Sứ giả hòa bình ở châu Phi

Sứ giả hòa bình ở châu Phi

Một ngày giữa tháng 10-2022, ông Apach Deng Biong, Thị trưởng thị trấn Abyei (khu vực đang có tranh chấp giữa Sudan và Nam Sudan) cùng nhiều người dân thức dậy từ rất sớm để đón một đoàn khách đặc biệt đến từ Việt Nam. Mới già nửa năm trước từ khi đội Công binh số 1 của Việt Nam đến nơi này, thị trấn Abyei đã có nhiều thay đổi tích cực. Những con đường lầy lội được sửa chữa, khu dân cư vốn nằm ở khu vực trũng nhất vùng, ngập trong nước từ nhiều tháng qua đã có hệ thống thoát nước do bộ đội Việt Nam thi công. Bọn trẻ chăm đến lớp hơn bởi đường đến trường không còn ngập nữa. Bộ đội Việt Nam cũng đã dựng thêm một phòng học mới cho bọn trẻ. Rất nhiều bàn học được đóng bằng gỗ tận dụng từ những thùng hàng cũ… Và, còn nhiều điều nữa về bộ đội Việt Nam mà ông Apach Deng Biong cũng như người dân ở đây mỗi lần nhắc đến đều không giấu được xúc động.

Vì thế, khi nghe tin có đoàn lãnh đạo của đội công binh từ Việt Nam sang, Thị trưởng thị trấn Abyei rất háo hức. Một con bò, cả một gia sản lớn đối với người dân nơi đây - được dành tặng những người lính đến từ Việt Nam. Xúc động trao món quà quý tới Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoàng Xuân Chiến, ông Apach Deng Biong bày tỏ: “Nếu không có đội công binh của Việt Nam thì toàn bộ khu vực bị lụt lội này xe cộ không thể di chuyển được. Nếu bộ đội Việt Nam ở đây được 5 hay 10 năm thì tốt quá!”. Không chỉ người lớn mà những đứa trẻ ở đây cũng cảm nhận được sự thân thuộc của hai tiếng Việt Nam từ khi có những người lính thuộc Lực lượng GGHB Việt Nam xuất hiện. Các bé ở lớp học có thêm sách vở, trường có thêm cây xanh và có cả những người thầy khoác áo lính.

Trung tá Nguyễn Quang Tuyển, Chính trị viên Đội Công binh, chia sẻ, lúc đầu mọi người e dè và cảnh giác lắm. Thậm chí, khi Đội Công binh dự định giúp họ đào một hệ thống thoát nước chống ngập ở khu dân cư, nhiều người đã ngăn cản. Sau này khi đã hiểu nhau hơn, chính những người từng ra chặn xe chở đất làm cống khi ấy tâm sự rằng, họ chưa bao giờ nghĩ tới việc có người lính nước ngoài nào lại sẵn sàng giúp đỡ họ không vụ lợi như thế. Và rồi không chỉ làm cống chống ngập, đắp đường, xây lớp học, cấp phát thuốc mà chính những người lính ấy còn đứng lớp dạy cho bọn trẻ cái chữ để mở mang đầu óc, thoát nghèo…

Khi nói về những người lính công binh ở Abyei, Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng GGHB, không giấu được sự tự hào: Với khối lượng công việc khó, đòi hỏi trình độ chuyên môn cao tại phái bộ UNISFA như làm đường, sân bay, doanh trại hay hỗ trợ xây dựng lán trại, trường học... đều được lực lượng công binh Việt Nam đảm nhận một cách rất trọn vẹn. Cùng với nhiều lực lượng GGHB được cử đi trước đó, những người lính công binh ở Abyei đã đem lại một diện mạo mới ở phái bộ; nhận được sự tin yêu của người dân, chính quyền địa phương.

Sau gần một năm, mỗi lần bộ đội công binh Việt Nam xuất hiện đều nhận được sự chào đón hồ hởi của người dân. Xin chào, Xin chào Việt Nam! Lời chào bằng tiếng Việt tuy có chút ngọng nghịu của người dân Abyei là món quà từ trái tim, từ trái ngọt được gieo trồng bởi những việc làm từ trái tim của Lực lượng GGHB Việt Nam.

Trong mùa mưa tháng 8 đến tháng 10-2022, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 của Việt Nam (BVDC2.4) đã tiếp nhận và điều trị hơn 50 bệnh nhân sốt rét đến từ các đơn vị và nhân viên Liên hiệp quốc tại địa bàn đóng quân. Cùng với cuộc chiến với bệnh sốt rét đang diễn biến phức tạp, các bác sĩ của BVDC2.4 còn phải đối mặt với nhiều ca bệnh phức tạp. Với cơ sở vật chất thiếu thốn, điều kiện dã chiến khó khăn thì các kinh nghiệm phòng chống bệnh dịch, tai nạn luôn được ưu tiên bởi đây là cách phòng chống bệnh từ sớm, từ xa. Trung tá Phạm Tân Phong, Chỉ huy trưởng Lực lượng GGHB Việt Nam tại Nam Sudan, cho biết, BVDC2.4 đã triển khai hàng loạt buổi tập huấn cho các bệnh viện tuyến đầu với chủ đề về chẩn đoán và điều trị nhồi máu cơ tim cấp; bệnh đậu mùa khỉ; cấp cứu, xử lý khi rắn độc cắn… Ngoài nhiệm vụ chính là khám chữa bệnh, các bác sĩ Việt Nam còn thường xuyên tổ chức hoạt động tặng thuốc, tặng nhu yếu phẩm cho người nghèo và trẻ nhỏ. Hình ảnh bác sĩ mũ nồi xanh Việt Nam ở căn cứ Bentiu (Nam Sudan) cứ thế trở nên gần gũi, thân thuộc với người dân nơi đây.

“Cũng như các bệnh viện dã chiến của Việt Nam được triển khai trước đó, mỗi lần thấy bộ đội Việt Nam đi qua, người dân bản địa đều dành cho chúng tôi những lời chào thân thiện, những cái vẫy tay nồng hậu. Đó vừa là niềm vui, vừa là động lực để chúng tôi làm việc mỗi ngày”, Trung tá Hằng Nga, Phó Giám đốc BVDC2.4, tâm sự. Đó cũng chính là một trong những động lực để biến dự án vườn thuốc nam trên đất Nam Sudan trở thành hiện thực. Lần đầu tiên một vườn cây thuốc nam quý đã được BVDC2.4 xây dựng với mong muốn lan tỏa y học cổ truyền Việt Nam tại nơi xa xôi này. Đất đai cằn cỗi tưởng chỉ có những cây bụi gai không lá và cỏ dại mới có thể tồn tại dưới cái nắng gay gắt tới 40oC, song nhờ sự tận tâm, tận lực của các y bác sĩ, nhân viên của bệnh viện, vườn thuốc nam đã bén rễ ở nơi này. Khó có thể tưởng tượng một nơi tưởng chừng chỉ có đất cằn và cây bụi này lại có thể biến thành ốc đảo xanh mướt, một địa chỉ gieo mầm của niềm tin và hy vọng về cuộc sống tốt đẹp hơn ở Nam Sudan…

Đội Công binh số 1 của Việt Nam tại phái bộ Abyei đã góp phần làm đổi thay cuộc sống của người dân nghèo khó nơi này

Đội Công binh số 1 của Việt Nam tại phái bộ Abyei đã góp phần làm đổi thay cuộc sống của người dân nghèo khó nơi này

Tổng Thư ký Liên hiệp quốc ANTÓNIO GUTERRES: Hoạt động của Liên hiệp quốc từ ngày thành lập đến nay vẫn nhằm xây dựng lòng tin với người dân bản xứ. Các sĩ quan, quân nhân Việt Nam tham gia Lực lượng GGHB đã làm rất tốt việc này.

Thiếu tướng HOÀNG KIM PHỤNG: “Đến nơi khó khăn, nghèo đói để giúp đỡ những người yếu thế, góp phần đem lại cuộc sống bình yên, tốt đẹp hơn cho người dân vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm lớn lao và điều này khiến chúng tôi - những người lính mũ nồi xanh Việt Nam cảm thấy mình thật giàu có!”.

Tin cùng chuyên mục