Sự cố bên Tây, nỗi lo bên ta

“Phòng cháy” giống như “phòng bệnh”, “chữa cháy” giống như “chữa bệnh”. Bệnh đã phát đi rồi, dù có chữa khỏi cũng không tránh tổn thương. Như vậy, “phòng cháy” chính là đích nhắm ngăn chặn những ngọn lửa.

Luật Phòng cháy chữa cháy (PCCC) quy định chỉ được nghiệm thu công trình sau khi đã nghiệm thu xong PCCC, cho thấy tầm quan trọng của “phòng cháy” trước khi đưa công trình vào hoạt động. Hiện tại, các chung cư hay những tòa nhà đều đã có một hệ thống PCCC đủ để phòng nguy khi cần thiết. Điều đáng lo là ở rất nhiều công trình, di tích văn hóa - lịch sử, chùa chiền, miếu mạo lại chưa được “phòng cháy” đúng mức. Cụ thể, công tác tập huấn PCCC cho người trông coi di tích là hết sức quan trọng, thế nhưng, có cơ sở di tích khi đề nghị tập huấn PCCC thì… kiêng; có nơi phải bỏ ý định tập huấn vì vị sư trụ trì chùa đã già yếu. Vì thế, nguy cơ cháy nổ di tích, đền chùa, miếu mạo, đặc biệt là những nơi có kiến trúc gỗ là điều dễ xảy ra.

Điều tra ban đầu của lực lượng chức năng của nước Pháp cho thấy, nguyên nhân nhà thờ Đức Bà Paris bốc cháy dữ dội vào rạng sáng 16-4 (giờ Việt Nam) đến từ việc hàn xì trong quá trình trùng tu. Từ sự cố đáng buồn bên trời Tây này, chúng ta hẳn không khỏi lo ngại ở ngay nước mình. Chỉ mới 7 ngày trước thôi, chùa Thanh Sơn tại xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã bị lửa thiêu rụi toàn bộ dãy nhà 3 gian diện tích 120m2 cùng toàn bộ tài sản và đồ bài trí trong chùa. Ngôi chùa này tuy chưa được xếp hạng di tích nhưng đã nằm trong danh mục kiểm kê di sản của UBND huyện Sóc Sơn. Công an huyện Sóc Sơn xác định được nguyên nhân vụ cháy là do các cụ trông nom chùa thắp nhang cúng. Năm 2012, ngôi chùa cổ 700 năm tuổi Trasathkong tại ấp Tắc Gồng, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng xảy ra cháy, gây ảnh hưởng bên trong và những bức hoa văn đặc sắc có từ xưa đã bị bụi đen phủ kín. Năm 2015, chùa Soài So (xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, An Giang) cũng bị cháy. Năm 2016, chùa Tĩnh Lâu (quận Tây Hồ, Hà Nội) bốc cháy. Tại TPHCM, cách đây 7 năm, chùa Hội Sơn với hơn 300 tuổi, được công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia, cũng bị “bà hỏa” thiêu rụi, trong đó có nhiều báu vật cổ....

Có thể thấy, thời gian qua các di sản, di tích bị hỏa hoạn hầu hết đều do chính con người, mà cụ thể là ý thức của từng cá nhân khi tham gia vào các hoạt động của di sản cũng như ý thức của đơn vị quản lý trực tiếp di sản còn nhiều yếu kém. Việc thắp nhang cẩu thả từ lâu đã được báo động là một trong những nguyên nhân chính gây cháy tại các chùa chiền, đền, miếu. Mỗi di tích là một kho báu chứa đựng di sản quý giá. Tình trạng liên tiếp xảy ra các vụ hỏa hoạn trong thời gian qua ở nhiều di tích là vấn đề đáng lo ngại, đáng báo động. Bảo vệ các di tích là một phần rất quan trọng trong công tác bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, trong đó PCCC là trách nhiệm đặt lên hàng đầu.

Tin cùng chuyên mục