Còn 10 ngày nữa, thị trường sẽ bước vào cao điểm kinh doanh nhân ngày lễ Quốc khánh 2-9. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp (DN) đang rất lo lắng bởi sức mua trong 8 tháng đầu năm tăng thấp hơn nhiều so với kỳ vọng.
Trung tâm thương mại ế ẩm
Chiều 17-8, có mặt tại Trung tâm thương mại (TTTM) Parkson Cantavil (quận 2), chúng tôi ghi nhận, một số nhãn hàng đã rút khỏi trung tâm, để lại nhiều mặt bằng trống rỗng khiến không khí mua sắm tại đây rất uể oải. Khi chúng tôi hỏi, vì sao trung tâm lại vắng như “chùa bà đanh”, một cô nhân viên nói: “Bán hàng không được thì phải rút thôi. Không chỉ ở đây mà tại nhiều Parkson cũng không phủ kín được quầy kệ”. Quả thật, trước đó, khi chúng tôi đến Parkson Đồng Khởi, tình hình cũng không khá hơn.
Theo chúng tôi được biết, tình trạng các nhãn hàng rút khỏi các TTTM hiện đang trở nên phổ biến do sức mua quá thấp. Để cải thiện tình hình, một số trung tâm đã hạ doanh số bán hàng từng quý hoặc nguyên năm nhằm giữ chân đối tác. Điều này khác hẳn so với quy định trước đây họ đã từng thực hiện, nếu trong 3 quý liên tiếp, nhãn hàng nào không đạt được doanh số sẽ bị gạt khỏi danh sách, nhường chỗ cho các thương hiệu khác.
Tại các siêu thị, dù chưa đến dịp lễ 2-9, nhưng ngay từ bây giờ hàng loạt nhà bán lẻ đã bước vào cuộc cạnh tranh khốc liệt, thông qua các chương trình khuyến mãi, giảm giá ở nhiều nhóm ngành hàng. Thời gian giảm giá không chỉ thực hiện 1 tuần mà kéo dài cả tháng, với hàng ngàn sản phẩm giảm tới 49%. Đáng lưu ý, trong số các mặt hàng khuyến mãi có khá nhiều sản phẩm được bán với giá gốc, hoặc được nếm thử thoải mái để thu hút khách hàng.
Một người bạn nói đùa rằng, buổi chiều đón con đi học về, nếu lười nấu cơm, chỉ cần ghé vào một số siêu thị có yếu tố nước ngoài là được nếm miễn phí các loại thức ăn từ mì spaghetti, đến nui, rau củ trộn, cá viên chiên, nước trái cây, sữa, yaourt… là đủ no.
Tại khu vực các chợ truyền thống, nhiều tiểu thương cũng đứng ngồi không yên vì sức mua quá yếu. Chị P.D. - chủ một DN ngành may mặc, hiện có tới 4 sạp hàng tại chợ An Đông, cho biết sức mua giảm toàn diện, cả trong xuất khẩu lẫn thị trường nội địa. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng hàng xuất khẩu giảm hơn 30%, còn ở trong nước sức mua cũng tụt giảm không phanh. Theo chị P.D., hơn 20 năm lăn lộn trong lĩnh vực may mặc, chưa bao giờ DN lại lâm vào cảnh khó khăn như hiện nay.
Mua bán quần áo tại chợ An Đông. Ảnh: CAO THĂNG
Ông Trần Bá Dũng, Phó Giám đốc Công ty May túi xách Hương Mi, cũng cho rằng sức mua chung trên thị trường vẫn rất yếu. Tuy chưa có kết quả cụ thể về doanh thu của đợt kinh doanh cao điểm các loại ba lô, cặp xách cho năm học mới nhưng theo ông Dũng, sức mua chỉ bằng được năm ngoái là đạt yêu cầu.
Phải bươn chải nhiều hơn!
Theo các chuyên gia, những tháng đầu năm 2016, mặc dù kinh tế đã có những chuyển biến tích cực và rõ nét hơn nhưng sức cầu của kinh tế vẫn còn yếu và hồi phục chậm. Mặc dù nguyên liệu đầu vào khá ổn định nhưng nhiều chi phí khác vẫn tăng dần đều, trong khi đó sức mua không tăng làm cho các DN đã khó càng thêm khó!
Đại diện Tập đoàn THGroup tính toán, hiện chi phí bán hàng đối với mặt hàng sữa tại các siêu thị đứng ở 12% - 18%, mỗi năm các hệ thống siêu thị đều đề nghị tăng mức chiết khấu từ 0,5% - 2%; chi phí kê khai sản phẩm mới cao, việc đăng ký một mã hàng mới phải có sự chọn lọc và theo quy định đăng ký bán một sản phẩm mới thì phải loại bỏ một mã hàng cũ, dẫn tới nhà cung cấp không thể đa dạng hóa sản phẩm; chi phí thuê mướn tại hệ thống siêu thị quá cao vì lý do mặt bằng có hạn trong khi lượng hàng cung ứng thì quá nhiều; chương trình khuyến mãi được giới thiệu trên bản tin của nhà bán lẻ yêu cầu mức chiết khấu cao, từ 12% trở lên mới được tham gia… Tất cả những yếu tố này đã đẩy các DN trong nước vào tình thế bất lợi.
Trước thực trạng này, một số DN phải tự thoát ra, tìm những giải pháp xây dựng chiến lược riêng, phù hợp để phát triển. Ông Trần Bá Dũng cho biết, tại TPHCM việc bán các loại cặp, ba lô học sinh vào hệ thống siêu thị phải chịu mức chiết khấu từ 32% - 38%, nên để tồn tại thì ngay cả ban giám đốc cũng phải “lăn lộn” từ Bắc, Trung, Nam để mở thị trường mới. Tính đến nay, ngoài hệ thống cửa hàng tại TPHCM, Hương Mi đã thiết lập được một hệ thống 50 cửa hàng từ Trung ra Bắc, với lượng sản phẩm tiêu thụ tăng bình quân từ 15% - 20%, nhờ vậy công ty vẫn đảm bảo chỉ tiêu về doanh số.
Theo ông Dũng, tiềm năng, thị phần tại các tỉnh, thành còn rất lớn, nếu DN chịu khó đi và khai thác sẽ giải được bài toán đầu ra, tránh phụ thuộc quá nhiều vào các kênh phân phối hiện đại. Nhưng để đứng chân được ở nông thôn, cách duy nhất là sản phẩm phải đáp ứng được các tiêu chí bền, đẹp và giá rẻ.
Giám đốc kinh doanh ngành hàng thực phẩm của một công ty cho biết, 3 năm gần đây, chi phí cho khuyến mãi tăng bình quân từ 20% - 30%/năm đã “ăn mòn” vào lợi nhuận của DN. Nhiều DN lo lắng bởi sức mua yếu là do yếu tố khách quan của nền kinh tế, đặc biệt các chính sách vĩ mô. DN có thể chủ động giảm chi phí, hy sinh lợi nhuận nhưng không thể chủ động để tăng sức mua trên thị trường được.
Để kích cầu sức mua, nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ cần nâng tổng cầu xã hội, thúc đẩy các nguồn vốn lưu chuyển mạnh mẽ, tạo điều kiện tốt nhất cho các DN đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh. Theo đó, yếu tố niềm tin cũng tác động mạnh mẽ tới tâm lý và hành vi mua sắm của người dân. Nói cách khác, để cải thiện sức mua, trước hết phải cải thiện chỉ số niềm tin nơi người tiêu dùng. Phải làm cho người dân nhìn thấy các cơ chế, chính sách đang thấm mạnh vào cuộc sống, từ đó thúc đẩy nhanh sự phục hồi của nền kinh tế. Chỉ như vậy mới mong người dân có thể mạnh tay hơn trong tiêu dùng những tháng cuối năm.
| |
THÚY HẢI