Không phải là những bộ phim truyền hình dài tập kéo dài lê thê, những bộ phim truyền hình ít tập với chất lượng nghệ thuật không thua kém gì phim nhựa một thời đã chinh phục một thế hệ khán giả. Sau một thời gian vắng bóng, giờ đây những bộ phim truyền hình ngắn tập đang được nhiều đạo diễn tâm huyết đầu tư xây dựng với những đề tài “nóng”, cách dàn dựng cô đọng…
Một thời vang bóng
Hơn 20 năm trước, khi mới ra đời, phim truyền hình Việt Nam thường chỉ dài trên dưới 90 phút (tương đương một hoặc hai tập). Năm 1990, bộ phim Lời nguyền của dòng sông phát sóng trên VTV1, đã đưa phim truyền hình ngắn tập trở thành hiện tượng với giải thưởng Phim xuất sắc tại Liên hoan phim Brussels (Bỉ) năm 1992. Những năm tiếp theo, chương trình Điện ảnh chiều thứ 7 ra đời và phim truyền hình ngắn tập (60, 80, 90 phút) đã có được thời hoàng kim với rất nhiều tác phẩm từng được giải cao ở các kỳ liên hoan phim quốc gia và liên hoan truyền hình quốc tế như: Mẹ chồng tôi, Giữa dòng, Tuổi thần tiên, Thương hoài ngàn năm, Mẹ con đậu đũa, Chuột, Tôi vào đời, Mùa sen, Hải âu, Sống bên bờ vực, Con gà trống, Ông cá hô, Nữ võ sĩ, Xe lăn, Con khỉ mồ côi, Hương dẻ....
Thực tế trên đã chứng minh, nghệ thuật và sức hút của phim truyền hình không thua kém một tác phẩm phim truyện nhựa. Phim Việt Nam nhờ thế có sức lan tỏa đến khán giả rộng rãi hơn. Công chúng từ đó biết đến tên tuổi các đạo diễn như Khải Hưng, Vũ Ngọc Đãng, Vinh Hương, Mỹ Hà, Quang Dũng... Nhiều người trong số đó trở thành đạo diễn có dấu ấn trong làng điện ảnh nước nhà. Khán giả đã yêu mến những gương mặt diễn viên như Chiều Xuân, Công Ninh, Hồng Ánh, Thu An, Thu Hà, Lê Vũ Cầu, Thanh Thúy, Nguyễn Phi Hùng… Họ đã chinh phục khán giả bằng sáng tạo qua những nhân vật của mình
Sau một thời gian “làm mưa làm gió”, một phần nhà đài cũng đuối sức, một phần bị các bộ phim nhiều tập trong và ngoài nước cạnh tranh, thu hút phần lớn thị phần quảng cáo nên chương trình Điện ảnh chiều thứ 7 phải chia tay với khán giả. Phim ngắn tập thưa dần, rồi gần như biến mất trên màn ảnh nhỏ, chỉ còn giữ vai trò “lấp sóng” và trở thành tác phẩm thử sức của các đạo diễn trẻ mới ra trường.
Thắp lại ngọn lửa
Nhận thấy thế mạnh của phim truyền hình ngắn tập là phản ánh nhanh những vấn đề thời sự của cuộc sống đương đại, cập nhật được những vấn đề xã hội đang bức xúc, tạo được ấn tượng mạnh và điều quan trọng là những tác phẩm mang tính điện ảnh cao, được nghệ sĩ trau chuốt và làm bằng sự tâm huyết, Công ty Kiết Tường (đơn vị sản xuất nhiều gameshow) mạnh dạn đầu tư nhằm gầy dựng lại mảng phim ngắn tập. Bà Phạm Thị Dung, Giám đốc Công ty Kiết Tường, cho biết: “Mong muốn của chúng tôi là phim truyền hình ngắn tập sẽ tạo được sự khác biệt, ấn tượng so với phim dài tập. Ngoài nội dung hấp dẫn thì hình ảnh, bối cảnh phải đạt chất lượng cao”.
Từ 15-9-2013, chương trình Phim Việt chiều chủ nhật với những bộ phim truyền hình ngắn (dài 90 phút) sẽ lên sóng vào lúc 15 giờ trên kênh HTV9. Phim Việt chiều chủ nhật sẽ giới thiệu đến khán giả những đề tài đa dạng khác nhau. Nhiều phim dã hoàn thành chờ ngày lên sóng: Tâm hồn trẻ thơ, Nụ cười của gấu con, Hoa hướng dương, Cô em họ xa, Món quà bất ngờ, Ai là rắc rối của đời tôi, Rubic nhiều mặt; Ngày trở về, Vợ chồng trẻ con... với sự tham gia diễn xuất của các diễn viên: Thúy Diễm, Huy Khánh, Nhật Kim Anh, Lương Thế Thành, Khương Ngọc, Nguyễn Phi Hùng... Đạo diễn Lý Khắc Linh vừa mới hoàn thành 5 bộ phim ngắn tập, cho biết: “Tôi rất thú vị khi làm phim ngắn tập. Với loại phim này, câu chuyện điện ảnh hết sức cô đọng, kịch tính và cao trào được đẩy lên rất nhanh, nhưng điều làm tôi say mê hơn cả là chính vì phim ngắn nên từng hình ảnh, bối cảnh, chúng tôi trau chuốt rất kỹ lưỡng”. Những bộ phim phát sóng đầu tiên là: Rubíc nhiều mặt (biên kịch Đàm Diệu Văn; đạo diễn Vũ Thái Hòa); Món quà bất ngờ (kịch bản: Châu Thổ - Thái Hà, đạo diễn: Việt Trinh); Đôi mắt (biên kịch: Đàm Diệu Văn, đạo diễn: Vũ Thái Hòa).
Hy vọng với tâm huyết của nhà sản xuất và đặc biệt của các nghệ sĩ, phim truyền hình ngắn tập sẽ chinh phục được cảm tình của khán giả.
VIỆT NGA