
Khi những tia nắng đầu ngày bắt đầu nhuộm vàng phố xá, nhìn từ không trung, những cây cầu như sợi tơ óng ánh vắt ngang sông Sài Gòn - nơi chứng kiến và lưu dấu biết bao đổi dời, của những cuộc gặp gỡ, người lưu dân đến nơi đất lành gầy dựng cơ nghiệp…
Mỗi nhịp cầu như khúc nhạc thầm thì giữa lòng đô thị, là sự kết nối về không gian, thuận tiện cho người dân đi lại, doanh nghiệp giao thương, thành phố phát triển...


Cầu Sài Gòn được khởi công từ tháng 11-1958 và khánh thành vào tháng 6-1961. Cầu dài 986,12m, gồm 32 nhịp; được nâng cấp vào các năm 1995, 1996 và 1998 để đáp ứng nhu cầu giao thông của thành phố.


Ngày 5-10-2013, TPHCM chính thức đưa vào sử dụng cầu Sài Gòn 2, nằm bên cạnh cầu Sài Gòn hiện hữu, giúp mở “nút thắt” lớn nhất tại cửa ngõ phía Đông của thành phố.


Cầu Thủ Thiêm 1 có chiều dài 1,2km, 5 nhịp cầu và 6 làn xe, là một trong những dự án quan trọng của TPHCM giúp kết nối trung tâm thành phố với Khu đô thị Thủ Thiêm. Cầu được đưa vào khai thác năm 2008, có tổng mức đầu tư 1.473 tỷ đồng.



Chiều 2-9-2009, cầu dây văng Phú Mỹ nối quận 2 (nay là TP Thủ Đức) và quận 7 chính thức khánh thành, vượt tiến độ 4 tháng. Cầu có tổng chiều dài toàn tuyến gần 10km, trong đó phần cầu dài 2,5km, riêng phần dây văng dài 705m, và 1.331m nhịp dẫn. Chiều rộng mặt cầu là 27,5m, với 6 làn xe, tổng mức đầu tư 2.510 tỷ đồng. Đây là cây cầu dây văng đầu tiên ở TPHCM và thuộc loại cầu dây văng có quy mô lớn nhất cả nước thời điểm đó.

Cầu Phú Mỹ góp phần hoàn thiện hệ thống đường vành đai và tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội phía Đông và phía Nam thành phố; kết nối với các tuyến đường trục chính đô thị như đường Vành đai số 2, Liên tỉnh lộ 25B. Cầu Phú Mỹ trở thành yếu tố quan trọng để xây dựng hành lang lưu thông mới của trục vận tải miền Bắc, miền Trung đi về Đồng bằng sông Cửu Long.



Hầm vượt sông Sài Gòn (hầm Thủ Thiêm) giúp rút ngắn thời gian đi lại từ phía Đông sang phía Tây thành phố, giảm ách tắc giao thông qua khu vực trung tâm, cải tạo cảnh quan môi trường dọc kênh Tàu Hủ - Bến Nghé (phía Bắc) và phát triển Khu đô thị Thủ Thiêm.

Hầm vượt sông Sài Gòn khánh thành ngày 20-11-2011, với vốn đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng, là hạng mục quan trọng nhất của dự án Đại lộ Đông Tây (dài 22km, tổng vốn đầu tư 9.800 tỷ đồng). Hầm gồm 2 đường dẫn và đoạn ngầm dưới lòng đất vượt sông Sài Gòn dài 370m; với 4 đốt hầm, mỗi đốt rộng xấp xỉ 33m, cao 9m, dài 92m, nặng khoảng 27.000 tấn. Hầm cho phép lưu thông 2 chiều, mỗi chiều 3 làn xe và hành lang thoát hiểm.

Đây là hầm chui vượt sông lớn nhất Đông Nam Á và đầu tiên tại Việt Nam, có 4 đốt dìm dưới độ sâu gần 14m so với mặt sông, bề dày thành hầm hơn 1,2m được cấu tạo bởi bê tông cốt thép chống thấm có tuổi thọ 100 năm. Vận tốc lưu thông tối đa 60km/giờ.
Theo Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị TPHCM, vào thời điểm giữa năm 2023, mỗi ngày vào giờ cao điểm sáng, chiều có khoảng 46.000 lượt xe máy ra vào 2 đầu hầm.

Sau 7 năm thi công, ngày 14-6-2023, cầu Thủ Thiêm 2 bắc qua sông Sài Gòn, nối quận 1 với TP Thủ Đức chính thức có tên mới là cầu Ba Son.

Cầu Ba Son được khởi công vào tháng 2-2015 và thông xe đúng dịp 30-4-2022, với tổng vốn đầu tư 3.082 tỷ đồng - kinh phí lớn nhất trong các cây cầu ở TPHCM từ trước đến nay. Cầu có tổng chiều dài 1.465m, quy mô 6 làn xe. Cầu được thiết kế 56 dây văng hiện đại làm toát lên nét sang trọng và quý phái. Đặc biệt, khi màn đêm buông xuống, cầu Ba Son như khoác lên mình "tấm áo” sắc màu rực rỡ với hệ thống chiếu sáng được lắp đặt vào cuối năm 2024.

Trong những ngày tháng Tư lịch sử, TPHCM rộn ràng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cầu Ba Son trở thành tâm điểm chú ý với những khung hình "tuyệt đối điện ảnh" khi quốc kỳ và cờ Đảng tung bay phấp phới trên bầu trời.


Chiều 26-4-2025, TPHCM đã công bố danh sách 50 công trình tiêu biểu, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong đó có hệ thống các cầu lớn vượt sông Sài Gòn, gồm: cầu Sài Gòn 2, cầu Phú Mỹ, cầu Thủ Thiêm và cầu Ba Son. Đây không chỉ là các công trình giao thông kết nối đôi bờ, mà còn là biểu tượng cho sức sống mãnh liệt và sự phát triển không ngừng của đô thị đầu tàu TPHCM, luôn năng động vươn mình cùng đất nước tiến vào kỷ nguyên phát triển và thịnh vượng.
