Sự thật về các chương trình quảng cáo du học và định cư

Những con số giật mình!
Sự thật về các chương trình quảng cáo du học và định cư

Gần đây, trên các báo xuất hiện những mẩu quảng cáo sau: “Cơ hội học tập, làm việc và định cư”, “Đảm bảo ra trường có việc làm và được định cư ở nước ngoài”, “Có hợp đồng cam kết 100% học viên ra trường đều có việc làm”, “Thực tập có lương 600 – 800 S$/tháng ngay trong khóa học. Cơ hội làm việc và định cư tại Singapore”. “Đến với chúng tôi, cơ hội học tập, lao động và định cư ở Úc nằm trong tầm tay các bạn”...

Quảng cáo hấp dẫn

Sự thật về các chương trình quảng cáo du học và định cư ảnh 1

Hấp dẫn thế? Vậy học phí ra sao? - nếu bạn hỏi - lập tức nhận được ngay “bài toán” học phí rất bất ngờ: Năm đầu tiên học tại VN (chủ yếu học tiếng Anh): 9.300USD; năm thứ hai học tại Úc: 10.000USD; thực tập có lương: 13 - 17 A$ (đô Úc)/giờ (1 A$ = 0.88USD) = 19.360USD/6 tháng. Như vậy, lấy số tiền kiếm được (từ thực tập có lương), trừ đi tiền học phí tổng cộng 19.300USD, bạn còn “lời” được 60USD!

Vậy nên, các công ty mạnh dạn quảng cáo tiếp: “Với khoảng thời gian 2 năm đến 2 năm rưỡi và chi phí gần như không tốn đồng nào, mà còn được cấp bằng Cao đẳng nâng cao của Úc được quốc tế công nhận. Không những thế, còn có được việc làm tại Úc và các quốc gia khác với mức lương cao, được định cư ở Úc nếu muốn”.

Thực tế

Được học tập, làm việc và nhất là định cư ở nước ngoài một cách công khai, minh bạch chắc chắn là nhu cầu rất lớn đối với nhiều người. Chưa ai thống kê cụ thể, nhưng nếu có, con số sẽ rất bất ngờ. Nhận thấy đây là một phân khúc thị trường “nóng bỏng”, nắm bắt được nhu cầu, tâm lý, nhất là nhắm vào số phụ huynh đang muốn cho con em du học, các doanh nghiệp, trung tâm đào tạo, tư vấn du học đã lập tức nhảy vào quảng cáo, chiêu sinh rầm rộ làm xôn xao dư luận. Vậy, liệu du học có lương thực tập, đảm bảo việc làm, sau đó còn được định cư luôn liệu có dễ? Và du học có đồng nghĩa với được định cư?

Chị Lê Hồng Diễm, Trưởng phòng Marketing Cơ quan Giáo dục Quốc tế - trực thuộc Tổng Lãnh sự quán Úc tại Việt Nam, khẳng định: “Giáo dục là giáo dục, định cư là định cư. Cơ quan Giáo dục Quốc tế Úc chỉ chịu trách nhiệm quảng bá cơ hội học tập cho sinh viên, học sinh VN, còn việc định cư là do Bộ Di trú và Quốc tịch quản lý. Hai lĩnh vực không phải là một và không có mối quan hệ”.

Tuy nhiên, họ cũng cho biết thêm: “Chương trình Di dân có tay nghề hay Nhập cư kỹ năng (Skill Migration) của chính phủ Úc cho phép du học sinh sau khi học nghề ít nhất 2 năm - tuy nhiên, đây chỉ là một trong số những điều kiện - có thể sẽ được xem xét cấp thẻ Thường trú nhân (Permanent Residence - PR)”, và đặc biệt “không đảm bảo 100%, vì còn phụ thuộc vào rất nhiều điều kiện khác” - người đại diện cơ quan GD quốc tế Úc khẳng định.

Cay đắng, gian nan

Thực tế, cơ hội định cư sẽ cao hơn nếu du học sinh học các ngành nghề mà ở Úc thiếu, cần bổ sung nhân lực như Kế toán; Quản lý nhà hàng - khách sạn; Bếp trưởng; Thợ cơ khí; Thợ trát vữa, lợp nhà; Thợ mộc; Thợ nề, Nhân viên bán hàng siêu thị; Nuôi dạy trẻ; Nuôi dạy thú; Điều dưỡng, chăm sóc tại gia; May mặc; Nấu ăn; Làm bánh; Làm tóc...

Ứng viên phải dưới 45 tuổi, có nghề nghiệp và trình độ chuyên môn cao, trình độ tiếng Anh và kinh nghiệm làm việc… Việc làm phải thuộc những ngành nghề “không đủ lao động có tay nghề là công dân Úc, có tên trong danh sách ngành nghề cần nguồn lao động di cư (Migration Occupations in Demand list), và danh sách ngành nghề thiếu lao động có tay nghề của mỗi bang mỗi khác”.

Ngoài ra, người lao động còn phải “được chứng nhận bởi một bên thứ ba có uy tín, rằng ngành nghề này đang thiếu hụt lao động”. Trừ các bang Brisbane, The Gold Coast, Newcastle, Sydney, Wollongong, Melbourn và Perth (những bang có đông người sinh sống), ứng viên phải “sẵn sàng sinh sống ở bất cứ vùng ngoại ô nào ở Úc, phải làm việc ở những vị trí không thể tìm được người Úc nào thay thế”.

Còn nữa, “Hội đồng Chứng nhận sẽ nghiên cứu và quyết định xem vị trí này có thực sự không tìm được người Úc hay không?” (Theo Quy định cấp visa du học nghề và định cư tại Úc). Và họ còn lưu ý “Người học nghề sẽ được nhận lương học việc, nhưng có thể sẽ không đủ để trang trải các chi phí (ăn ở, đi lại, bảo hiểm sức khỏe…)”.

Tất cả các điều kiện kể trên cộng lại sẽ được phía Úc “chấm” một số điểm nhất định. Nếu tổng số điểm đạt được từ 120 trở lên mới được cấp thẻ PR. “Nhiều khi còn cần cả sự may mắn mới có được thẻ” - Thùy My, ngụ Q6, TPHCM, hiện đang du học nghề trang điểm, làm tóc tại Úc, cho biết.

Theo My và một số bạn bè cô: “Việc được phép định cư tại Úc hoàn toàn độc lập với việc có việc làm tại Úc, nhưng ngược lại, khi đã có được việc làm rồi thì khả năng được định cư sẽ cao hơn. Tuy nhiên, được phép định cư và kiếm được việc làm là hai cửa ải rất gian nan, vượt qua được hai cửa ải này cũng giống như vượt qua vũ môn để hóa rồng vậy!”.

NNP. - ngụ Q5, TPHCM hiện du học tại Swinburne – Úc, nói: “Học ở Úc dễ hơn nhiều so với kiếm việc ở Úc. Ước mơ tìm được việc làm của du học sinh sau khi tốt nghiệp chỉ giản dị là kiếm được việc đúng với những gì mình đã học. Nghe đơn giản vậy mà đó lại là nỗi lo lắng, trăn trở, thậm chí “vật vã” với biết bao người. Trên thực tế, nhiều lưu học sinh đã có việc làm, nhưng chưa được phép định cư và ngược lại, có người đã đủ điểm để định cư, nhưng vẫn không tài nào tìm được việc làm đúng chuyên môn, nên đành phải làm bất cứ việc gì y như hồi còn đi học. Và họ chỉ còn cách… học nữa, học mãi để kéo dài thời gian ở lại. Nhưng với những ai giỏi giang hoặc may mắn thì mới kiếm được học bổng học tiếp, bằng không thì phải nhờ bên nhà gửi tiền qua học tự túc. Nếu vẫn không được nữa thì phải… lên đường!”.

Hứa thật nhiều...

Du học Singapore cũng thế, du học sinh cũng sẽ phải chọn một trong số  ngành nghề mà họ đang thiếu nhân lực như Quản lý nhà hàng, khách sạn, bếp ăn, dịch vụ phòng,… tóm lại là các ngành dịch vụ, phục vụ du lịch, vì Singapore còn là điểm đến hàng năm của rất nhiều du khách.

Thực tế, các công ty tư vấn du học vì muốn thu hút thật nhiều phụ huynh, học sinh, nên đã “hứa” thật nhiều, đôi lúc nhiều hơn khả năng của riêng họ. Khi chúng tôi hỏi: Công ty đã thành lập được bao lâu, đã đưa được bao nhiêu du học sinh đi du học nghề, đã có bao nhiêu người sau khi học xong được giới thiệu việc làm ổn định, và nhất là đã bao nhiêu người được định cư?... Hầu hết họ đều rụt rè, bởi công ty hoặc trường của họ chỉ mới mở được từ 6 tháng đến hơn 1 năm.

 Anh D. người đại diện của một công ty tư vấn du học - giới thiệu việc làm và định cư Singapore nói: “Chúng tôi đã đưa được khoảng 200 em đi, và hiện vẫn đang tiếp tục học” (tức chưa có ai ra trường). Chị VA. - thuộc công ty tư vấn du học và định cư Úc thì càng khẽ khàng hơn: “Trường chúng tôi chỉ mới mở được hơn 6 tháng, các em còn đang học Anh văn ở trong nước”.

Bài viết này không nhằm chỉ trích hay lên án các tổ chức, cá nhân hoặc trung tâm tư vấn du học hiện hành nào, mà chỉ nhằm mục đích vạch ra cho quý phụ huynh và học sinh thấy rõ ngọn nguồn, nhằm có sự chọn lựa trước khi quyết định đầu tư tiền của, tình cảm, công sức… cho con em du học.

Du học và việc định cư tại một nước nào đó thực tế không phải “một bước lên thiên đường”, mà còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác. “Đây là cả một cuộc chiến dằng dặc, cam go mà chỉ chính du học sinh mới thấu suốt và cảm nhận được” - như câu cảm thán của Thùy My và các bạn hiện đang vã mồ hôi học và “cày” trên xứ người để có tiền sinh sống, và giành từng điểm một cho chiếc thẻ mơ ước: Thường trú nhân.

SONG PHẠM 

 Du học sinh học nghề tại Úc
Những con số giật mình!

Theo thống kê của Cơ quan chuyên theo dõi, nghiên cứu và phân tích tình hình sinh viên tốt nghiệp tại Úc (Graduate Careers Australia), tỷ lệ thất nghiệp trên toàn nước Úc hiện chỉ khoảng 4%, nhưng đối với những người nhập cư vào Úc theo diện có bằng cấp và tay nghề, mà đa phần là du học sinh sau khi tốt nghiệp và hội đủ điều kiện ở lại thì tỷ lệ này lại là 12%.

Đây phải chăng là một nghịch lý? Bởi chính phủ Úc cho phép những người thuộc dạng này được nhập cư và định cư tại Úc là để giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động trong một số ngành nghề cụ thể. Thế nhưng tỷ lệ thất nghiệp ở những người này lại cao gấp ba lần so với tỷ lệ chung của nước Úc, ít nhiều tạo thêm gánh nặng cho quốc gia này.

Song, vấn đề không chỉ dừng lại ở đấy. Một thống kê khác đưa ra con số 22% sinh viên quốc tế sau khi tốt nghiệp kiếm được việc làm bán thời gian (part time), nhưng có tới 68,9% có việc làm trọn vẹn (full time). Trong khi tỷ lệ sinh viên Úc làm việc full time khi tốt nghiệp đến 82,4%. Điều đáng nói nữa là trong số du học sinh kiếm được việc làm tại Úc sau khi tốt nghiệp, có tới 45% không dùng tới bằng cấp của mình cho công việc, tức phải làm những việc trái với ngành nghề đã được đào tạo.

Cũng vẫn theo thống kê trên, chỉ có 20,3% sinh viên người Úc tìm cách tiếp tục học lên cao sau khi tốt nghiệp, trong khi đó con số này ở du học sinh đến 33,5%. Liệu có phải sinh viên quốc tế, trong đó có không ít sinh viên VN “hiếu học” hơn sinh viên Úc? E rằng... không phải! Bởi thống kê cũng cho biết: 11,7% sinh viên Úc vẫn đang tiếp tục tìm kiếm một việc làm ổn định, trong khi con số này ở sinh viên quốc tế là 31,1%. Vậy, rõ ràng là do không kiếm được việc làm sau khi tốt nghiệp, nhiều du học sinh đã chọn con đường tiếp tục học như một giải pháp tình thế để có thể tiếp tục sống ở Úc một cách hợp pháp và… chờ thời.

Thất nghiệp (unemployed) hay phải làm những công việc không tương xứng (underemployed) là tình trạng tương đối phổ biến của du học sinh tại Úc sau tốt nghiệp.

Sinh viên tốt nghiệp trong nước bình thường khi đi xin việc ít được nhận vì thiếu khá nhiều kỹ năng và kinh nghiệm, thế nhưng sinh viên tốt nghiệp tại Úc lại còn gặp nhiều trở ngại hơn nữa nếu tìm kiếm việc làm mà chỉ có bằng cấp và kỹ năng không thôi. Theo đúc kết của những chuyên gia nghiên cứu vấn đề sinh viên quốc tế với việc làm tại Úc thì thường du học sinh thất bại bởi còn thiếu sót sau:
 
Trước nhất và quan trọng hơn cả là khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh trong công việc đòi hỏi trình độ chuyên nghiệp nhất định, khả năng này sẽ được phơi bày ra ngay trong vòng đầu tiên phỏng vấn việc làm, cũng là vòng quyết định. Kế đến khả năng thích nghi với văn hóa trong môi trường làm việc ở nước sở tại - cũng chính là khả năng hòa nhập trong môi trường, sau thời gian sống, học tập và làm việc tại đây.

Thứ  ba, du học sinh cần trang bị cho mình những kỹ xảo nghề nghiệp, đảm bảo củng cố vị trí của mình trong công việc ngay khi tốt nghiệp, bên cạnh tính linh hoạt và làm chủ công việc cũng như sự nghiệp của mình trong một xã hội phát triển. Sau cùng là sự ganh đua cùng những nỗ lực “chen vai thích cánh” của du học sinh VN với du học sinh đến từ nhiều nước trên thế giới chỉ thực sự bắt đầu sau khi tốt nghiệp.

NGÂN HÀ
(Theo www.graduatecareers.com.au)

Tin cùng chuyên mục