“Sứ giả” của người nghèo

Người dân Sài Gòn - TPHCM vốn hào hiệp và trọng nghĩa tình. Tập thể hội viên Chi hội Thiện Nhân cũng mang tinh thần đó nên gần 20 năm qua, họ như những “sứ giả” miệt mài mang tấm lòng người dân thành phố đến với người nghèo, đồng bào khó khăn trên khắp mọi miền đất nước.
Bác sĩ Lê Thị Vân, Chủ tịch Chi hội Thiện Nhân và lãnh đạo chi hội chúc mừng các thành viên, nhà hảo tâm đã ủng hộ chi hội tại lễ phát động gây quỹ năm 2022
Bác sĩ Lê Thị Vân, Chủ tịch Chi hội Thiện Nhân và lãnh đạo chi hội chúc mừng các thành viên, nhà hảo tâm đã ủng hộ chi hội tại lễ phát động gây quỹ năm 2022

“Má Sáu” nặng lòng thiện nguyện 

Bác sĩ Lê Thị Vân, nguyên Phó Chủ tịch UBND TPHCM, đã gánh trách nhiệm Chủ tịch Chi hội Thiện Nhân (thuộc Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo TPHCM) gần 20 năm nay. Ở tuổi ngoài 80, bác sĩ Lê Thị Vân vẫn hăng say, nhiệt tình với công tác xã hội, từ thiện, được mọi người gọi với tên thân mật “má Sáu”.

Trong lần đến huyện Củ Chi dự lễ khánh thành Đền tưởng niệm Liệt sĩ Quân dân y Sài Gòn - Gia Định (tại ấp Phú Lợi, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi), tôi gặp má Sáu. Trên đường đi, má phấn chấn như sắp được gặp người thân đã xa nhau lâu ngày, vừa gọi điện kiểm tra công tác chuẩn bị cho buổi lễ, vừa giục anh em hội viên tập trung đầy đủ, đúng giờ. Ngồi cùng chuyến xe, Đại tá, bác sĩ Nguyễn Quốc Bình, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115, Phó Chủ tịch Hội Quân dân y Sài Gòn - Gia Định, cũng tấm tắc cảm phục khi nói về má Sáu.  

Sinh ra trên vùng đất thép Củ Chi, bà Lê Thị Vân là một cán bộ đoàn năng nổ, rồi cán bộ Hội Phụ nữ huyện Củ Chi, Đội trưởng thu dung cấp cứu - Quân dân y Sài Gòn - Gia Định. Những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt, bà vừa là bác sĩ, Đội trưởng thu dung, cấp cứu, vừa tải  thương, cứu chữa cho bộ đội và không ít lần cầm súng chiến đấu. Có nhiều lúc, thiếu trang thiết bị y tế, các bác sĩ cùng đồng đội phải sử dụng kim vá áo để khâu vết thương  cho bộ đội, dùng ống lá cây đu đủ để đặt nội khí quản hay dùng nước dừa thay dịch truyền cấp cứu… 

Chiến tranh đi qua, đất nước hòa bình, thống nhất, cũng như bao đồng đội, bác sĩ Lê Thị Vân tham gia xây dựng thành phố. Với cương vị Phó Chủ tịch UBND TPHCM, bà đã tận tụy cống hiến tâm lực, trí lực để phụng sự nhân dân, phụng sự đất nước. Về hưu, bà lại canh cánh nghĩ về đồng đội, đồng bào nên lao vào công tác từ thiện, xã hội để phần nào chia sẻ khó khăn với những hoàn cảnh còn nghèo khó.

“Người Sài Gòn - TPHCM trọng nghĩa tình, nặng lòng với người nghèo, mà người nghèo khó còn nhiều quá, ở vùng chiến trường xưa, vùng biên giới, nông thôn càng nhiều hơn”, má Sáu bồi hồi.

Má nhớ lại, năm 2004, Chi hội Thiện Nhân được thành lập và má được anh em tín nhiệm bầu làm chủ tịch chi hội. Trong ngày ra mắt, chi hội đã quyên góp được 800 triệu đồng. Đây là một con số không nhỏ vào thời điểm bấy giờ. Tiếp đến, trong năm đầu tiên, chi hội kêu gọi đóng góp được 2,7 tỷ đồng, trong số đó có nhiều đóng góp của hội viên. Từ nguồn kinh phí này, chi hội thực hiện các chương trình tài trợ xóa đục thủy tinh thể cho 1.420 người, trao 22 xe lăn, 20 máy trợ thính, trao 267 suất học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn…

“Tuổi đã ngoài 80, sức khỏe có giảm sút nhưng nói chung vẫn còn ổn. Mỗi khi chân còn đi lại được, tôi vẫn tiếp tục đi vận động quyên góp, trao quà hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo”, má Sáu bộc bạch.

Trong buổi phát động quyên góp ủng hộ quỹ của Chi hội Thiện Nhân mới đây, nghệ sĩ Lý Hùng xúc động: “Cha tôi, NSND Lý Huỳnh đã đồng hành cùng bác sĩ Lê Thị Vân từ ngày đầu thành lập chi hội. Trước khi ra đi, ông dặn dò con cháu phải chung sức, chung lòng cùng bác sĩ Lê Thị Vân và Chi hội Thiện Nhân”. Trên thực tế, không riêng gia đình nghệ sĩ Lý Hùng mà nhiều gia đình, nhà hảo tâm gần 20 năm qua đã đồng hành cùng Chi hội Thiện Nhân bằng tấm lòng, sự sẻ chia dành cho người hội trưởng “má Sáu”.

Không chỉ tổ chức vận động, quyên góp hàng trăm tỷ đồng, hỗ trợ giúp đỡ cho hàng ngàn người nghèo khó gần 20 năm qua, Chi hội Thiện Nhân còn xây dựng được tập thể hội viên hết lòng vì người dân. Những thành tích, đóng góp trong hoạt động xã hội, từ thiện của Chi hội Thiện Nhân đã được Nhà nước và xã hội ghi nhận, đánh giá cao. Không chỉ tập thể mà nhiều lãnh đạo, hội viên chi hội và những người đồng hành cùng chi hội đã vinh dự được Nhà nước trao tặng phần thưởng cao quý. Trong đó Chủ tịch nước đã trao tặng Huân chương Lao động hạng nhì, Huân chương Lao động hạng ba cho tập thể Chi hội Thiện Nhân và nhiều cá nhân là hội viên, nhà hảo tâm đồng hành cùng chi hội.

Những dấu chân không mỏi

Gần 20 năm, dấu chân của những hội viên Chi hội Thiện Nhân, các mạnh thường quân, nhà hảo tâm vẫn miệt mài đến với người nghèo, gia đình gặp hoàn cảnh éo le, len lỏi trong các con hẻm nhỏ ở TPHCM hay tìm đến đồng bào ở chiến khu xưa, vùng biên giới. Mỗi khi thiên tai, bão lụt ở miền Tây, miền Trung, Tây Nguyên hay các tỉnh biên giới phía Bắc, những đoàn xe của Chi hội Thiện Nhân lại có mặt cứu trợ.

Những ngày tháng 5 này, hội viên Chi hội Thiện Nhân đang căng mình chuẩn bị lo kinh phí, nhà thầu để kịp trao 10 căn nhà tình nghĩa cho bà con nghèo ở tỉnh Sóc Trăng. Bà Nguyễn Thị Kim Hải, một hội viên tích cực, cho biết, món quà gửi đến bà con là những căn nhà có giá trị hàng chục triệu đồng hay phần quà nhỏ đều chan chứa tình cảm sâu nặng. Hội viên Chi hội Thiện Nhân không chỉ làm việc thiện, giúp đỡ người nghèo khó, mà còn trách nhiệm làm “sứ giả” mang tình cảm của người dân TPHCM đến với đồng bào cả nước.

Điển hình như trận bão lũ lịch sử cuối năm 2020 đổ xuống dải đất miền Trung, trong đó người dân ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam bị thiệt hại rất nặng nề. Mặc dù lúc đó nước lũ còn cao, nhưng nóng lòng cứu trợ đồng bào, hội viên Chi hội Thiện Nhân vẫn quyết lên đường, kịp thời có mặt tại 4 xã Bình Định Bắc, Bình Định Nam, Bình Lãnh và Bình Trị (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) để trao những phần quà của người dân TPHCM đến với bà con đang gặp hoạn nạn. Hay như khi tận tay trao tặng bò cho người dân, những hội viên Chi hội Thiện Nhân còn nhớ như in những giọt nước mắt khi nói lời cảm ơn của người dân các xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch và thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) khi nhận được món quà sinh kế…

Với tuổi đời gần 20 năm, Chi hội Thiện Nhân đã kêu gọi, quyên góp ủng hộ nhiều tỷ đồng và hiện vật. Những đồng tiền mang nặng tình nghĩa đã được chi hội sử dụng vào các chương trình xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, mổ đục thủy tinh thể, mổ tim, trao học bổng cho học sinh nghèo hiếu học, cứu trợ bão lũ... Nhờ đó mà hàng triệu người nghèo, hộ gia đình khó khăn trên cả nước đã được sẻ chia, vượt qua nghịch cảnh.

Ông Bùi Mạnh Hưng, Phó Chủ tịch Chi hội Thiện Nhân, cho biết, mấy năm qua, thành phố gặp nhiều khó khăn vì phải “gồng mình” để phòng chống dịch Covid-19, nhưng hội viên và nhà hảo tâm vẫn nhiệt tình đóng góp để giúp đỡ người nghèo, gia đình khó khăn. Năm 2020, chi hội quyên góp được 25,5 tỷ đồng; năm 2021 đã vận động được 17 tỷ đồng và kế hoạch dự kiến năm 2022 sẽ vận động 20 tỷ đồng.

Cuộc thi phóng sự - ký sự báo chí Người tốt - Việc tốt lần 2, năm 2020-2021 được Báo Sài Gòn Giải Phóng phát động từ ngày 19-6-2020. Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp từ giữa năm 2021 đến đầu năm 2022, ban tổ chức quyết định kéo dài thời gian cuộc thi và lễ trao giải sẽ diễn ra vào dịp kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2022). Rất mong nhận được sự thông cảm của các tác giả và bạn đọc.

Ban tổ chức tiếp tục đón nhận tác phẩm dự thi đến hết ngày 31-5-2022. Bài dự thi xin gửi về địa chỉ: Tòa soạn Báo Sài Gòn Giải Phóng, số 432 - 434 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TPHCM hoặc email: nguoitotviectot@sggp.org.vn

Tin cùng chuyên mục