Sau gần 2 ngày xảy ra sự cố đứt tuyến cáp quang biển quốc tế châu Á - Thái Bình Dương (AAG), phía đơn vị quản lý tuyến cáp vẫn chưa đưa ra được khoảng thời gian hoàn tất sửa chữa. Điều đó đồng nghĩa với việc người dùng Internet Việt Nam tiếp tục gặp khó khăn khi trao đổi thông tin đi nước ngoài. Mỗi lần xảy ra sự cố như thế này, câu hỏi được nhắc đến nhiều nhất luôn luôn là: “Tại sao tuyến cáp quan trọng như vậy lại đứt liên tục?”.
Kiểm tra cáp quang biển.
Theo ghi nhận của PV Báo SGGP, tới thời điểm này, đường truyền Internet vẫn bị chập chờn. Các dịch vụ thường dùng hàng ngày như web, Gmail, Yahoo… (vốn có máy chủ đặt tại Mỹ) liên tục xảy ra tình trạng mất kết nối. Sự cố đang khiến khách hàng trong nước bức xúc bởi đây không phải lần đầu. Gần đây nhất, trong năm 2014, tuyến cáp này đã xảy ra 2 lần đứt cáp, với thời gian sửa chữa mất gần 2 tháng. Đại diện một nhà cung cấp dịch vụ Internet (xin giấu tên) cho biết, hiện tại khu vực biển Đông có khá nhiều tuyến cáp quang tương tự AAG như FEA (Thái Lan thuê), SeaMeWe-3, APCN-2 (Philippines thuê), SJC và EAC-C2C (Indonesia thuê)... Đặc điểm chung của các tuyến cáp quang này là đều kết nối đến Hồng Công (Trung Quốc) và Singapore, sau đó chuyển tiếp đến các tuyến quốc tế khác. Tuy nhiên, so với các tuyến cáp kể trên, chi phí thuê đường truyền ra quốc tế của AAG rẻ chỉ bằng 1/3. Điều này lý giải vì sao giá cước dịch vụ Internet của Việt Nam rẻ hơn khá nhiều trong khu vực. Lẽ thông thường, để có mức giá rẻ như vậy, nhà điều hành buộc phải cắt giảm đi những hoạt động dự phòng như kiểm tra, bảo trì, trang bị tuyến cáp thay thế… Khi xảy ra sự cố, giải pháp khả dĩ nhất là chờ hàn nối và tiếp tục sử dụng.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Giám đốc Công ty Điện toán và Truyền số liệu VDC, cần nhìn nhận khách quan để thấy các sự cố đứt cáp phần lớn xảy ra ở đoạn cáp đi qua biển Đông. Trong khi đoạn nối với Hồng Công và Đài Loan (Trung Quốc) lại tương đối ổn định. “Về cơ bản, cáp ngầm biển có đường kính rất lớn, cỡ 20cm, bên trong lõi đồng, bên ngoài gia cố bằng rất nhiều lớp vật liệu cứng và chống ẩm. Trên lý thuyết, một đoạn cáp như vậy là không dễ đứt rời. Tuy vậy, cáp ngầm thường chỉ được đặt nằm trần ngay trên nền cát dưới biển. Liên tục chịu sự tác động của sóng ngầm, sinh vật biển, biến đổi nền địa chất… Đặc biệt là va quẹt của các mỏ neo tàu - là nguyên nhân gây ra tới 70% các vụ đứt cáp quang trên biển. Đây là lý do giải thích vì sao các vụ đứt cáp chỉ xảy ra ở một số vùng nước nhất định”, ông Hải lý giải.
Cũng theo ông Hải, khu vực biển Đông lại là tuyến hàng hải đông đúc bậc nhất thế giới, với hàng triệu lượt tàu thuyền lớn qua lại hoặc neo đậu. Chỉ cần va quẹt mỏ neo hàng tấn là sợi cáp sẽ bị tổn thương. Chính vì vậy, việc đứt cáp không phải chuyện hi hữu và người dùng Internet phải làm quen. “Nhật Bản, Đài Loan có từ 3 - 5 tuyến cáp mạnh. Nếu đứt một sợi, họ có sợi khác để thay thế. Sớm muộn gì chúng ta cũng phải đầu tư xây dựng thêm một tuyến cáp để chia sẻ gánh nặng với AAG”, ông Hải khẳng định.
Theo đại diện của FPT Telecom, hiện Việt Nam đã có dự án xây dựng tuyến cáp quang APG (tổng dung lượng của APG tương đương hoặc lớn hơn AAG), nhưng có nhiều lý do khiến tiến độ xây dựng bị chậm đến năm 2015, thậm chí đầu năm 2016. Khi tuyến APG hoàn thành, các nhà mạng sẽ có nhiều chọn lựa hơn và tình trạng Internet của Việt Nam sớm được khắc phục khi có sự cố đứt cáp
TƯỜNG HÂN
| |