Thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) là một trong những sản phẩm được quy định đăng ký rất chặt chẽ bởi tính chất độc hại và khả năng tác động đến môi trường, sức khỏe cộng đồng rất lớn. Thế nhưng trong thời gian gần đây, lợi dụng tình hình quản lý loại thuốc này ở nước ta còn nhiều bất cập, nhiều tổ chức, cá nhân đã đưa ra thị trường nhiều loại thuốc BVTV không có nguồn gốc hoặc giả nhãn hiệu thuốc của những hãng sản xuất có tên tuổi. Tình trạng này không những đang gây hại cho người nông dân trực tiếp sử dụng mà còn là hiểm họa đối với môi trường sống.
Thuốc BVTV giả tràn lan
Bà Phùng Mai Vân, Phó Chánh Thanh tra Cục BVTV, cho biết từ đầu năm 2010 đến nay, số lượng đối tượng vi phạm về lĩnh vực buôn bán và sản xuất thuốc BVTV kém chất lượng bị phát hiện ngày càng nhiều. Đã có 51 vụ vi phạm bị phát hiện. Trong đó, kinh doanh các dạng thuốc cấm chiếm 0,33%; kinh doanh thuốc giả chiếm 1,5%-2%; kinh doanh thuốc ngoài danh mục chiếm 5%-5,5%; kinh doanh thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng chiếm 7%-8%; kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc chiếm 1,5%-2,5%; kinh doanh thuốc vi phạm nhãn mác 20%-28%... Đặc biệt, hiện tượng sản xuất, kinh doanh thuốc có nội dung nhãn thuốc không đúng quy định vẫn còn nhiều, chiếm đến 20% số trường hợp vi phạm. Hành vi vi phạm chủ yếu là ghi thừa đối tượng phòng trừ, không ghi hoặc ghi không rõ ràng tên địa chỉ nhà sản xuất, ghi không đúng thời gian cách ly, cỡ chữ trên nhãn quá nhỏ không đúng quy định…
PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật nhiệt đới và bảo vệ môi trường, cho biết những tác hại mà thuốc BVTV kém chất lượng gây ra cho người sử dụng trực tiếp và gián tiếp thông qua chuỗi thực phẩm là rất lớn. Tình trạng số lượng người mắc bệnh ung thư ngày càng tăng một phần cũng xuất phát từ nguyên nhân này. Do đó, trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã thực hiện cấm sử dụng một số hóa chất trong quá trình sản xuất thuốc BVTV như chất POb, Clor hữu cơ, chất chứa kim loại nặng… Đây là những chất tồn lưu rất lâu trong môi trường cũng như nông sản thực phẩm và rất độc hại cho người sử dụng.
Hiện nhiều doanh nghiệp trên thế giới đã và đang chuyển sang sản xuất thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học. Tuy nhiên, tại nước ta do hạn chế về công nghệ, nguồn nhân lực nên không phải doanh nghiệp nào cũng có thể sản xuất loại thuốc này. Ngoài ra, không ít doanh nghiệp, cá nhân vì chạy theo lợi nhuận nên đã bất chấp những tác hại của các loại hóa chất này. Thậm chí họ sử dụng nhưng không đề tên trên nhãn thuốc. Do đó, người mua rất khó nhận biết. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Bùi Bá Bổng cho biết thêm, hiện thuốc BVTV kém chất lượng không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân cũng mà còn gây nguy hại đến uy tín xuất khẩu của Việt Nam. Hiện tại, các nhà nhập khẩu quốc tế sẽ không mua các sản phẩm nông nghiệp nếu sử dụng các hóa chất bất hợp pháp.
Chế tài yếu
Ông Robert Hulme, Chủ tịch Tổ chức Croplife Việt Nam, khẳng định, những sản phẩm bảo vệ cây trồng giả mạo là một hình thức coi thường luật pháp, đi ngược lại lợi ích của người nông dân, người tiêu dùng, môi trường và những giá trị hợp pháp của những nhà sản xuất và xuất khẩu. Những hành vi vi phạm pháp luật và những mạng lưới tội phạm có tổ chức này có khả năng tạo ra lợi nhuận cao, nhưng lại vô cùng nguy hiểm. Ông D’Arcy Quinn, chuyên gia lĩnh vực chống hàng giả của Croplife International, nhấn mạnh thêm, giải pháp tốt nhất để hạn chế tình trạng này là cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan có thẩm quyền, các công ty nghiên cứu, sản xuất thuốc và giới truyền thông. Sự giám sát kỹ lưỡng của các đơn vị này cùng với sự minh bạch trong thương mại quốc tế về thuốc BVTV sẽ giúp đảm bảo các sản phẩm được buôn bán, sử dụng an toàn, có trách nhiệm.
Theo ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, thời gian tới, cục sẽ tăng cường công tác thanh kiểm tra, xử phạt nặng trường hợp vi phạm; thống kê, đánh giá, phân loại các cơ sở sản xuất, gia công, sang chai, đóng gói và buôn bán thuốc BVTV trên cả nước, từ đó tăng cường quản lý thuốc ở các địa phương. Bên cạnh đó, việc xây dựng và củng cố hệ thống tổ chức và hoạt động của thanh tra chuyên ngành BVTV từ trung ương đến các chi cục bảo vệ môi trường các tỉnh, TP cũng là những giải pháp phải được thực hiện ngay…
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng nhấn mạnh thêm, cần gia tăng hình phạt đối với hoạt động sản xuất, buôn bán thuốc giả, thuốc bất hợp pháp dưới mọi hình thức. Đặc biệt cần gia tăng khung hình phạt tiền và phạt tù. Ngoài ra, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng. Từ đó, huy động sự hỗ trợ từ phía cộng đồng, các doanh nghiệp chân chính trong việc không sử dụng, sản xuất và tố giác những sản phẩm kém chất lượng. Có như vậy mới tránh gây thiệt hại cho bản thân, môi trường cũng như không tạo cơ hội cho những sản phẩm kém lượng có cơ hội tồn tại và phát triển.
TRÀ MY – HẢI THANH