Sự kiện 60 TNXP hy sinh tại TP Thái Nguyên năm 1972: Sống lại một huyền thoại

Sự kiện 60 TNXP hy sinh tại TP Thái Nguyên năm 1972: Sống lại một huyền thoại

Chỉ vài giờ trước lễ Noel năm 1972, sự kiện 60 TNXP Bắc Thái hy sinh vì trúng bom đế quốc Mỹ khi đang làm nhiệm vụ giải tỏa hàng quân sự tại ga Lưu Xá đã gây chấn động thành phố Thái Nguyên. Hơn 35 năm trôi qua, với rất nhiều lý do và có cả những nỗi oan lịch sử, đã khiến cho sự kiện bi tráng ấy có lúc bị lãng quên, có khi chỉ còn nhuốm màu huyền thoại. Cho đến dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Thương binh - liệt sĩ, khi Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đến thắp hương tưởng nhớ các liệt sĩ TNXP tại chính nơi các anh, các chị đã ngã xuống thì huyền thoại ấy mới dần sống lại...

Cách nay tròn một năm, trong dịp trở lại mảnh đất chiến khu Thái Nguyên - nơi ra đời Ngày Thương binh - liệt sĩ toàn quốc (27-7-1947 - 27-7-2007), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã đến thăm một di tích hết sức đặc biệt. Đó là một nhà bia nhỏ ở phía Nam thành phố, nơi tưởng niệm 60 liệt sĩ TNXP hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Di tích được xây dựng năm 1996 bằng tiền quyên góp của đoàn viên, thanh niên và nhân dân địa phương.

Cho đến ngày Chủ tịch nước viếng thăm thì đây vẫn là một điểm di tích ít được biết đến, và càng chưa có nhiều người biết về câu chuyện lịch sử cảm động chứa đựng trong đó. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã bày tỏ niềm xúc động sâu sắc trước sự hy sinh anh dũng của 60 TNXP đang trong độ tuổi mười chín, đôi mươi. Ông lưu ý lãnh đạo địa phương cần làm thủ tục đề nghị khen thưởng xứng đáng những TNXP đã cống hiến tuổi thanh xuân cho độc lập, tự do của Tổ quốc.

Khúc tráng ca lặng lẽ

Sự kiện 60 TNXP hy sinh tại TP Thái Nguyên năm 1972: Sống lại một huyền thoại ảnh 1

Người dân đến thắp hương tại di tích tưởng niệm 60 TNXP hy sinh.

Đội 91 TNXP Bắc Thái gồm các đại đội 911, 912, 913, 914 và 915, biên chế 3.000 đội viên được thành lập tháng 1-1966 với nhiệm vụ bảo đảm giao thông vận tải, phục vụ chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Trong gần 10 năm từ ngày thành lập cho đến khi đất nước thống nhất, hoàn thành nhiệm vụ, Đội 91 TNXP luôn là điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua của tỉnh Bắc Thái, được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba và hai bằng khen của Chính phủ.

Đại đội 915 là đơn vị trẻ nhất, được thành lập tháng 6-1972, biên chế 102 cán bộ đội viên, do Đại đội trưởng Triệu Đức Việt chỉ huy. Chỉ trong vòng gần 6 tháng sau khi thành lập, đại đội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm giao thông ở các trọng điểm giao thông thường xuyên bị máy bay Mỹ ném bom bắn phá như tuyến đường lB Lạng Sơn - Thái Nguyên, đường 16A trên tuyến Lạng Sơn - Bắc Giang; cầu Đa Phúc, cầu Gia Bảy, cầu Trà Vường, ngầm Sơn Cẩm, phà Bến Oánh...

Những tháng cuối năm 1972, đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc. Cảng Hải Phòng bị địch phong tỏa, các kho trung chuyển hàng hóa trên tuyến giao thông từ Lạng Sơn về Hà Nội bị máy bay Mỹ đánh phá hết sức ác liệt. Tuyến Lạng Sơn - Thái Nguyên - Hà Nội đã trở thành tuyến giao thông huyết mạch trung chuyển hàng hóa viện trợ của các nước bạn tiếp tế cho mặt trận miền Nam đánh Mỹ.

Ga Lưu Xá (TP Thái Nguyên) và ga Tu Đồn (Lạng Sơn) đã trở thành hai cảng nổi của miền Bắc, hàng ngày tiếp nhận hàng ngàn tấn lương thực gửi vào tiền tuyến. Từ ngày 18 đến 30-12-1972, đế quốc Mỹ mở một cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B52 bắn phá thủ đô Hà Nội, TP Hải Phòng, TP Thái Nguyên và một số tỉnh, thành phố khác tại miền Bắc.

Khi đó, tại ga Lưu Xá còn tồn đọng tới gần 20.000 tấn lương thực và hàng hóa các loại. Nhiệm vụ cấp bách của quân và dân Thái Nguyên là nhanh chóng giải tỏa hàng quân sự, chi viện cho chiến trường. Chiều 23-12-1972, Ủy ban hành chính tỉnh đã giao nhiệm vụ cho Đội 91 TNXP cử cán bộ, đội viên tham gia giải tỏa lương thực tại ga Lưu Xá. Biết rõ đây là địa bàn trọng điểm đánh phá của máy bay địch, rất có thể sẽ bị hy sinh, nhưng 66 đội viên Đại đội 915 vẫn hăng hái xung phong nhận nhiệm vụ, vượt quân số được giao.

Đại đội 915 với quá 3/4 đội viên nữ ở lứa tuổi 15-18 đã thực sự có một ngày lao động cật lực, vật lộn với những bao gạo, bao ngô nặng 50-100kg. 19 giờ, thời điểm theo kế hoạch phải rút quân về địa điểm tập kết tại Trường ĐH Cơ điện đã không thực hiện được. Mệnh lệnh chiến trường đã không cho phép họ dừng lại vì hàng hóa phải bốc dỡ còn quá nhiều.

Đội phó Nguyễn Thế Cường quyết định chỉ huy đơn vị di chuyển đến hầm trú ẩn của khu nhà trẻ ga Lưu Xá gần đó chuẩn bị ăn tối rồi tiếp tục làm việc. Nhưng khi cô cấp dưỡng Phùng Thị Tấm vừa đặt gánh cơm đầu tiên xuống cửa hầm thì cũng là lúc loạt bom B52 rải thảm đánh trúng vị trí hầm trú ẩn. 60 cán bộ đội viên TNXP đã anh dũng hy sinh. Chỉ còn 7 đội viên trú tại một ngách giao thông hào may mắn sống sót. Họ chính là những nhân chứng quý giá của một khúc tráng ca anh hùng.

Những nỗi đau lịch sử

Ông Nghiêm Xuân Đạo, nguyên Đội trưởng Đội 91 TNXP Bắc Thái, nay nghỉ hưu tại thị trấn Bãi Bông, huyện Phổ Yên (tỉnh Thái Nguyên) là một nhân chứng lịch sử quan trọng và là người có vai trò khá đặc biệt trong sự kiện ngày 24-12-1972. Chính ông Đạo là người đầu tiên nhận được tin dữ và đã tự lái xe đi tìm đồng đội dưới những trận bom cuối cùng của giặc Mỹ trước giờ Noel năm 1972. Hình ảnh đau thương ông phải chứng kiến đêm ấy là 60 chiến sĩ TNXP không còn nguyên vẹn hình hài.

Đội phó Nguyễn Thế Cường, người trực tiếp chỉ huy trận đánh, cũng chỉ còn được nhận dạng qua một chiếc chân đi giày da do Liên Xô sản xuất. Trước mất mát quá lớn, trách nhiệm quá lớn, ngày ấy đã có hàng loạt câu hỏi được đặt ra: Ai cho phép Đại đội 915 làm việc sau 19 giờ? Tại sao không di chuyển đội hình về nơi trú ẩn đã quy định? Ai phải chịu trách nhiệm về sự hy sinh to lớn này? Và những câu hỏi đã không được giải đáp kịp thời, sự hy sinh của 60 liệt sĩ TNXP Bắc Thái ngày ấy đã không được tôn vinh xứng đáng.

Và cũng vì vậy mà trong nỗi đau chung, còn có những nỗi đau riêng. Bà Thái Thị Vĩnh, vợ Đội phó Nguyễn Thế Cường đã hơn 35 năm rồi vẫn chưa thể nguôi ngoai nỗi đau. Chồng bà, người đội phó được các đội viên TNXP rất tin tưởng nể phục, người trước khi đi làm nhiệm vụ đã gửi lại cho bà một chiếc đài bán dẫn và một chiếc xe đạp với lời nhắn “có thể sau đợt giải tỏa hàng anh sẽ không trở về”. Ông đã hy sinh trong tâm thế của người lính sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc, vậy mà bao nhiêu năm qua vẫn phải chịu cái án phạt vô hình: không chấp hành mệnh lệnh, tự ý chỉ đạo đội viên làm quá giờ quy định. Trong 60 TNXP hy sinh tại ga Lưu Xá đêm 24-12-1972, ông cũng là người cuối cùng được công nhận liệt sĩ.

Chiến tranh đã lùi xa hơn 3 thập kỷ, cũng là độ lùi cần thiết để có cái nhìn chính xác nhất về lịch sử. Sau một năm hoàn chỉnh tư liệu, hồ sơ đến nay tỉnh Thái Nguyên đã hoàn tất các thủ tục đề nghị Đảng, Nhà nước xét tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho Đội 915 TNXP Bắc Thái. Sự tôn vinh xứng đáng sẽ không chỉ dành riêng cho 60 TNXP đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc, mà đó còn là sự tôn vinh, một bài học lịch sử quý báu dành cho thế hệ trẻ hôm nay. 

NGÔ ĐÌNH

Tin cùng chuyên mục