Nhà cửa xập xệ
Sau những ngày bão lũ dồn dập, nhà cửa của người dân ở xóm Bến Đò và xóm Đăng (thuộc khu vực 9A, phường Đống Đa, TP Quy Nhơn) càng trở nên xơ xác. Nhà bà Phạm Thị Nhàn (58 tuổi) hẹp, các phòng được xây chắp vá. “Nhà đông con, đất đai ít nên mỗi năm gia đình tôi đổ xà bần lấn đầm nước một ít để mở rộng nhà. Do nhà quá cũ, mấy cơn bão rồi đánh vỡ nát, xập xệ nên cứ nghe gió bão đến là tôi lại run sợ. Cả tháng rồi tôi có ăn uống, ngủ nghỉ gì được đâu, cứ vài hôm lại dắt díu con cháu hết chạy bão lũ, rồi đến triều cường”, bà Nhàn than.
Chồng mất nhiều năm trước, chị Phạm Thị Thanh Trúc (41 tuổi, ở xóm Bến Đò) một mình nuôi 4 con dại trong ngôi nhà cũ kỹ. Những ngày qua, một mình chị Trúc vật lộn với gió bão, ngập lụt để cứu nhà, đưa con cái đi trốn bão lũ. “Hoàn cảnh mẹ con tôi vốn đã ngặt nghèo, giờ bão lũ triền miên nên cuộc sống càng đi vào ngõ cụt”, chị Trúc rơm rớm nước mắt. Hoàn cảnh của chị Trúc, bà Nhàn là điển hình cho gần 300 hộ dân ở xóm Bến Đò và xóm Đăng. Theo các hộ dân, nguồn cơn bắt nguồn từ cách làm thiếu quyết đoán của chính quyền địa phương.
Ông Hồ Xuân Như (62 tuổi, cùng xóm Bến Đò) xót xa: “Tôi ở đây đã 16 năm trời, chịu đựng bao khổ cực, nhất là khi đến mùa bão lũ...”. Theo ông Như, khoảng 20 năm trước, chính quyền bắt đầu đưa xóm Bến Đò và xóm Đăng vào diện quy hoạch để nhường đất cho một số dự án du lịch, đô thị. Ban đầu, các ngành chức năng tiến hành thu hồi ruộng muối, bờ bãi nuôi trồng thủy hải sản của người dân. “Thu hồi ruộng muối rồi bỏ trắng cho sa bồi, thủy phá, cây bụi dại mọc chứ họ có làm gì đâu. Còn dân thì sống treo hàng chục năm nay”, ông Như bức xúc.
Gần 20 năm đằng đẵng dù nằm trong vùng hay bị bão lũ, dân làng nơi đây chỉ chắp vá nhà cửa để sống tạm chứ không dám sửa chữa, cất lại nhà kiên cố để ở. Áp lực nơi ở khiến cho nhiều hoàn cảnh trong xóm sống chen chúc, co cụm cả 3 đến 4 thế hệ trong một ngôi nhà tối tăm, chật chội.
Nỗi lo sinh kế
Ông Võ Văn Sơn (52 tuổi, xóm Đăng) nói: “Ruộng muối bị thu hồi, dân làng chuyển qua đánh bắt, nuôi cua cá. Ở đây, các cồn bãi như cồn Ốc, bãi Dài, cồn Hồng, cồn Cánh Chõ… giữa đầm Thị Nại là nơi trú ẩn, sinh sôi cua, cá nên cả làng dựa vào đó để mưu sinh. Tuy nhiên, về sau các doanh nghiệp ồ ạt hút cát, san lấp rừng ngập mặn, hút sập các bãi cồn. Các bãi cồn bị phá, cua, cá giảm sút, dân bức xúc mang cả hung khí đi đấu tranh để bảo vệ cồn, bảo vệ cây rừng ngập mặn”.
Theo ông Sơn, nhiều năm qua, chính quyền quy hoạch rồi dời dân theo kiểu cuốn chiếu. Tìm được dự án thì dời vài hộ, còn không thì ở lại tiếp tục sống treo. Việc bồi thường tái định cư quá rẻ khiến người dân rất lo lắng.
Nhà sâu trong xóm Đăng, chị Vương Thị Ánh Cúc (41 tuổi) cho biết: “Nhà tôi nằm trong 11 hộ giải tỏa đầu năm 2020, song phía doanh nghiệp vẫn dây dưa nhiều tháng qua chưa chịu quyết. Chúng tôi được biết, giá bồi thường sẽ thấp hơn một nửa so với giá trị đất bố trí tái định cư. Ví dụ, nếu chúng tôi được bồi thường nhà đất mỗi mét vuông 50.000 đồng thì phải bỏ ra gấp đôi số tiền này là 100.000 đồng mới mua lại được 1m2 ở khu tái định cư. Nếu thế, ở nơi mới, chúng tôi chỉ đủ tiền mua đất và không còn tiền xây nhà, muốn xây nhà thì vay ngân hàng. Mà vay ngân hàng thì lấy tiền đâu mà trả?”.
Ông Muộn Văn Toàn, Khu vực trưởng Khu vực 9A (phường Đống Đa), thừa nhận, bài toán sinh kế cho người dân ở 2 xóm Đăng và Bến Đò vô cùng gian nan. Nhiều lần, ông Toàn đến gõ cửa từng doanh nghiệp để xin việc cho dân, nhưng do trình độ dân trí của các hộ dân thấp, bằng cấp không có, số nhiều đã lớn tuổi nên đành chịu. “Nguyện vọng của người dân là chính đáng. Bởi quy hoạch có từ năm 2004 đến nay, song các dự án vẫn bất động, bà con không thể sửa chữa nhà cửa, đời sống rất khó khăn, nhất là vào mùa bão lũ. Việc sống treo giữa vùng quy hoạch cũng phát sinh nhiều hệ lụy như tình trạng lấn chiếm đất đai cất dựng nhà ở tự phát, nhiều đối tượng trà trộn vào để đầu cơ, môi giới đất đai”, ông Toàn lý giải.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn Ngô Hoàng Nam cho biết, 2 vùng dân cư ở xóm Bến Đò, xóm Đăng đều nằm trong vùng quy hoạch một số dự án du lịch của UBND tỉnh Bình Định, trong đó có Khu du lịch sinh thái và biệt thự Đầm Thị Nại (Thị Nại Eco Bay). Sau bão lũ, TP Quy Nhơn chỉ sửa tạm lại các đường giao thông để thuận lợi cho dân đi lại. “Về lâu dài, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Bình Định đang thực hiện công tác giải tỏa, di dời để lấy mặt bằng thực hiện dự án Thị Nại Eco Bay. Dự kiến, hết năm 2020, các ngành chức năng sẽ tiến hành di dời các hộ dân ở 2 xóm Bến Đò, xóm Đăng lên nơi tái định cư an toàn”, ông Nam nói.
Đô thị hóa ở Quy Nhơn ngày càng nở rộ thì bài toán “đi - ở” trong các vùng lõm “sống treo” lại vô cùng gian nan.