Việc tổ chức bán dẫn Nhật Bản, gồm Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn và điện tử Kyushu (SIIQ), Cục Kinh tế - Thương mại - Công nghiệp Kyushu (KETI), Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Kyushu (KERC) cùng gần 20 doanh nghiệp Nhật Bản đã đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) và Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC), cho thấy những chuyển biến quan trọng trong phát triển ngành vi mạch tại TPHCM.
Không như các đoàn tìm kiếm thị trường khác, lần này các doanh nghiệp Nhật Bản tìm hiểu khá kỹ môi trường, quy trình đầu tư và các chính sách ưu đãi đặc thù cho các dự án công nghệ cao ở SHTP. Điều này càng khẳng định SHTP đã trở thành địa chỉ thu hút công nghệ cao hàng đầu của Việt Nam, nhất là đến nay SHTP đã thu hút 74 dự án đầu tư, trong đó 58 dự án còn hiệu lực với tổng vốn cam kết hơn 2 tỷ USD. Các dự án sản xuất trong lĩnh vực vi điện tử - công nghệ thông tin - viễn thông chiếm 25% tổng số dự án.
Đoàn doanh nghiệp Nhật Bản cũng dành khá nhiều thời gian tìm hiểu tại ICDREC, đơn vị nghiên cứu, phát triển công nghiệp vi mạch có uy tín hàng đầu tại Việt Nam cũng như tại TPHCM ở thời điểm hiện nay với nhiều nghiên cứu và sản phẩm hóa thành công với các loại chip, lõi IP… Hai bên trao đổi, tìm hiểu khá kỹ về các chương trình đào tạo nguồn nhân lực phục vụ việc thiết kế và sản xuất vi mạch. Phía ICDREC khẳng định sẵn sàng cùng doanh nghiệp Nhật đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp Nhật có nhu cầu, cũng như mong muốn doanh nghiệp Nhật kết hợp đào tạo nhân lực cấp cao cho Việt Nam, đặc biệt là nguồn nhân lực vận hành nhà máy vi mạch sẽ được triển khai xây dựng tại SHTP.
Được biết, để thực hiện chương trình phát triển vi mạch TPHCM giai đoạn năm 2012 - 2020, theo Tổng Thư ký Hội Vi mạch bán dẫn TPHCM (HSIA) Ngô Đức Hoàng, HSIA sẽ tập trung đào tạo nhân lực hai lĩnh vực: thiết kế vi mạch và vận hành nhà máy. Vì chưa có chương trình đào tạo vi mạch chuyên nghiệp, HSIA sẽ tuyển chọn 30 kỹ sư từ 7.000 kỹ sư ngành điện tử đã tốt nghiệp để đào tạo trong thời gian 9 tháng, sau đó thực tập tại SHTP và gởi đi đào tạo ở các nhà máy vi mạch nước ngoài. Dự kiến, tháng 11 sẽ thực hiện dự án này.
Đoàn doanh nghiệp Nhật đến với TPHCM lần này đầy đủ các “thành phần”: như Công ty Sangyo có thế mạnh trong việc tạo lập kết nối giữa các trường, viện và công ty bán dẫn, thiết kế vi mạch; Công ty Shintec chuyên về công nghiệp hỗ trợ; Công ty Nichiriku chuyên về vận chuyển hóa chất phục vụ sản xuất linh kiện bán dẫn… Cách đây chưa đầy một tháng, Hội Công nghệ thiết bị và vật liệu bán dẫn quốc tế (SEMI, Mỹ) cũng đã đến TPHCM tìm hiểu về công nghiệp bán dẫn cũng như cơ hội đầu tư. Điều này cho thấy, với những bước phát triển ở tầm hợp tác quốc tế, ngành vi mạch TPHCM ngày càng được khẳng định và đã tạo được sức hút không nhỏ.
TẤN BA