Nai.

Nguyên nhân cũng được nêu rõ, việc xây dựng đập ngăn thủy điện sẽ phá bỏ một khối lượng lớn diện tích rừng. Diện tích rừng tự nhiên bị giảm thì hệ quả tất yếu dẫn đến là lượng nước tích trữ vào mùa mưa giảm, kéo theo lượng nước ngầm bổ cập cho sông vào mùa khô giảm và cạn kiệt nguồn nước như hiện nay là chắc chắn. Trên thực tế từ năm 2009 đến nay, nước sông Đồng Nai đang bị suy giảm cả về số lượng lẫn chất lượng so với những năm trước. Thảm thực vật hai bên bờ sông Đồng Nai từ 4 tầng giờ chỉ còn 1 tầng. Thế nhưng, đáng tiếc là những kiến nghị trên vẫn chưa được các cơ quan có trách nhiệm quan tâm.

Từ đầu năm 2011, Nhà máy nước Tân Hiệp, Công ty CP Cấp nước BOO Thủ Đức đã có nhiều văn bản kiến nghị, cảnh báo về tình trạng nguồn nước cấp đang bị nhiễm mặn. Riêng Nhà máy nước Tân Hiệp đã phải cầu cứu đơn vị quản lý hồ Dầu Tiếng xả nước đẩy mặn mới đảm bảo lấy đủ lượng nước ngọt cung cấp phục vụ sinh hoạt cho người dân trên địa bàn thành phố, 300.000m³/ngày. Tuy nhiên, giải pháp này ngày càng trở nên khó khăn khi tình trạng khô hạn ngày càng tăng. Ông Nguyễn Minh Giám nhấn mạnh, hiện mùa khô mới chỉ bắt đầu nhưng mực nước tại các hồ thủy điện đang ở rất gần mực nước chết. Tại hồ thủy điện Thác Mơ, mực nước hơn 201m (mực nước chết 198m); hồ Trị An là gần 54m (mực nước chết 50m); hồ Dầu Tiếng gần 20m (mực nước chết 17m). Do vậy, với tình trạng khô hạn kéo dài cộng với yêu cầu đảm bảo sản lượng điện cung cấp thì rất khó để các hồ thủy điện tiếp tục xả nước đẩy mặn. Vậy, với việc oằn mình để gánh ô nhiễm mặn và nước thải công nghiệp như hiện nay, liệu sông Đồng Nai còn trụ được bao lâu?

ÁI VÂN

Tin cùng chuyên mục