
Sự kiện Vinamilk lên sàn vừa qua đã làm cho thị trường chứng khoán thêm sôi động. Hàng loạt doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn đang tiến hành cổ phần hóa (CPH), thực hiện bán đấu giá cổ phần trên thị trường chứng khoán cũng góp phần tạo sức sống mới cho thị trường chứng khoán.
- Thêm hàng hóa

Dây chuyền đóng gói sữa đặc ở Công ty Vinamilk.
Ngày khai trương đầu năm (mùng 9 Tết Bính Tuất), đã có 19 loại cổ phiếu tăng giá. Tổng giá trị giao dịch của toàn thị trường đạt mức kỷ lục: hơn 46 tỷ đồng. Trong đó, kết quả giao dịch của cổ phiếu Vinamilk đã đạt hơn 36,6 tỷ đồng, chiếm 80,5% giá trị giao dịch của toàn thị trường.
Có thể nói, từ khi Vinamilk niêm yết trên thị trường chứng khoán đã có tác động rất lớn đến thị trường này, vì vốn của Vinamilk chiếm tỷ lệ gần 50% tổng vốn điều lệ của các doanh nghiệp đã niêm yết.
Vinamilk cũng phải mất khá nhiều thời gian mới có thể tiến hành các thủ tục để CPH. Trước đó, hàng loạt các doanh nghiệp vừa và nhỏ được CPH đã góp phần sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước và đổi mới phương thức hoạt động. Hiệu quả của các doanh nghiệp sau CPH đã tốt hơn, hiệu quả hơn, nhờ cơ chế hoạt động linh hoạt và chủ động và giám sát của các cổ đông.
Tuy nhiên, với Vinamilk dường như các bước để tiến hành CPH dường như thận trọng hơn, do đây là một doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn và đang làm ăn hiệu quả. Và đến khi Vinamilk tham gia niêm yết lên sàn chứng khoán cũng đã làm cho thị trường vốn thêm sôi động vì doanh nghiệp này chiếm nửa tổng số vốn của các doanh nghiệp đã lên sàn.
Những ngày qua, thị trường chứng khoán càng sôi động hơn khi hàng loạt các doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn đang tiến hành CPH, bán đấu giá cổ phần và có khả năng sớm niêm yết trên sàn chứng khoán. Hàng loạt doanh nghiệp dệt lớn của Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cũng đã và đang tiến hành CPH và bán đấu giá cổ phiếu lần đầu phát hành trên thị trường.
Trong năm qua, có 7 doanh nghiệp thực hiện đăng ký phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng và đã có 5 doanh gnhiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký với tổng số cổ phiếu phát hành trên 6 triệu cổ phiếu và tổng mệnh giá 60,3 tỷ đồng. Dược phẩm Imexpharm và gas Petrolimex cũng đang chuẩn bị phát hành lần đầu 2,6 triệu cổ phiếu. Đây là các doanh nghiệp có quy mô lớn và sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao nên đang rất được các nhà đầu tư chứng khoán quan tâm.
Nhiều nhà đầu tư khác cũng rất quan tâm đến cổ phiếu của doanh nghiệp nhà nước tiến hành CPH như giấy Tân Mai, thực phẩm Vifon, một số nhà máy bia của Sabeco… Với quy định mới, các doanh nghiệp sau CPH sẽ tham gia niêm yết trên thị trường chứng khoán góp phần đưa thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động vốn, làm cho thị trường vốn phát triển thêm phong phú.
- Thời của các doanh nghiệp lớn
Thủ tướng Phan Văn Khải trong lần đến thăm Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội nhân dịp đầu năm cũng yêu cầu, cần phải dần dần đưa các tập đoàn, công ty, doanh nghiệp tham gia thị trường chứng khoán để các hoạt động của doanh nghiệp được công khai, minh bạch, hạch toán chính xác.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đặt mục tiêu đưa quy mô thị trường chứng khoán trong năm 2006 tăng gấp 3 lần so với năm 2005 và đến năm 2010 chiếm 10%-15% GDP. Như vậy, không gì có thể làm nên điều thần kỳ bằng việc phát triển hàng hóa cho thị trường chứng khoán phải gắn liền với tiến trình CPH doanh nghiệp. Điều này cũng tương ứng với thực tế là số lượng các doanh nghiệp đang tiến hành CPH hầu hết là doanh nghiệp có quy mô lớn. Đó là các doanh nghiệp Dệt Nha Trang, Thắng Lợi, Thành Công…
Tổng Công ty Bia Rượu và Nước giải khát Sài Gòn cũng đã và đang tiến hành cổ phần hóa một số công ty trực thuộc như Chương Dương, Công ty Dịch vụ thương mại, Sài Gòn-Hà Tĩnh, Sài Gòn-Nghệ An, Sài Gòn-Sóc Trăng; hình thành các công ty cổ phần cho các dự án mới đầu tư như Sài Gòn-Đắc Lắc, Sài Gòn-Bình Định và sẽ CPH Nhà máy Bia Sài Gòn- Củ Chi sau khi hoàn tất đầu tư…
Hầu hết các chương trình CPH này được các nhà đầu tư đặc biệt chú ý do đây là các doanh nghiệp lớn, có sức cạnh tranh cao. Tuy nhiên, một số nhà đầu tư cũng cho biết, với các doanh nghiệp dệt may lớn, họ không chỉ đơn thuần quan tâm bởi sức cạnh tranh của sản phẩm, sản phẩm có thị trường xuất, cổ tức hay thương hiệu doanh nghiệp mà các doanh nghiệp dệt có sức hấp dẫn lớn bởi quỹ đất khá lớn.
Đơn cử như trường hợp Công ty Dệt Thắng Lợi khi bán đấu giá cổ phiếu lần đầu cũng còn nhiều e ngại bởi những thông tin trước đó cho thấy, Dệt Thắng Lợi có quy mô lớn, số lượng lao động nhiều, thời gian qua gặp khó khăn về thị trường nên hàng tồn kho cao, tài chính không lành mạnh… Tuy vậy, một trong những người tham gia mua cổ phần tại đây cho biết, họ quan tâm đến tương lai, tức là mặt bằng của doanh nghiệp này đang quản lý khá hấp dẫn.
Một số doanh nghiệp có quy mô lớn tiến hành CPH cũng đang có những phân vân như đối với Công ty Dệt Thành Công, việc đánh giá giá trị thương hiệu hiện nay cũng có nhiều luồng ý kiến. Thương hiệu Thành Công đã khá nổi tiếng trên thương trường, chiếm một vị trí quan trọng trong ngành dệt may, vì vậy nếu định giá giá trị thương hiệu thì sẽ rất cao.
Tuy nhiên, những người công nhân trong những năm qua đã cùng Thành Công thắt lưng buộc bụng để đầu tư và xây dựng doanh nghiệp sẽ khó mua được cổ phần theo quy định mới là được mua 70% giá trị của giá sau khi bán đấu giá, do không phải công nhân nào cũng có thể mua và gắn bó với doanh nghiệp như mục đích đã đề ra. Tuy nhiên, sự xuất hiện cổ phiếu của các doanh nghiệp có quy mô lớn thật sự đang mang lại những tín hiệu mới cho thị trường chứng khoán Việt Nam.
VĂN MINH HOA