Sống phúc âm giữa lòng dân tộc

Đây là tựa đề một tác phẩm âm nhạc của Hùng Lân, một nhạc sĩ công giáo sáng tác ít lâu sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thật ra trong thời gian tiền khởi nghĩa và ngay sau Cách mạng Tháng Tám 1945, ông đã có một số ca khúc nổi tiếng thắm đượm tình dân tộc.

Đây là tựa đề một tác phẩm âm nhạc của Hùng Lân, một nhạc sĩ công giáo sáng tác ít lâu sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thật ra trong thời gian tiền khởi nghĩa và ngay sau Cách mạng Tháng Tám 1945, ông đã có một số ca khúc nổi tiếng thắm đượm tình dân tộc.

Năm 1943, 21 tuổi, Hùng Lân sáng tác bài Việt Nam minh châu trời Đông. Những bản hùng ca yêu nước trước đó của các nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, Văn Cao, Hoàng Quý, Đỗ Nhuận… đã có tác dụng thôi thúc ông sáng tác theo khuynh hướng này. Sau đó, Hùng Lân gửi ca khúc Việt Nam minh châu trời Đông tham dự cuộc thi âm nhạc toàn quốc do Hội Khuyến nhạc tổ chức năm 1944 và được trao giải nhất, cùng với bài Rạng đông, đoạt giải nhì, cũng do Hùng Lân sáng tác.

Qua giai điệu trang trọng, tiết tấu khoan thai của đoạn A bài Việt Nam minh châu trời Đông, hình ảnh đất nước Việt Nam hiện lên thật rạng rỡ, xinh đẹp như viên ngọc sáng giữa trời Đông: “Việt Nam minh châu trời Đông/ Việt Nam nước thiêng Tiên Rồng/ Non sông như gấm hoa uy linh một phương/ Xây vinh quang sáng trưng bên Thái Bình Dương…”. Sang đoạn B, nét nhạc trở nên giục giã, sôi sục nói lên lời thề ước, quyết tâm hy sinh thân mình để bảo vệ đất nước thân yêu: “Giơ tay cương quyết ta ôn lời thề ước/ Hy sinh tâm huyết mong báo đền ơn nước…”.

19-8-1945 cách mạng bùng lên, anh thanh niên Hùng Lân bị cuốn hút vào không khí sôi sục của cao trào cách mạng. Cảm xúc khi nghe lời Bác Hồ kêu gọi toàn dân tập thể dục tăng cường sức khỏe để xây dựng và bảo vệ đất nước, Hùng Lân sáng tác bài hát Khỏe vì nước với nhịp đi hùng tráng, giai điệu theo giọng La trưởng: “Khỏe vì nước kiến thiết quốc gia/ Đoàn thanh niên ta góp tài ba… Thanh niên ơi, hồn thiêng núi sông đợi chờ/  Nơi tay ta toàn dân ngóng trông từng giờ…”. Bài hát nhanh chóng phổ biến trong giới trẻ và trở thành bài hát truyền thống của ngành thể dục thể thao cả nước.

Báo Cứu quốc số ra ngày 27-5-1946 đã đăng một mẩu tin như sau: “...5 giờ sáng ngày 26-5-1946, thanh niên và tự vệ thủ đô từ khắp các ngả đường dồn dập kéo về Việt Nam học xá dự mít tinh. Họ vừa đi vừa biểu diễn bài thể dục vừa hô vang khẩu hiệu và hát bài Khỏe vì nước. Suốt cả ngày, các hoạt động thể dục thể thao như thi điền kinh, chạy việt dã 5.000m, cắm trại đã diễn ra hào hứng sôi nổi. Tối hôm đó, đúng 19 giờ 20 phút, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nhóm ngọn lửa thiên truyền cho hàng trăm thanh niên rước về khắp các phố phường của thủ đô...”.

Năm 1980, Đại hội Giám mục Việt Nam ra bản Thư chung chủ trương “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc”. Cảm hứng từ sự kiện này, Hùng Lân đã sáng tác bản Sống phúc âm giữa lòng dân tộc với 4 bè nam nữ: “Công giáo hay không, ta vẫn là người Việt Nam/ Cùng chung một tổ Hùng Vương vẻ vang kiêu hùng/ Cùng chung một nền văn hiến có bốn ngàn năm/ Cùng chung một lịch sử bảo vệ quê hương…”.

Trong liên hoan văn nghệ quần chúng năm 1984 với gần 900 diễn viên giới công giáo TPHCM, bản hợp ca Sống phúc âm giữa lòng dân tộc đã vang lên rộn rã. Nhạc sĩ Huy Du tham dự liên hoan, đã phát biểu: “Một số hợp xướng nhiều bè, anh em đã viết rất tốt. Tôi chú ý đến tác phẩm của anh Hùng Lân chứa đựng được sự hài hòa giữa bút pháp và âm thanh. Sở dĩ anh Hùng Lân viết tốt vì anh là một tác giả công giáo, là người có cảm xúc về hợp xướng. Anh miêu tả được sự đầm ấm, tình yêu thương trong tác phẩm…”.

Hùng Lân còn là tác giả của khá nhiều ca khúc thiếu nhi, nổi bật lên có bài Hè về, tiết tấu rộn ràng, giai điệu vui tươi rất hợp với tuổi nhỏ, nên được các em rất yêu thích: “Trời hồng hồng, sáng trong trong/ Ngàn phương rung nắng ngoài song/ Cành mềm mềm, gió ru êm/ Lọc màu mây bích ngọc qua màu duyên…”.

Hùng Lân tên thật là Hoàng Văn Hương, một nhạc sĩ công giáo. 30-4-1975, trong khi một số bạn bè bà con ra nước ngoài, nhạc sĩ Hùng Lân vẫn gắn bó thủy chung với quê hương đất nước. Ông sinh ngày 23-6-1922, mất ngày 17-9-1986 tại TPHCM.

Nhạc sĩ Trương Quang Lục

Tin cùng chuyên mục