Câu chuyện triển khai mạng 4G ở Việt Nam hiện nay nóng lên với việc thử nghiệm thành công dịch vụ 4G của các nhà mạng. Hầu hết ý kiến các chuyên gia đều cho rằng, việc tiến lên 4G là xu thế chung của thế giới và Việt Nam không thể đứng ngoài. Tuy nhiên cách thức và lộ trình đầu tư, tiến lên 4G như thế nào thì phải cân nhắc kỹ lưỡng...
Trong năm 2015, khá nhiều lần, đại diện Qualcomm khu vực Đông Nam Á cho hay, đây là thời điểm phù hợp để Việt Nam tiến lên 4G do hệ sinh thái 4G đã tương đối hoàn thiện, thiết bị đầu cuối 4G có giá rẻ (lượng thiết bị đầu cuối hỗ trợ 4G giá rẻ về Việt Nam đột biến…). Tuy nhiên, để 4G phát triển thành công, các đối tác trong hệ sinh thái này phải hợp tác với nhau. Mặc dù Việt Nam triển khai chậm hơn một số nước, nhưng có lợi thế được hưởng lợi công nghệ mới nhất của 4G. Từ đó, cho phép các nhà mạng có nhiều mô hình bài toán kinh doanh mới trong mạng 4G, với các giải pháp cho nhiều loại thị trường khác nhau, từ trung cấp đến cao cấp. Qualcomm cam kết hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước, nhà mạng, nhà cung cấp nội dung tại Việt Nam triển khai 4G. Đại diện các nhà mạng cho rằng, Bộ TT-TT nên sớm cấp phép 4G để các nhà mạng triển khai hạ tầng một cách đồng bộ, sau khi đã thử nghiệm thành công.
Rút kinh nghiệm từ việc triển khai 3G, đại diện các nhà mạng cho rằng, nếu được cấp phép 4G, các nhà mạng sẽ triển khai tốt hơn, khoa học hơn; nhất và về vùng phủ sóng và chất lượng dịch vụ hệ sinh thái đi kèm. Quyết tâm của các nhà mạng Việt Nam triển khai 4G là điều đã thấy rõ. Nhưng Bộ TT-TT cho rằng, sau khi các mạng thử nghiệm thành công sẽ xem xét đánh giá mô hình hiệu quả kinh doanh cung cấp dịch vụ đáp ứng nhu cầu xã hội thì sẽ chính thức cấp phép 4G theo đúng quy định. Nhanh thì trong 2016, chậm thì qua đầu 2017!
Theo ông Lê Nam Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ TT-TT, để triển khai một dịch vụ vào thị trường, đặc biệt Việt Nam, có một số yếu tố cần xem xét để biết triển khai sớm hay muộn, có phù hợp không. Trước hết phải xem công nghệ chín muồi chưa, có tính phổ biến chưa. Nếu công nghệ không phổ biến, chín muồi thì có khi triển khai giữa chừng, thế giới đã chuyển sang công nghệ khác, lúc đó Việt Nam sẽ bị lỡ nhịp. Hoặc độ chín muồi chưa đủ thì giá thành thiết bị đắt, dẫn đến giá cước đối với người dùng cao, không phù hợp. Chúng ta từng trả giá cho công nghệ đưa vào Việt Nam nhưng không phù hợp thời điểm hoặc lạc hậu. Ví dụ CityPhone, Calling, CDMA2000... chỉ phát triển trên thế giới được một thời gian, cũng có một giai đoạn phát triển tốt tại Việt Nam nhưng không kéo dài, số người dùng không nhiều nên giá thành cao. Ông Thắng cũng cho rằng, nếu nhìn một cách tổng quan thì việc phát triển dịch vụ 3G ở Việt Nam chưa đạt được như kỳ vọng đặt ra lúc đầu. Dịch vụ 3G là tốt, nhưng quan trọng nhất là đưa công nghệ ấy vào cuộc sống thế nào để đạt đúng tiêu chuẩn 3G. HSPA++ (tức 3G cộng) có thể đạt 42Mbps, nhưng thực tế tại sao không bao giờ làm được; chất lượng phủ sóng 3G trong nhà ở Việt Nam cũng rất dở.... Tại sao cũng là 3G, nhưng ở Singapore cũng như nhiều nước khác, tốc độ truy cập mạng của họ nhanh hơn hẳn ở Việt Nam? Trách nhiệm ở đây thuộc về các nhà mạng. Vì vậy, nếu triển khai 4G, kể cả 5G mà vẫn như kiểu 3G thời gian qua thì không bao giờ đạt được tốc độ mong muốn, hay nói cách khác là khó để thành công. Hãy để thị trường quyết định việc đưa vào hay không, triển khai 4G thời điểm nào đồng thời phải xem xét kỹ lưỡng khả năng sử dụng, khả năng chi trả giá cước của người dùng đối với dịch vụ này. Nếu các nhà mạng coi việc triển khai 4G nhằm mục đích làm thương hiệu và chỉ triển khai ở một vài địa điểm thì hoàn toàn không có ý nghĩa.
TRẦN LƯU