Dòng sông đục ngầu, nhưng phẳng lặng. Chiếc đò chòng chành với con nước. Tôi ngồi lắng nghe tiếng nước khua lách tách vào mạn đò, phía trước mênh mông đến vô tận. Thấp thoáng, xa gần, một vài con đò khác xuôi ngược trên sông. Trong đời tôi, đây là lần đầu tiên tôi đối diện với một dòng sông như thế này. Trời và nước một màu trong xanh, tĩnh lặng. Những dòng sông trước đây tôi đến, hoàn toàn khác. Sông Hương nhẹ nhàng uyển chuyển bên cầu Trường Tiền, dòng nước như e thẹn trước thiên nhiên trữ tình. Cái đẹp của dòng sông ấy như một người con gái đẹp được tạo hóa ưu ái. Chứ không như dòng sông nơi đây, tôi không thể tả. Sông Cửu Long sao mà dạt dào, kiêu hãnh và hùng tráng quá. Sông Cửu Long như chàng dũng sĩ oai hùng hiên ngang trước mọi sóng gió và bão táp. Tôi là dân Bắc kỳ chính hiệu. Quê tôi cũng có những dòng sông. Những dòng sông quê tôi cũng nhuốm màu phù sa, không e lệ dịu dàng, không ồn ào quyết liệt. Sông Hồng quê tôi cũng có lúc thủy triều dâng trào, giận dữ rồi hiền hòa như một người phụ nữ cam chịu vậy.
Bác lái đò đưa chúng tôi ngang qua cù lao Thới Sơn. Nơi đây, ghe đò ngược xuôi đông đúc. Chiếc đò đầy ắp trái cây phải vượt con sóng, chiếc xuồng đang thả lưới buông chày trôi lững lờ, chiếc ghe chở đầy cỏ thì quá bé bỏng với dòng sông. Tất cả hình ảnh này đã tạo cho dòng sông một dáng dấp riêng. Chính những hình ảnh ấy, nó như nét cọ chấm phá và tô vẽ đậm nét cho bức tranh. Một bức tranh mà dòng sông ấy thuộc về vùng châu thổ Tây Nam bộ.
Con đò vẫn chưa vượt khỏi vùng cù lao Thới Sơn. Ngồi dưới đò nhìn lên cù lao Thới Sơn, tôi lại phân vân. Trẻ em ven sông đông như vậy. Đời sống chúng chắc xa lạ với mọi thứ. Một năm chúng ra thị trấn, tiếp xúc với người thị trấn được mấy lần? Còn chuyện học hành, trường lớp ở đâu? Tôi thắc mắc:
- Trẻ con ở đây chắc là không được đến trường?
Lộc ngẩng mặt lên cù lao Thới Sơn, nhìn đám trẻ, anh buông lời giễu cợt:
- Không dám đâu! Những đứa trẻ ấy mai đây sẽ trở thành tiến sĩ hết đó. Những chiếc phi cơ cất cánh bay lên và hạ cánh xuống dòng sông này đang chờ thế hệ tụi nó chế tạo đó!
Tôi phủ nhận lời của anh:
- Làm gì có chuyện ấy phải không bác?
Bác lái đò trầm ngâm khá lâu, rồi buông giọng từ tốn và chậm rãi:
- Đến năm 1826, vùng đất đồng bằng sông Cửu Long này có vị tiến sĩ đầu tiên. Đó là cụ Phan Thanh Giản, ông này chính là người của đất Vĩnh Long. Còn thế hệ sau này như thế nào, bác không biết.
Tôi biết mình vô ý xúc phạm đến bác lái đò và Lộc. Thế nhưng chẳng sao, một người lái đò dạo trên sông chỉ để chuyện trò qua đường, ai lại trách mình. Mà nếu có trách, tôi cũng chẳng hề ái ngại. Vài tiếng đồng hồ nữa, tôi và ông có bao giờ gặp lại đâu. Những câu chuyện giữa người lái đò và khách sang sông đó mà. Nó cứ diễn ra hàng ngày như ở giữa chợ, nhất là vùng sông nước này. Còn Lộc, anh nào lại để bụng trách tôi. Tôi và anh có còn mấy tháng nữa là đã nên duyên chồng vợ.
Đò cập bến trước khu vườn hoa trái trĩu quả. Bác lái đò bước lên trước. Tôi và Lộc bước theo sau. Bước qua cổng khu vườn, tôi và Lộc vào hẳn bên trong. Bên trong cánh cổng khu vườn, một người đàn ông đứng tuổi nằm trên chiếc võng đung đưa ken két. Ông thờ ơ trước sự xuất hiện của tôi và Lộc. Bác lái đò cũng đã vào tận bên trong. Tôi và Lộc lẽo đẽo bước theo sau. Bác lái đò giới thiệu cho tôi biết từng loại cây ăn trái. Những cây trái đặc trưng ở Tây Nam bộ, đối với tôi còn quá xa lạ. Một vài thứ trái cây ở vùng quê tôi vẫn có, nhưng đến hôm nay tôi mới biết cành lá của chúng như thế nào. Có điều, cây trái ở đây sum suê quá, trái chín trái xanh chen chúc nhau khoe mình.
Chúng tôi chào người đàn ông ấy rồi bước xuống đò. Ngồi trên đò, tôi nghĩ ngợi mãi về người đàn ông ấy. Vùng đất này đã tạo cho tôi bao sự ngỡ ngàng. Chuyện sông nước, chuyện đò ghe, chuyện anh hùng… ngay cả những phong tục cũng lạ, cũng đẹp. Tôi quay sang Lộc:
- Ông giữ vườn ấy lạ thật, mình tự ý ra vào vườn mà không nói tiếng nào. Đã vậy, ông ấy còn cho mình một túi trái cây nữa chứ!
Lộc bật cười oang oang:
- Ông chủ khu vườn có hàng tỷ bạc đó. Không chỉ là mảnh vườn này, ông còn đến mấy khu vườn khác nữa.
Tôi ngạc nhiên:
- Nông dân nơi đây có bao nhiêu người như ông chủ khu vườn đó?
Bác lái đò đáp ậm ừ:
- Hai chục triệu người.
Tôi reo lên vì bất ngờ:
- Thật sao bác?
Bác lái đò cất giọng kể chuyện về nông dân như đang mở đầu một câu chuyện cổ tích:
- Chuyện đầu tiên bác muốn nhắc đến là ông Hai ở Tiền Giang. Ông ấy đã lai ghép ra giống lúa đầu tiên kháng được sâu rầy. Giống lúa tăng năng suất từ vụ này đến vụ khác cho nông dân khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long đến ngày nay.
Tôi thấy hấp dẫn nên ngồi lặng thinh. Lộc cũng vậy. Anh ngồi dỏng tai nghe bác lái đò kể chuyện nông dân với ánh mắt thích thú. Đúng như lời bác lái đò nói, những người dân này đã làm nên nhiều điều kỳ tích. Những chuyện họ làm không chỉ có ích cho mỗi cá nhân họ mà còn có lợi cho cả vùng đất.
Giọng bác lái đò vẫn đều:
- Còn nữa, ông Chín ở Đồng Tháp lại là một kỳ tích khác. Ông đã sáng chế ra máy gặt lúa xếp dãy, máy gặt đập liên hợp, máy thu hoạch lúa trên cả đồng khô và đồng nước.
Bất ngờ, Lộc xen ngang lời bác lái đò:
- Con nhớ hồi má kể, ông Quý ở giữa vùng đồng trũng Láng Linh thuộc tỉnh An Giang đã sáng chế ra những chiếc cầu dây văng qua kênh rạch. Không chỉ dành cho người đi bộ, những chiếc cầu ấy còn dành cho xe cơ giới 5 tấn đến 10 tấn qua lại rất dễ dàng.
Bác lái đò bật cười:
- Nhiều lắm con à! Ông Năm ở Hồng Ngự cũng hay đó chứ, người đầu tiên ghi tên mình vào lịch sử ngành thủy sản của nhà nước khi “bắt” con cá tra phải đẻ nhân tạo trên đất nước Việt Nam.
Không chỉ bất ngờ về những hình ảnh người nông dân, tôi còn quá bất ngờ về bác lái đò. Một người lái đò sao thành thạo nhiều vấn đề đến vậy. Những chuyện ông kể luôn gắn liền với kiến thức và trí tuệ. Tôi ngoái đầu lại bác lái đò, giọng dò xét:
- Bác chỉ là người lái đò, sao bác lại hiểu biết nhiều vậy?
Bác lái đò nhìn tôi ngỡ ngàng. Một cái nhìn vừa trách cứ vừa rộng lượng. Tôi ái ngại quay sang Lộc. Lộc cũng tỏ thái độ khó chịu với tôi:
- Nhà sử học Nguyễn Văn Mười Hai đó em.
- Hả?
Tôi bất ngờ. Bởi tên tuổi của ông gắn liền với nhiều quyển sách tôi đã đọc. Những quyển sách mà trên kệ sách ở nhà tôi đang lưu giữ. Tôi lúng túng lẫn sượng sùng. Hình ảnh bác lái đò mất hẳn trong tôi. Tôi không dám chuyện trò tay đôi tay ba nữa. Bây giờ đối với tôi, nhà sử học uyên bác đang hiện diện cùng tôi trên một con đò.
Đò cập bến. Ngôi nhà ngói năm gian hiện ra. Một bầy trẻ con chạy tíu tít, mừng rỡ. Chúng chụm năm chụm ba bên mé sông. Đứa này xô đẩy đứa kia, miệng cười nói í ới:
- Chú út về! Chú út về… có thím út nữa.
Lộc dìu tôi bước lên khỏi đò. Tôi quay lại, bác lái đò đang lom khom múc nước trong khoang đò đổ ra sông. Tôi lí nhí bên tai Lộc.
- Mời bác ấy vào nhà chơi anh à!
Lộc tròn xoe mắt nhìn tôi:
- Ba mình đó. Ba chồng mà em vẫn còn khách sáo sao?
Tôi sửng sốt:
- Sao anh không nói với em sớm?
Lộc càu nhàu:
- Em không hỏi làm sao anh nói?
Bây giờ, tôi đã hiểu:
- Người dân đồng bằng sông Cửu Long là vậy đó…
HUỲNH MẪN CHI