Sự im lặng chết người

Trong đời sống hôn nhân, nhiều người vợ (hoặc chồng) đôi khi nghĩ rằng “im lặng là vàng”. Họ cho rằng, im lặng là cách tốt nhất để làm giảm sự căng thẳng leo thang giữa vợ chồng, mặt khác tránh được sự chú ý của hàng xóm xung quanh. 
Chính vì thế, khi xảy ra chuyện hục hặc, người vợ (hoặc chồng) thay vì lên tiếng tranh luận, bảo vệ quan điểm của mình thì lại chọn phương án vô cùng nguy hiểm: im lặng! Đó là điều hoàn toàn sai lầm.
Im lặng vì chịu đựng
Chị Thùy Trang nhà ở xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TPHCM, vốn là người có tính ít nói, nhu mì, luôn chịu đựng. Bởi do tính kiệm lời mà trong những lần vợ chồng bất hòa, chị đều là người thiệt thòi.
Chị là người nội trợ, quanh quẩn ở nhà nên những lúc buồn tẻ, chị luôn tay dọn dẹp. Có lần, thấy phòng làm việc của chồng ngổn ngang giấy tờ, chị tỉ mỉ sắp xếp lại và đặt lên kệ ngay ngắn. Ấy thế mà khi anh chồng về nhà, nhìn thấy giấy tờ ngăn nắp liền nổi giận: “Giấy tờ tôi làm tôi biết, em không hiểu gì thì đừng có đụng đến. Giờ làm sao tôi tìm ra bản báo cáo để ngày mai nộp cho sếp đây?”.
Sự im lặng chết người ảnh 1 Khi im lặng không phải là vàng (ảnh minh họa)
Đúng là chị Trang đã sai, đôi khi đối với mình vô trật tự nhưng đối với người khác lại có trật tự theo cách lộn xộn. Nghĩa là, họ để đâu thì tự họ biết, mình sắp xếp ngay ngắn càng làm họ rối tung thêm. Nghĩ vậy nên chị Trang không nói gì, lặng lẽ đi tìm giúp chồng. Nhưng khi chị làm, anh xua chị đi chỗ khác. Chị lặng lẽ vào bếp, anh chồng thấy vợ im lặng thì càng bực tức hơn. Tìm mãi không được, anh đi xuống nhà bếp tiếp tục lớn tiếng: “Em đang xem thường, khinh bỉ tôi”. Sau đó là tiếng “xoảng” của bộ ly, chồng chén. Bây giờ chị mới chịu lên tiếng: “Anh có giận em thì cứ chửi em, đừng đập bể đồ đạc như vậy”. “Chửi này…”, lại một mớ đĩa biến thành mảnh vụn. Anh dắt xe ra khỏi nhà...
Hiểu rõ chồng nóng tính nhưng chị Trang lại không biết xoa dịu bằng câu nói xin lỗi. Thay vì tỏ thái độ im lặng, chị nên mở miệng giải thích lý do đây chỉ là sự cố chứ chị không phải cố tình làm thế có lẽ sẽ tốt hơn.
Im lặng vì sĩ diện
Ở cái khu phố này, ai cũng xem vợ chồng anh Minh - chị Giàu (quận Bình Tân, TPHCM) là một cặp uyên ương hiếm có. Những hộ gia đình nơi đây thỉnh thoảng hay xảy ra xích mích, nhưng nhà anh Minh thì chưa bao giờ có chuyện đó. “Họ sống rất chuẩn mực, hạnh phúc, nhường nhịn nhau”, theo những người hàng xóm nhận xét. Thậm chí nhiều lần trưởng công an khu phố còn khen rằng, họ là đôi vợ chồng tuyệt vời nhất nơi đây. Thế nhưng, bên trong sự việc không phải như thế.
Anh Minh vốn là người tính khí như Trương Phi, tuy tâm rất lành, nhưng hễ đụng chuyện gì bực mình là anh cáu gắt ầm ĩ. Biết được nhược điểm của chồng, nên chị Giàu thường cố nhẫn nhịn bằng sự im lặng. Cứ  mỗi lần có sự bực mình, anh Minh làm ầm lên là chị vội vàng đóng cửa và im lặng ngồi chịu trận. Anh Minh quát tháo vợ một lát thì dịu giọng, rồi đâu vào đấy. 
Chị Giàu vốn là giảng viên đại học, phải dạy ba buổi/ngày nên đôi khi công việc nhà chểnh mảng. Người giúp việc có, nhưng anh Minh lại cần đôi tay của vợ. Nên gặp chuyện kinh doanh ở công ty trục trặc mà về nhà lại thấy bữa cơm nhạt nhẽo không do vợ nấu là anh nổi đóa. Khổ nổi, chị Giàu đã quen với sự im lặng nên không bao giờ tỏ bày cho chồng hiểu sự khó khăn của mình để lo thêm kinh tế gia đình. Hai vợ chồng cũng chưa một lần ngồi lại tranh luận để cảm thông và chia sẻ. Chính vì thế sự mâu thuẫn ngầm ngày càng gay gắt.
Một tuần trước, anh Minh có nhắc với vợ là thứ  bảy này phải đi đám cưới cùng anh. Chị Giàu gật đầu đồng ý mà quên mất tối thứ bảy có tiết ở lớp tại chức (thời khóa biểu vừa thay đổi). Vốn là người sống nguyên tắc nên chị Giàu xin lỗi chồng không đi ăn cưới được. Tuy nhiên, mọi việc không đơn thuần như chị nghĩ, bởi anh muốn giới thiệu cô vợ giảng viên đại học của mình với bạn cũ. Giờ mọi dự tính bị sụp đổ nên anh Minh giận dữ. Máu Trương Phi nổi lên, anh Minh đá vỡ tủ kính và chiếc tivi siêu phẳng vừa tậu về hơn một tuần. Xót của, lại thấy chồng không tôn trọng mình, sự mạnh mẽ của người phụ nữ trong chị trỗi dậy. Chị chống nạnh đôi co với chồng. Lần đầu tiên hàng xóm chứng kiến vợ chồng chị cãi nhau, giờ mọi người mới vỡ lẽ!
Đừng nên im lặng. Im lặng như một dấu hiệu ngầm thông báo người vợ (hoặc chồng) đang coi thường người phối ngẫu, hơn là khái niệm chịu đựng, nhẫn nhịn hoặc cho qua. Mỗi cá nhân đều có cách suy nghĩ khác nhau. Cho nên, thay vì im lặng, bạn hãy mạnh dạn tranh luận, như là cách xóa tan không khí ảm đạm trong nhà, mặt khác chứng tỏ cho người phối ngẫu biết bạn cũng có lắng nghe.
Hãy nhớ rằng, tranh luận không có nghĩa là cãi vã, chỉ trích nhau thậm tệ, mà phải ngồi lại với nhau với những chứng cứ thuyết phục một cách nhẹ nhàng để đưa ra tiếng nói chung. Chỉ có tranh luận mới giúp cuộc hôn nhân thêm mới mẻ, hấp dẫn khiến cho chồng (hoặc vợ) đều cảm thấy tổ ấm của mình là chỗ dựa tinh thần thực sự.

Tin cùng chuyên mục