Sử dụng năng lượng tái tạo: Hướng đi bền vững

Theo các nhà khoa học Đức, trữ lượng dầu hỏa và khí đốt trên toàn cầu chỉ còn đủ để sử dụng cho khoảng… 50 năm, than đá khoảng 230 năm và uranium khoảng 70 năm. Trong bối cảnh đó, năng lượng gió, năng lượng mặt trời… sẽ trở thành các nguồn năng lượng chính của loài người. Việt Nam mà cụ thể ở TPHCM chắc chắn cũng không thể nằm ngoài lề xu hướng ấy. Vậy, Việt Nam sẽ phát triển năng lượng tái tạo như thế nào ?

Năng lượng mặt trời

Trung bình năng lượng hữu dụng từ bức xạ mặt trời trong mỗi ngày tại Việt Nam dao động 4- 5,2kWh/m². Điều này tương đương với công suất 166,7- 216W/m² tính trung bình trong 24 giờ và tùy theo vĩ tuyến. Lượng nắng ở miền Trung và miền Nam dồi dào hơn miền Bắc. Miền Bắc có trung bình 1.500- 1.700 giờ nắng, miền Trung và miền Nam có 2.000- 2.600 giờ nắng trong một năm. Tổng công suất các hệ pin mặt trời đã lắp đặt tại nước ta cho đến nay đạt một con số khá khiêm nhượng- khoảng 4MW (Thái Lan đã trên 30MW). Kinh phí hầu hết từ các nguồn tài trợ của nước ngoài.

Các nguyên nhân chính làm cản trở sự phát triển ngành quang điện tại Việt Nam là: Pin mặt trời vẫn còn quá đắt, khoảng 8- 10 USD cho mỗi W; Sau khoảng 2 năm phải thay accu mới (accu dùng nạp điện từ pin mặt trời vào ban ngày và cung cấp điện vào ban đêm); Chưa có chính sách hỗ trợ từ chính phủ, chưa có quy định về kỹ thuật và pháp lý về điện nối lưới.

Biogas

Đến nay có trên 200.000 bồn biogas được lắp đặt tại nước ta. Hà Lan đã viện trợ khoảng 3,1 triệu EUR giúp việc phát triển công nghệ biogas tại Việt Nam. Bèo lục bình sinh sôi rất nhanh trên sông rạch ở các vùng nhiệt đới làm tắc nghẽn giao thông của tàu thuyền. TS Đỗ Ngọc Quỳnh, một chuyên gia về biogas của Đại học Cần Thơ, đã phát triển công nghệ xử lý bèo lục bình thành biogas.

Theo ước tính, mỗi m³ biogas tương đương với 0,6 lít diesel hay 22MJ. Nước thải và các thành phần sau khi phân rã từ bồn biogas có thể dùng làm phân bón hay dùng để xử lý phèn trong đất trồng trọt. Từ một tấn rác hữu cơ, ta có thể thu được 150- 250 m³ biogas.

Mỗi năm vựa lúa tại đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long thải ra hàng triệu tấn trấu. Tại Campuchia vì thiếu điện nghiêm trọng, các hệ thống khí hóa sinh khối (chủ yếu dùng nguyên liệu từ trấu) để sản xuất điện được nhập từ Ấn Độ và sử dụng rất thành công từ lâu. Đây là giải pháp rất tốt cho các xí nghiệp ở nước ta cần nhiều điện và ở những vùng dễ tiếp cận các loại nhiên liệu có sẵn với giá rất rẻ như trấu, củi từ cây tạp…

Năng lượng gió

Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (tài liệu năm 2001), Việt Nam có tiềm năng năng lượng gió lớn nhất so với các nước khác tại Đông Nam Á. Theo sự đo đạc và tính toán của tài liệu này, tổng công suất gió của cả Việt Nam lên đến 513 GW. Công suất này lớn gấp 214 lần công suất của Nhà máy thủy điện Sơn La hiện đang được xây dựng và gấp 10 lần công suất điện Việt Nam cần trong năm 2020. Vùng lãnh thổ có tiềm năng gió tốt chiếm 9% diện tích Việt Nam và tập trung phần lớn tại Bình Thuận và Ninh Thuận. Nếu tính luôn cả tiềm năng gió ngoài khơi (offshore), tổng công suất gió nước ta còn lớn hơn nhiều.

Ngoài Bình Thuận và Ninh Thuận, những nơi có tiềm năng gió tốt có thể kể đến: Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh, Duyên Hải, Lâm Đồng, Lâm Đồng, Đắk Lắk,…

Trong các dạng năng lượng tái tạo, có thể thấy rõ ràng năng lượng gió có khả năng lắp đầy khoản thiếu hụt điện năng rất trầm trọng ở nước ta trong thời gian tới. Do vậy, một trong các việc khẩn cấp là chính phủ sớm ban hành giá điện nối lưới.

TS DƯƠNG MINH TRÍ (Viện Vật lý TPHCM)

Tin cùng chuyên mục