Sống với ô nhiễm, người dân dễ mắc bệnh đường ruột

Ô nhiễm vẫn ở mức cao
Sống với ô nhiễm, người dân dễ mắc bệnh đường ruột

Đó là khẳng định của Trung tâm Y tế dự phòng, Sở Y tế TPHCM. Kết luận này đã được đưa ra tại cuộc họp do Sở Tài nguyên và Môi trường vừa tổ chức tại TPHCM. Một số khu vực dân cư được xác định đang phải sống chung với ô nhiễm và nhiều người dân có nguy cơ mắc các chứng bệnh liên quan đến đường ruột, nhất là quận 5, 6, 7 và huyện Bình Chánh.

Rác tại kênh Hy Vọng. Ảnh: Kim Ngân

Rác tại kênh Hy Vọng. Ảnh: Kim Ngân

Ô nhiễm vẫn ở mức cao

Ông Hoàng Cảnh Dương, Phó trưởng phòng Kiểm soát ô nhiễm thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, địa bàn quận 5, 6, 7 và huyện Bình Chánh có 3 hệ thống kênh chính là Tân Hóa - Lò Gốm, Tàu Hủ - Bến Nghé và kênh Đôi - kênh Tẻ. Kết quả kiểm tra chất lượng nước các kênh này từ năm 2001 đến nay đều cho thấy các chỉ tiêu không đạt yêu cầu, thậm chí vượt tiêu chuẩn cho phép vài chục đến vào trăm lần. Cụ thể, con số kiểm tra 9 tháng đầu năm 2012 tại kênh Tân Hóa - Lò Gốm cho thấy nồng độ các chất COD, BOD đều vượt quy chuẩn cho phép từ 2 đến 6 lần. Riêng hàm lượng vi sinh vượt từ trên 200 đến gần 400 lần quy chuẩn cho phép. Tương tự, nồng độ các chất này cũng vượt quy chuẩn cho phép rất cao tại hệ thống kênh Đôi - kênh Tẻ và Tàu Hủ - Bến Nghé. Đó là chưa kể trong bùn thải nạo vét từ kênh rạch, các cơ quan chức năng cũng nhận thấy có rất nhiều chất thải độc hại là các loại kim loại nặng như crôm, asen, sắt, chì, thủy ngân… và nhiều chất thải hóa học khác.

Điều đáng nói là những nhóm bệnh phát sinh trong cộng đồng từ việc tiếp xúc với nguồn nước ô nhiễm ngày càng gia tăng trong thời gian gần đây. Thạc sĩ Hoàng Thị Ngọc Ngân, nguyên Trưởng khoa Sức khỏe cộng đồng, Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM khẳng định, phổ biến nhất là các nhóm bệnh do vi sinh vật gây ra như bệnh về đường tiêu hóa (tả lỵ, thương hàn, tiêu chảy, viêm gan A), bại liệt, giun sán, bệnh ngoài da, phụ khoa, bệnh về mắt… Số ít nhóm bệnh khác do các kim loại nặng vượt quy định gây ra như bệnh về da, hệ thần kinh, dị tật thai nhi… Điển hình nhất là vào năm 2010 tại xóm ghe trên dòng kênh Tẻ phát hiện ổ dịch tả làm hơn 20 người sống trên kênh mắc bệnh. Ông Lê Trường Giang, nguyên Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM khẳng định, nguyên nhân sự việc trên chính là do một số virus, vi khuẩn gây dịch tả phát tán trên kênh rạch gây ra. Ông Nguyễn Đắc Thọ, Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP cho biết thêm, những dòng kênh chết hoặc bị tắc nghẽn hiện nay chính là nơi trú ẩn an toàn và thuận lợi của các loại ký sinh trùng gây bệnh.

Lỗi từ đâu?

Kênh rạch vốn dĩ có chức năng tiêu thoát nước nhưng nay lại trở thành một trong những nơi lưu chứa và cư ngụ của hàng trăm loại dịch bệnh. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến hiện trạng này?

Ông Hoàng Cảnh Dương cho biết, những con kênh trên ngoài chức năng tiếp nhận nước thải sinh hoạt, công nghiệp thì còn là nơi tập kết hàng trăm cơ sở sản xuất, nhà hàng và hộ gia đình sống dọc kênh. Do vậy, nạn lấn chiếm lòng kênh để xây, mở rộng nhà cửa diễn ra vô tội vạ, thậm chí có những con kênh bị người dân san lấp hoàn toàn để làm nhà ở. Thực trạng này khiến cho kênh rạch vốn dĩ đã nhỏ hẹp lại càng nhỏ hẹp hơn. Lưu lượng dòng chảy cũng chính vì thế bị hạn chế đáng kể gây nên tình trạng ngập úng và tràn ngược vào nhà dân, kéo theo các ổ vi trùng gây bệnh. Một nguyên nhân khác quan trọng làm gia tăng nhanh sự tái ô nhiễm của kênh rạch là ý thức của người dân. Bà Nguyễn Thị Thùy Linh (Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TPHCM) cho biết, hiện TP có khoảng 2.000km kênh thoát nước, hơn 100.000 hố ga và 800 cửa xả thải. Thế nhưng, nạn xả rác bừa bãi của người dân đã vô hiệu hóa gần như toàn bộ hệ thống thoát nước trên của TP.

Trong những năm qua, TPHCM đã đầu tư rất nhiều kinh phí để duy tu, nạo vét và cải tạo hệ thống kênh rạch nhưng chỉ được một thời gian ngắn mọi chuyện lại đâu vào đó. Đơn cử, thành phố đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng để mở rộng kênh Tân Hóa - Lò Gốm hay đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng để cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, kênh Đôi - kênh Tẻ nhưng kết quả kiểm tra vẫn thấy những con kênh này chưa cải thiện chất lượng ô nhiễm nguồn nước. Ngoài ra, hàng năm, TP còn bỏ ra hàng chục tỷ đồng để nạo vét hệ thống kênh rạch nhưng vừa nạo vét xong thì thời gian ngắn rác lại vẫn ngập đầy kênh. Thống kê từ Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị thành phố cho thấy, trung bình mỗi ngày thành phố phải vớt ít nhất khoảng 9 - 10 tấn rác trên kênh.

Ông Hà Văn Dũng, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường TP khẳng định, tình trạng ô nhiễm kênh rạch đã và đang tác động nguy hại đến sức khỏe người dân, nhất là đối tượng trẻ em và phụ nữ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy ngoài nguyên nhân khách quan là hạ tầng đô thị chưa thực sự hoàn chỉnh, còn nguyên nhân chủ quan rất lớn là do ý thức của cộng đồng. Chính vì thế, cải thiện ý thức của cộng đồng, hay nói đúng hơn ý thức của chính mình trong hành vi ứng xử với môi trường sẽ góp phần đáng kể cải thiện chất lượng môi trường vốn đang bị suy giảm nhanh chóng. Đồng thời, cải thiện chất lượng sức khỏe do phải sống chung với môi trường ô nhiễm như hiện nay.

Minh Xuân

Tin cùng chuyên mục