
Tục ngữ vỉa hè Hà Nội này thịnh hành nhất vào quãng những năm 70, 80 thế kỷ trước. Đời sống bao cấp đã gặp phải những khó khăn về lương thực đến mức tuyệt vọng. Lúc này bột mì viện trợ từ các nước xã hội chủ nghĩa cũng không còn nữa. Mậu dịch có gì bán nấy. Khi thì hạt bo bo. Lúc lại khoai tây bi. Cũng có hôm là dẻ khoai lang mới bắt đầu tim tím chỉ nhỉnh hơn ngón tay một chút. Ban đầu còn có sắn khô thái lát bán thay tiêu chuẩn gạo. Về sau là sắn tươi nguyên củ còn đỏ quạch màu đất đồi. Mua về lột vỏ ngâm nước cho hết độc. Luộc. Ghế độn vào nồi cơm. Nấu canh giả cá với thì là. Giã bột làm bánh. Chiếc bánh sắn nhân đậu xanh thịt mỡ bán ở hàng rào góc đường Lý Thường Kiệt - Thợ Nhuộm đã từng là đặc sản một thời.
Trẻ con háu ăn, rất nhiều đứa bị say sắn. Mặt mũi đỏ tưng bừng. Ngồi không vững. Nặng hơn rất khó thở. Phải đưa vào bệnh viện khẩn cấp. Nhưng không có đứa nào sợ. Vài đứa còn thích. Vì chỉ những lúc ấy mới được uống nước đường thỏa thuê. Người lớn say sắn khá là buồn cười. Ngứa ngáy khắp người. Lao đao như say rượu. Bụng đau rấm rứt. Bác sĩ thường bảo do ăn sắn vào lúc đói nên mới bị say như thế. Nhưng thời ấy dân Hà Nội nếu chưa đói không bao giờ động đến củ sắn. Cho nên vẫn phải ăn. Và vẫn say. Chỉ truyền khẩu cho nhau cách nhận biết củ sắn dễ gây say. Đó là những củ sắn bị “chạy máu”. Đại khái lột vỏ ra thấy trên thân củ có nhiều vết bầm như da thịt bị va đập tím đen thì đừng nên ăn.

Minh họa:K.T
Bộ đội đóng quân trên rừng núi phía Bắc những năm ấy cũng thiếu gạo như dân. Thực ra là thiếu tất cả các loại thực phẩm chứ không riêng gì gạo. Nhưng họ có lợi thế tự tăng gia trồng trọt được. Vài tháng cũng có một bữa thịt lợn tăng gia rôm rả. Lính tráng nghêu ngao câu thơ “Yêu nhất chị nuôi những ngày mổ lợn”. Ngày thường, các chị đã kém sắc lại khó đăm đăm khiến chú nào cũng ngại.
Bộ đội cấy lúa, trồng rau, đơn vị nào cũng có vài vạt sắn trên đồi. Củ thu hoạch nộp cho nhà bếp và giữ lại ăn bao nhiêu thì tùy. Ngày rỗi rãi bàn nhau làm món nộm lá sắn. Tìm hái lá sắn non vò cho ráo nhựa. Chần qua nước sôi vừa tái. Vừng lạc rang già giã nhỏ trộn vào với giấm ớt tỏi muối. Thế là có món nộm sắn đặc sản của lính. Rượu trắng dân nấu bằng rỉ đường, lính Hà Nội gọi là “rum” the the mùi mía uống với nộm lá sắn đưa cay. Những tháng năm gian khổ vèo trôi không nuối tiếc.
Thoắt cái bước sang thời kỳ đổi mới. Chỉ trong vòng chưa đến chục năm, Việt Nam đã có hàng triệu tấn gạo xuất khẩu. Bữa cơm độn sắn lùi mãi vào những vùng sâu vùng xa thỉnh thoảng mới bắt gặp. Ở những vùng ấy bây giờ những người làm từ thiện chỉ còn đặt ra yêu cầu “Cơm có thịt” mà thôi.
Thế nhưng, củ sắn lại được thâm canh trồng trên những vùng đất rộng lớn hơn trước nhiều. Sắn nhiều đến mức có thể dùng để chế ra xăng E5 (Ethanol 5%) dùng để chạy máy. Người miền Nam gọi sắn là củ mì. Chẳng liên quan gì đến cái bánh mì vẫn ăn hàng ngày. Sắn chế ra tinh bột chiết xuất để làm mì chính. Nhưng người miền Nam cũng không gọi là mì chính mà gọi là bột ngọt. Vẫn không có liên quan gì đến củ mì.
Nhiều năm trở lại đây củ sắn không còn trong mâm cơm người Hà Nội nữa. Nó lại trở về thành món quà vặt như ngày nào. Toòng teng trên đôi quang gánh dạo khắp các phố phường nội thành là hàng quà vặt bao gồm nhiều thứ củ luộc chín sẵn bán theo cân. Khoai lang, khoai nghệ, dong riềng, ngô bắp, sắn dây, củ từ, củ sắn, củ mỡ. Vẫn chiếc cân đĩa sắt quả gang ngày nào nhoay nhoáy gật gù. Lạ ở chỗ không còn mấy người trẻ tuổi Hà Nội có thể đọc được cân lạng trên cái cán cân khắc vạch ấy. Nhưng vẫn tin.
Thời khoai sắn đã xa và hình như vĩnh viễn chẳng bao giờ quay lại nữa. Các nhà ngôn ngữ học không cần phải quá lo xa về tình hình ngôn ngữ nước nhà thỉnh thoảng lại nảy nòi ra vài tục ngữ, ca dao méo mó vỉa hè kiểu như “Sống mà ăn sắn” nữa. Nó sẽ tự nhiên mất đi và đã mất rồi. Vẻ đẹp vĩnh hằng của tiếng Việt không có gì suy chuyển.
ĐỖ PHẤN