Sức sống Cù Lao Dung

Cù Lao Dung như “hòn đảo” khổng lồ với diện tích hơn 23.000ha, nằm án ngữ giữa hai cửa biển Trần Đề và Định An.
Sức sống Cù Lao Dung

Cù Lao Dung như “hòn đảo” khổng lồ với diện tích hơn 23.000ha, nằm án ngữ giữa hai cửa biển Trần Đề và Định An. Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp - Mỹ, đây cũng là cứ địa cách mạng, cầu nối giao liên giữa 2 tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh. Nhiều xóm, ấp đã mang tên các anh hùng, liệt sĩ của xứ sở quanh năm bốn bề sóng vỗ này. Cách đây hơn 15 năm, Cù Lao Dung tách ra từ Long Phú thành một huyện riêng biệt. Người dân xứ cù lao đang phát huy truyền thống, đoàn kết cùng nhau xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.

Chuyển dịch kinh tế

Cù Lao Dung trước đây còn được mệnh danh “cù lao mía”. Suốt chiều dài 30km, từ An Thạnh Nhất đến An Thạnh Nam, có những cánh đồng mía bạt ngàn xanh thẫm. Được biết, diện tích mía ở Cù Lao Dung có năm cao nhất đạt trên 8.200ha. Mấy chục năm qua, cây mía có lúc thịnh lúc suy, nhưng là kinh tế chủ lực đã nuôi sống và làm giàu cho hàng chục ngàn nông hộ nơi đây. Anh Hai Văn, Phó Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung, cho biết: “Trong cơ cấu chuyển dịch kinh tế từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo, Cù Lao Dung đặt kế hoạch phát triển thủy sản trở thành kinh tế mũi nhọn. Vì vậy, diện tích mía giảm chỉ còn 6.600ha; trong khi diện tích nuôi thủy sản đã tăng từ vài trăm hécta (năm 2009) lên 3.000ha năm 2015. Diện tích cây ăn trái có giá trị xuất khẩu cao (nhãn IDO - giống Thái) cũng tăng thêm vài trăm hécta”.

Nông dân huyện Cù Lao Dung thu hoạch hoa màu

Ấp Phạm Thành Hơn, xã An Thạnh Nhì, nơi được coi có số lượng nông dân chuyển dịch kinh tế cao nhất với cả trăm gia đình. Đa số họ đều bỏ cây mía để chuyển sang nuôi tôm. Gia đình anh Hai Tuấn là người trúng liên tiếp 5 vụ nuôi tôm. Vậy nên, chẳng có gì lạ khi anh cất nhà to nằm ven đường xuyên giữa cù lao. Anh Tuấn cho biết: “Trước đây, gia đình trồng mía chỉ đủ sống. Mấy năm rồi, tôi chuyển 6ha sang nuôi tôm thẻ, tôm sú; nhờ đó thu nhập được vài ba tỷ đồng mỗi năm”. Nhiều hộ ở đây cũng trúng tôm như các ông Út Thảo, Tư Khung, Hai Hùng, Tám Đực… với năng suất đạt tới 6 tấn/ha/vụ.

Xã An Thạnh Nam ở gần biển nhưng nơi đây lại chuyển dịch mạnh nhất từ cây mía sang cây ăn trái; đặc biệt là cây nhãn IDO có giá trị xuất khẩu cao. Trong số này có vườn nhãn 3ha của ông Lê Văn Quăng, 53 tuổi, ở ấp Vàm Hồ, không lẫn vào đâu được với màu xanh thăm thẳm và quả trĩu cành. Ông Quăng kể: “Trồng mía mãi chẳng thấy khá lên chút nào. Mấy năm liền, mía trúng mùa nhưng giá thấp, không có lời. Nghe nhiều người bảo trồng giống nhãn Thái IDO vừa ngon vừa cho năng suất cao. Vậy là tôi và một số bà con trong ấp chuyển sang trồng giống nhãn này và hiện cây đang cho trái rất nhiều, hy vọng mùa này kiếm được vài trăm triệu đồng từ xuất khẩu loại trái này”. Nhiều nông hộ của các ông Dương Văn Hưởng, Trần Văn Thẩm, Võ Văn Quý… cũng hy vọng như vậy.

Xây dựng nông thôn mới

Đảng, chính quyền địa phương còn chăm lo tốt cho đời sống người dân; đặc biệt với gia đình chính sách, thương binh, mẹ Việt Nam anh hùng; xây dựng nông thôn mới… Nông trường 30-4 sau những năm tháng làm ăn không hiệu quả vì thiếu vốn, lãnh đạo huyện quyết định chia trên 2.000ha đất cho dân. Không thể kể hết niềm vui của hàng trăm hộ dân, trong đó có không ít gia đình chính sách không có đất hoặc ít đất; nay đã làm chủ 3ha ruộng, rẫy đã được cải tạo tốt tươi. Anh Hai Cà ở xã An Thạnh Nam rưng rưng nước mắt, bày tỏ: “Gia đình tôi có 5 người, không mảnh đất cắm dùi, quanh năm đi làm mướn, cuộc sống quá khó khăn. Cảm ơn Đảng, chính quyền đã chia đất cho dân. Với 3ha đất có được, tôi đang sản xuất theo kiểu “lấy ngắn nuôi dài”; nghĩa là trồng bắp, khoai môn, ớt… Khi có vốn tích lũy, tôi nuôi tôm và trồng nhãn. Đời sống của gia đình nhờ đó mấy năm nay đỡ khổ nhiều rồi”. Theo anh Hai Văn, Phó Chủ tịch UBND huyện, việc giao đất cho dân đã kích thích kinh tế vùng An Thạnh Nam phát triển nhanh. Nhiều hộ dân nghèo khó, nhờ có đất đã cải thiện được đời sống, không ít hộ khá lên thấy rõ.

Ai về Cù Lao Dung. Nhớ ghé bến Rạch Già. Nhớ về An Thạnh Nhất. Hỏi Tây chết mấy thằng. Đó là lời trích trong bài hát Du kích Long Phú của Nghệ sĩ nhân dân Quốc Hương thời kháng Pháp. Bến Rạch Già bây giờ là thị trấn, trung tâm huyện lỵ Cù Lao Dung. Hơn 15 năm qua, thị trấn thay đổi từng ngày: Đường sá rộng rãi, nhà lầu san sát, chợ huyện sầm uất, đông đúc người mua bán, trung tâm hành chính khang trang…

Còn An Thạnh Nhất là xã đầu tiên của huyện và của tỉnh Sóc Trăng được công nhận xã nông thôn mới. Về An Thạnh Nhất thấy đường làng, ngõ xóm đều đã bê tông hóa. Kênh rạch chằng chịt nhưng chỗ nào cũng dựng cầu bê tông chắc chắn. Rất nhiều nhà tường, nhà mái ngói ẩn mình dưới những vườn cây trái xum xuê. Trung tâm xã, thời kháng Pháp, du kích bắn Tây càn quét; giờ sung mãn, sầm uất không thua gì chợ huyện. Người dân An Thạnh Nhất có cuộc sống no đủ, tươi vui nhờ nuôi cá tra, trồng cây hoa màu và cây ăn trái. Tất cả 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, An Thạnh Nhất đều hoàn thành xuất sắc.

Cù Lao Dung còn có xã An Thạnh Nhì đạt tiêu chuẩn nông thôn mới, trong khi các xã còn lại cũng đã đạt 15 - 17 tiêu chí. Một vùng đất tưởng như bị “cô lập” giữa sông Hậu, vậy mà Đảng bộ, chính quyền Cù Lao Dung đã biết vượt qua khó khăn cùng nhân dân đoàn kết, phát huy truyền thống anh hùng, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

LÊ BÌNH

Tin cùng chuyên mục