
Thay vì hiền hòa, êm đềm như vốn có thì nước sông Lam hiện đang biến động mạnh về dòng chảy khi nguồn nước cạn kiệt, lúc lại dồn ứ lũ về. Nhiều xóm làng bên sông không chỉ bị sông “ăn” mất phần đất làm kế sinh nhai mà còn đe dọa tới cuộc sống hàng ngày.
Theo phản ánh của người dân, chúng tôi tìm về xóm 2 và xóm 5 (xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An). Đây là 2 xóm cận kề bên sông Lam. Tại xóm 5, men theo con đường nhỏ nằm phía sau Nhà máy đường Sông Lam không xa, chúng tôi đã giật mình vì hiện tượng sạt lở khủng khiếp ở khu vực này. Trên mặt đất xuất hiện nhiều vết nứt lớn, có vết nứt chạy dài gần 100m. Nhiều nơi hình thành những miệng hố có đường kính khoảng 20m, sâu đến 5m.
Khi chúng tôi có mặt, tàu hút cát trái phép vẫn thản nhiên hoạt động gần bờ sông. Một người dân ở xóm 2 (xã Đỉnh Sơn) cho biết: “Trước đây, khu vực này là nơi người dân trồng hoa màu, nhưng mấy năm nay nhiều tàu thuyền đến khai thác cát ven bờ, dẫn tới tình trạng sạt lở đất. Ban đầu chỉ những vết nứt nhỏ, sau thành những vết nứt lớn. Bình thường không ai dám ra khu vực này vì sợ rơi xuống hố. Khi mùa mưa bão đến, nước sông cuộn vào dữ dội, cuốn trôi cả hoa màu dân trồng phía trong. Chúng tôi đã phản ánh lên chính quyền địa phương, nhưng đến nay vẫn không thấy ai can thiệp”.

Hiện tượng sạt lở đất tại thôn Hồng Lam xã Xuân Giang (Nghi Xuân, Hà Tĩnh)
Thôn Hồng Lam xã Xuân Giang (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) nằm lọt thỏm trong lòng sông Lam. Người dân nơi đây chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng trọt và chăn nuôi ngoài bãi bồi. Nhưng thời gian gần đây, sông đang “liếm” vào phần đất sinh nhai của thôn. Gặp bác Đặng Thanh Quang đang chăn trâu ngoài bãi sông. Nghe hỏi về việc sông lấn làng, bác nói như mếu: “Nếu Nhà nước không có biện pháp sớm giúp dân thì không lâu nữa, cả làng cũng bị sông cuốn chứ đất canh tác, chăn thả trâu bò cũng không còn”.
Cách đây 15 năm, trước hiện tượng sông “ăn” đất, Hội Chữ thập đỏ đã trồng cây phi lao chắn sóng, chống xói lở. Thế nhưmg, những hàng phi lao 15 năm tuổi này cũng không còn tác dụng trước những luồng nước dữ. Hàng chục gốc cây đã đổ nhào theo đất và trôi theo sông. Theo bác Quang, chỉ 2 - 3 năm trở lại đây, sông đã “ăn” vào đất khoảng 30m với chiều dài trên 100m, cuốn theo nhiều cây phi lao to và đất sản xuất. Hiện tượng sông “ăn” sâu vào đất có nguyên nhân từ nạn khai thác cát trộm. Người dân thôn Hồng Lam đã nhiều lần tổ chức đẩy đuổi tàu hút cát, nhưng rồi đâu lại vào đó. Hiện tượng đất sạt lở đang là nỗi lo của người dân ven sông Lam.
DUY CƯỜNG