Sử dụng năng lượng gắn liền với bền vững môi trường, hạn chế ảnh hưởng đến biến đổi khí hậu là chuyện đã được nhiều người nói tới. Tuy nhiên, vấn đề là làm thế nào để giữa lời nói và việc thực hiện luôn song hành. Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với ông Hoàng Hữu Thận, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và phát triển điện, xung quanh vấn đề này.
° Phóng viên: Tại sao loại năng lượng tái tạo đã được nói đến nhiều song chưa triển khai đại trà trong thực tế ở Việt Nam?
° Ông HOÀNG HỮU THẬN: Năng lượng tái tạo là các dạng năng lượng được phục hồi lại sau mỗi chu kỳ và vô tận như năng lượng mặt trời, gió, thủy triều, sóng biển, thủy năng, chất thải... Hiện nay, nước ta cũng như nhiều nước khác đang khai thác 4 dạng năng lượng thương mại truyền thống là thủy năng, than đá, dầu – khí và nguyên tử. Trong đó, thủy năng là nguồn năng lượng tái tạo, 3 loại còn lại là năng lượng không tái tạo, nghĩa là khai thác đến mức độ nào đó sẽ hết.
Thủy năng được ưu tiên phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua nhưng chừng một thập kỷ nữa có thể hết khả năng xây dựng thêm các nhà máy thủy điện mới. Than đá đang dần tới đỉnh khai thác, sau đó sản lượng sẽ đi xuống. Chúng ta đang tích cực đàm phán để thời gian tới sẽ nhập than và cũng đang tính toán khai thác bể than sông Hồng, vốn nhiều khó khăn và rủi ro. Khai thác dầu – khí của ta đã qua đỉnh. Năng lượng nguyên tử ẩn chứa nhiều khó khăn nhưng Nhà nước đã quyết tâm đưa vào để cân bằng năng lượng quốc gia. Vấn nạn môi trường khiến việc dùng than, dầu – khí và nguyên tử phải được kiểm soát bằng công nghệ đắt tiền và chỉ có tác dụng hạn chế chứ không thể loại trừ hoàn toàn.
Năng lượng tái tạo là nguồn năng lượng thân thiện với môi trường, có thể khai thác vô tận. Chính vì vậy, tương lai con người có thể kỳ vọng vào các dạng năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió, thủy triều, địa nhiệt, sóng biển, độ chênh nhiệt độ giữa nước mặt và nước sâu của đại dương, sử dụng chất thải, kể cả rác và phân vào mục đích sản xuất ra năng lượng. Trên thực tế nhiều nước, trong đó có Việt Nam, đã và đang tập trung đầu tư nghiên cứu và ứng dụng các nguồn năng lượng mới này.
Tuy nhiên, ngoại trừ thủy điện nhỏ, điện sản xuất từ trấu có giá thành so sánh được với các dạng năng lượng truyền thống, cỡ 5 cent/kWh, các dạng năng lượng tái tạo còn lại, do phân tán, phụ thuộc nhiều vào thời tiết, đòi hỏi công nghệ cao nên giá thành điện cũng khá cao, như điện mặt trời có giá khoảng 35 – 50 cent/kWh, điện gió khoảng 8 – 12 cent/kWh… Đây là lý do chính khiến các dạng năng lượng này chưa thể ngày một ngày hai có tỷ trọng so sánh được với năng lượng truyền thống trong cân bằng năng lượng quốc gia.
° Như vậy, trong thời điểm hiện nay mới chỉ… nói đến năng lượng tái tạo chứ chưa thể sử dụng?
° Việc ứng dụng năng lượng mới, đặc biệt là gió, mặt trời, phân gia súc – gia cầm, trấu và rác thải, thủy điện nhỏ đã thu được những kết quả hết sức khích lệ. Đèn tín hiệu năng lượng mặt trời kết hợp đèn LED (đi-ốt phát quang) cho phép hướng dẫn và chỉ báo giao thông không cần dây dẫn nối nguồn, không phụ thuộc nguồn, là giải pháp cần được ưu tiên phát triển. Bình nước nóng mặt trời tỏ ra hết sức kinh tế trong bối cảnh thiếu điện và giá năng lượng không ngừng tăng hiện nay.
Sử dụng phân gia súc, rác thải, trấu và chất thải nông nghiệp theo mục tiêu năng lượng và thủy điện nhỏ tỏ ra kinh tế lại hạn chế ô nhiễm môi trường. Vốn thực hiện các dự án thủy điện nhỏ khoảng 500 – 600 tỷ đồng, phần lớn các doanh nghiệp ngoài quốc doanh hoàn toàn có đủ khả năng tham gia vào lĩnh vực này, tạo ra nguồn điện có giá phù hợp.
Đó là những hướng cần ưu tiên phát triển bên cạnh việc nghiên cứu đưa các dạng năng lượng khác vào ứng dụng thực tế (gió, mặt trời, biển…). Các tính toán chỉ ra khả năng đưa các nguồn năng lượng tái tạo này tham gia cân bằng được cỡ 5% - 15% trong tổng nhu cầu điện quốc gia, điều này cũng có nghĩa đã tiết kiệm được từng ấy điện năng đáp ứng nhu cầu, góp phần bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
° Ở TPHCM, người dân có thể sử dụng năng lượng tái tạo nào để hỗ trợ cho việc tiết kiệm điện, bảo vệ môi trường, thưa ông?
° Đối với một thành phố nhiệt đới, nắng nhiều như TPHCM, việc đầu tiên người dân có thể làm để tiết kiệm điện là sử dụng bình đun nước nóng năng lượng mặt trời. Nếu người dân thành phố hưởng ứng tích cực chương trình này, mỗi năm thành phố cũng tiết kiệm được một lượng điện năng đáng kể cho các nhu cầu khác.
Chính quyền thành phố nên tính đến việc đầu tư xây dựng hệ thống đèn tín hiệu giao thông sử dụng năng lượng mặt trời. Hệ thống đèn sử dụng năng lượng mặt trời sẽ độc lập với lưới điện nên không bị ảnh hưởng đến việc mất điện nguồn, vốn là một trong những nguyên nhân gây rối loạn giao thông hiện nay. Nhà vệ sinh dùng năng lượng mặt trời là việc kế tiếp mà chính quyền thành phố nên tạo điều kiện cho triển khai. Chỉ cần sử dụng một tấm pin mặt trời cung cấp điện cho nhà vệ sinh là đủ để thực hiện các thao tác dội nước, khử mùi, khử trùng, rửa tay…
Việc đầu tư nhà vệ sinh sử dụng năng lượng mặt trời có thể thực hiện bằng cách xã hội hóa để giảm gánh nặng cho ngân sách thành phố. Ngoài ra, cần tạo ra các cơ chế để khuyến khích, hỗ trợ phát triển các dự án sử dụng rác thải, phân và chất thải nông nghiệp vào mục tiêu năng lượng, vừa tận dụng nguồn năng lượng tái tạo, vừa giải quyết vấn nạn môi trường.
° Trở lại việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo mới cho đất nước, theo ông, cần có điều gì để chúng phát triển?
° Trước hết, với các giải pháp công nghệ khả thi (bình nước nóng mặt trời, đèn tín hiệu năng lượng mặt trời, tận dụng rác thải, chất thải làm năng lượng, thủy điện nhỏ…) cần tạo cơ chế về vốn, kể cả nguồn vốn ưu đãi và giá điện. Cơ sở giá điện của các loại dự án này cần được tính đúng, tính đủ.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cần coi các chủ đầu tư dự án năng lượng tái tạo là bạn đồng hành trong sự nghiệp thỏa mãn tối đa nhu cầu điện vốn đang gây áp lực lớn lên ngành, để giảm tối đa các phiền hà nhà đầu tư luôn gặp phải trong thỏa thuận đấu nối, thỏa thuận mua điện, thương thảo hợp đồng mua bán điện, huy động công suất phát điện trong điều độ vận hành…
Với các dự án điện gió, mặt trời… cần có chính sách thỏa đáng và khả thi của Nhà nước mới có cơ sở để triển khai. Đây là con đường phải được đầu tư để vài thập kỷ nữa các dạng năng lượng mới có tỷ trọng đáng kể trong cân bằng năng lượng quốc gia.
° Cảm ơn ông.
NGUYỄN KHOA