
Tăng trưởng nhanh và thúc đẩy cạnh tranh xuất khẩu là vấn đề bức xúc được đặt ra tại hội nghị toàn quốc ngành thương mại, tổ chức tại Hà Nội ngày 1-3, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển. Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã đến dự và phát biểu chỉ đạo.
Mở rộng quy mô hàng công nghiệp
Năm 2006, mục tiêu xuất khẩu hàng hóa của cả nước đạt trên 38 tỷ USD, tăng 18,5 % so với năm 2005. Trong đó, các mặt hàng công nghiệp như dệt may, giày dép, điện tử và linh kiện máy tính, sản phẩm gỗ... tiếp tục là động lực của tăng trưởng xuất khẩu.

Sản xuất chỉ sợi xuất khẩu tại Công ty Liên doanh Coats Phong Phú. Ảnh: ĐỨC THÀNH
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Thương mại Phan Thế Ruệ, xuất khẩu 2006 sẽ đứng trước thử thách mới: quá trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, nhất là việc thực hiện đầy đủ các cam kết trong AFTA, APEC, WTO và các cam kết song phương khác sẽ tạo ra sức ép cạnh tranh lớn hơn đối với doanh nghiệp trong khi khả năng thích ứng với các biến động bên ngoài của đa số doanh nghiệp Việt Nam còn kém.
Xuất khẩu dệt may là một ví dụ điển hình. Với kim ngạch lớn số 1 (không tính dầu thô) trong nhóm hàng xuất khẩu chủ lực, tuy gặp phải “cú sốc” hạn ngạch thị trường Hoa Kỳ trong năm 2005, hàng dệt may vẫn đạt tốc độ tăng trưởng trên 10% với giá trị xuất khẩu trên 4,8 tỷ USD. Và ngay trong 2 tháng đầu năm 2006, xuất khẩu dệt may cũng tăng ở mức kỷ lục - 45%, đạt 867 triệu USD.
Tuy nhiên, ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may lại tỏ ra vô cùng lo lắng bởi đây chỉ là “tăng trưởng nóng”, chủ yếu do cấp visa tự động, nên các hợp đồng xuất khẩu dồn vào đầu năm và do Trung Quốc đang bị áp đặt hạn ngạch đặc biệt. Nếu chủ quan mà không chuẩn bị lực lượng thì đến năm 2008, chắc chắn doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ gặp một cú sốc nữa khi Trung Quốc sẽ được dỡ bỏ hoàn toàn các rào cản.
Năm 2006, tuy không thiếu đơn hàng nhưng vấn đề “nóng” nhất của ngành dệt may lại chính là vấn đề lao động. Từ đầu năm đến nay, lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất đình công liên miên. Kết quả là doanh nghiệp phải tăng lương nhưng năng suất lao động không tăng, kỷ luật lao động lỏng lẻo.
Hậu quả nghiêm trọng nhất là một số doanh nghiệp FDI đã ngưng các dự án đầu tư trong lĩnh vực dệt, nhuộm. Thay mặt các doanh nghiệp dệt may, ông Lê Quốc Ân đã khẩn thiết đề nghị Chính phủ cần có các giải pháp giải quyết vấn đề đình công một cách hợp lý, không làm xấu đi môi trường đầu tư.
2006: Hỗ trợ xuất khẩu sẽ giảm
Một trong những giải pháp thúc đẩy xuất khẩu được nhiều doanh nghiệp quan tâm là các hoạt động hỗ trợ xuất khẩu như: thưởng xuất khẩu, hỗ trợ xúc tiến thương mại, hỗ trợ cho các vụ kiện chống bán phá giá... Năm 2005, Nhà nước đã chi 2.000 tỷ đồng cho các hoạt động hỗ trợ xuất khẩu. Tuy nhiên, phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Thị Băng Tâm cảnh báo: Từ năm 2006, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sẽ đứng trước thách thức lớn bởi theo các quy định của WTO thì việc hỗ trợ trực tiếp cho xuất khẩu sẽ bị xóa bỏ.
Trước mắt, trong năm 2006, Nhà nước tiếp tục hỗ trợï doanh nghiệp thực hiện chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu, những mặt hàng có hiệu quả nhưng mức hỗ trợ sẽ giảm 20%-30% so với trước đây - bà Lê Thị Băng Tâm cho biết.
Cũng trong năm 2006, Bộ Tài chính đang xây dựng đề án trình Chính phủ chuyển Quỹ hỗ trợ xuất khẩu thành Ngân hàng hỗ trợ phát triển, dùng các hình thức hỗ trợ bằng gắn kết tín dụng trả chậm và tín dụng đầu tư cho các hoạt động xuất khẩu hàng hóa, vật tư, xuất khẩu lao động, dịch vụ … Đây là hình thức hợp pháp theo quy định của WTO, được áp dụng bình đẳng với mọi thành phần kinh tế có hoạt động liên quan đến xuất khẩu.
Về vấn đề này, theo Thứ trưởng Phan Thế Ruệ, các chương trình xúc tiến xuất khẩu cũng sẽ thay đổi theo hướng thiết kế các chương trình cụ thể chuyên ngành, tập trung vào 5 đến 10 thị trường cụ thể. Việc quảng bá sản phẩm Việt Nam cũng sẽ được tăng cường trên các phương tiện thông tin, truyền thông nước ngoài, đặc biệt là quảng cáo sản phẩm và hình ảnh Việt Nam trên các kênh truyền hình, tạp chí nổi tiếng.
Thủ tướng Phan Văn Khải: Mặc dù vậy, xuất khẩu 5 năm (2000-2005) của Việt Nam đã vượt kế hoạch. Đến nay xuất khẩu của Việt Nam đã chiếm trên 50% GDP của cả nước và gián tiếp thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết công ăn việc làm, nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Tôi muốn nhấn mạnh điều đó để chúng ta tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu trong tình hình mới khi đất nước hội nhập ngày càng sâu, rộng hơn với thị trường thế giới. Từng doanh nghiệp, ngành hàng, hiệp hội phải có chiến lược xuất khẩu của riêng mình: từ sản xuất, tìm kiếm thị trường, nâng cao khả năng cạnh tranh, xuất khẩu... Nếu doanh nghiệp thất bại ngay ở thị trường trong nước và xuất khẩu thì coi như hội nhập thất bại. Muốn vậy phải có giải pháp cụ thể, phải tìm kiếm mặt hàng cụ thể cho từng thị trường trước mắt và lâu dài, ví dụ như Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hoa Kỳ… Hiện nay xuất khẩu vào các thị trường này còn nhỏ bé so với tiềm năng. Đồng thời, trong thời kỳ mới, vai trò của hiệp hội vô cùng quan trọng. Hiệp hội phải chuyển từ hoạt động hành chính sang xúc tiến thương mại, nghiên cứu thị trường, nghiên cứu các giải pháp nhằm tìm kiếm thị trường, nâng cao kim ngạch xuất khẩu. |
ĐINH LAN