Sức sống Nước Oa - Trà My

Nước Oa - Trà My bây giờ đã khác xưa quá nhiều. Những mái nhà thời chiến tranh trong cộng đồng các dân tộc Cor, Xê Đăng, Dẻ Triêng truyền thống không còn núp bóng dưới những khu rừng già, trong khe suối để che mắt máy bay địch, nay là các buôn làng to lớn trải rộng trên một vùng đất tự do. Những con sông Tranh, sông Trường, sông Nước Chè, sông Nước Mỹ không còn những dòng sông xưa, thay vào đó là những công trình thủy điện uy nghi, góp phần phát triển nguồn năng lượng quốc gia. Nguồn lực kinh tế dồi dào, văn hóa xã hội vùng Trà My - căn cứ cách mạng Khu 5 năm xưa, khởi sắc đi lên.
Sức sống Nước Oa - Trà My

Nước Oa - Trà My bây giờ đã khác xưa quá nhiều. Những mái nhà thời chiến tranh trong cộng đồng các dân tộc Cor, Xê Đăng, Dẻ Triêng truyền thống không còn núp bóng dưới những khu rừng già, trong khe suối để che mắt máy bay địch, nay là các buôn làng to lớn trải rộng trên một vùng đất tự do. Những con sông Tranh, sông Trường, sông Nước Chè, sông Nước Mỹ không còn những dòng sông xưa, thay vào đó là những công trình thủy điện uy nghi, góp phần phát triển nguồn năng lượng quốc gia. Nguồn lực kinh tế dồi dào, văn hóa xã hội vùng Trà My - căn cứ cách mạng Khu 5 năm xưa, khởi sắc đi lên.

Về nguồn

Trong đoàn người về nguồn của các tỉnh, thành trong cả nước, không ai còn trẻ nữa. Như thư của Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam Nguyễn Anh Liên đã viết: “Đây là nguyện vọng thiết tha của các đồng chí đã trên dưới 70, 80 tuổi mà suốt 40 năm trời chưa một lần trở lại chiến trường xưa”. Gần 200 cựu cán bộ Đoàn và thanh niên xung phong đại diện cho hàng ngàn đoàn viên, thanh niên và TNXP Khu 5 đã về mảnh đất năm xưa. Gặp lại, họ ôm nhau trong vòng tay xúc động. Nhiều người cố gắng thể hiện mình còn khỏe, có người ngồi trên xe lăn, nhiều người tựa vào vai hoặc các tình nguyện viên cầm tay dìu họ để về đến nơi. Có người, khi về lại địa phương mới biết tin trong đoàn người về dự hội có người bạn cũ, nhưng vì nhiều người đã thay đổi quá nhiều nên không kịp nhận ra nhau.

Đoàn cựu TNXP TPHCM về thăm và dự lễ khánh thành Khu di tích Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng và Tổng đội TNXP Nguyễn Văn Trỗi.

Một số người không cầm được nước mắt, họ khóc vì xúc động được trở lại vùng đất của một thời tuổi trẻ, vì đồng đội họ đã hy sinh đang còn nằm lại trên mảnh đất này, vì những gì đang sinh sôi, nảy nở, vươn mình mà chính họ đã góp phần gieo hạt.

Từ trung tâm Trà My (tỉnh Quảng Nam) và kéo dài mãi qua khỏi Nước Oa là những trường học đào tạo cán bộ nguồn hậu chiến tranh. Đặc biệt là Trường T74, nơi đào tạo cán bộ chủ chốt cho các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Trong số họ, nhiều người đã ngã xuống trong thời điểm khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh. Lần theo các con đường mòn nhỏ trong khu rừng già rộng lớn là các ban ngành trực thuộc và Khu ủy 5. Ngày ấy, trung tâm đầu não Khu 5 phải di chuyển chỗ ở nhiều lần để đảm bảo sự an toàn. Dù rất cảnh giác, rất tuyệt mật nhưng đã có kẻ phản bội, đầu hàng giặc, chỉ điểm để địch cho B52 rải thảm. Nhưng chúng đều thất bại.

Nước Oa - Trà My là địa điểm an toàn nhất cho đến ngày giải phóng Đà Nẵng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sau chiến tranh không lâu, các lán trại, doanh trại thời chiến làm bằng tranh tre nứa lá đã bị mục, đổ ngã theo thời gian. Chỉ còn lại những con người còn sống ở đâu đó trên mọi miền Tổ quốc và những cựu TNXP đang đứng kia, đốt nén nhang trước đài hoa tưởng niệm Nước Oa - Trà My. Họ thì thầm: “Trường Sơn ơi! Trà My ơi! Chúng con đã về”.

Trà My vinh dự và tự hào là vùng đất lịch sử, căn cứ địa của Khu ủy Khu 5. Trong cuộc đấu tranh đầy gian khổ và ác liệt ấy đã có nhiều người anh dũng hy sinh, trong đó phải kể đến anh Nguyễn Minh Đường, Bí thư Khu đoàn 5 đầu tiên và Đại đức pháp sư Thích Giác Lượng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên học sinh - sinh viên giải phóng Khu 5 và nhiều tấm gương anh hùng. Ở vùng đất trung dũng kiên cường này có hơn 100.000 liệt sĩ, trong đó 70.000 người địa phương, hơn 30.000 liệt sĩ là con em của các vùng miền trên cả nước tham gia chiến đấu và hy sinh tại đây. Quảng Nam có 8.000 bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Trong chiến trường Khu 5, còn có một chiến binh Mỹ ra vùng giải phóng, tham gia cuộc đấu tranh chống xâm lược. Ông xin cách mạng cho mình được mang tên Nguyễn Chiến Đấu, họ của Bác Hồ và cái tên thể hiện sự trung thành chống đế quốc.

Đoàn cựu TNXP TPHCM về chiến trường Khu 5 trong tình thương yêu và xúc động. Họ là những người đã đi qua hai cuộc chiến tranh, chí ít thì cũng góp mặt những ngày đầu của cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, nên chứng kiến biết bao gian khổ, hy sinh của đồng bào, đồng chí. Giáo sư Mạc Đường, thành viên trong đoàn, tâm sự: “Đúng là vùng đất này “khổ trước, sướng sau”. Ngày trước, họ chịu đựng quá nhiều vất vả, bây giờ tuy có khá hơn nhưng mức sống chưa cải thiện đáng kể”.

Còn anh Trần Văn, Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam, chia sẻ: “Đảng và các đồng chí lãnh đạo Trung ương và Khu 5 trong đó phải kể đến vai trò của bác Võ Chí Công, Bí thư Khu ủy Khu 5 quá giỏi. Địa bàn Khu 5 thì rộng, địa hình hiểm trở, dân cư thưa thớt, đời sống khó khăn. Địch chống phá ta quyết liệt, nhưng cách mạng Việt Nam đã có quyết sách sáng suốt, đúng hướng, rõ ràng nên ta giành thắng lợi từng bước, từng phần, rồi giành thắng lợi hoàn toàn”.

Đoàn TPHCM về chiến khu xưa bằng cả tấm lòng của những người phương Nam, lẵng hoa tươi kính tặng mang dòng chữ “Chào mừng Khu di tích Nước Oa - Trà My” là sự mến mộ, cả sự trân trọng và tôn vinh những con người và vùng đất thiêng. Chính nơi đây đã làm nên kỳ tích anh hùng, giải phóng Khu 5, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc.

Hồi sinh và trăn trở

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Đức Hải nói, sau 17 năm tái lập Quảng Nam, mảnh đất này đã thực sự hồi sinh. Từ chỗ trước đây hơn 40% hộ nghèo, nay chỉ còn 15%; công việc tại địa phương đủ bố trí việc làm ổn định không phải đi lao động nơi khác; đã xây dựng hơn ngàn cây số đường giao thông các loại bằng nguồn vốn nhà nước và nguồn vốn do dân đóng góp; xây dựng mới để xóa hơn 8.000 nhà tạm. Quảng Nam đã phát triển mạnh công nghiệp và các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp như công nghiệp ô tô, dệt may, giấy, thủy điện và du lịch.

 Phương cách đào tạo nguồn cán bộ tại chỗ xem ra thực dụng hơn. Tỉnh chọn người, chọn nguồn và “giao kèo” với người được đào tạo và gia đình, sau đào tạo sẽ làm việc cho địa phương thì được bao cấp kinh phí toàn bộ, thay cho việc “trải thảm”, cấp đất, cấp nhà, cấp tiền một gói lần đầu… Đến nay đã có gần 1.000 cán bộ trẻ đã và đang được đào tạo bằng nguồn ngân sách trung ương và địa phương ưu tiên cho chương trình này. Cái được là rất đáng trân trọng, nhưng Quảng Nam còn nhiều việc phải làm. Nhìn bề nổi, kinh tế xã hội còn bề bộn, chưa nói đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc nên cần sự nỗ lực tại chỗ và góp sức chung tay của cộng đồng để thúc đẩy xây dựng đất Quảng nói chung và vùng chiến khu xưa được no ấm, đầy đủ và to đẹp hơn.

Để xây dựng được Khu sinh hoạt truyền thống thanh thiếu nhi Nước Oa là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước của trung ương, địa phương và phải kể đến sự cố gắng rất lớn của Trung ương Đoàn và tuổi trẻ Quảng Nam. Đây là công trình lịch sử đặc biệt quan trọng, góp phần hình thành quần thể văn hóa Nước Oa - Trà My,  nhằm giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ khu vực miền Trung - Tây Nguyên và tuổi trẻ cả nước.

Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Nam khẳng định: Xây dựng công trình này trong tâm thức là kỷ niệm, nhưng để biến những kỷ niệm, những hoài bão lớn lao của các thế hệ cha anh thành hiện thực thì trong hoạt động cần tạo được sự sống động, sự tin yêu của tuổi trẻ đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang. Công trình về nguồn của thanh thiếu niên là ở chỗ đó.

Ý nghĩa ấy thật đáng trân trọng. Nhưng hình như có gì đó trống vắng trong nhiều thế hệ cựu TNXP. Ai mà không qua thời tuổi trẻ, ai mà không có những kỷ niệm của riêng mình. Trong số họ, có người công tác ở Khu đoàn, ở Văn phòng Khu ủy, Ban tổ chức, Ban kiểm tra, Ban tuyên huấn, Ban dân y, Ban giao vận, Ban kinh tài… và nhiều nơi nữa. Sẽ là điều may mắn và hạnh phúc cho những đơn vị trực thuộc Khu ủy 5. Còn không thì đang bị “xóa sổ” dần.

Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện DakMil tâm sự: “Ban giao vận Khu 5 có công lớn trong chiến trường Khu 5. Thành tích cũng nhiều và hy sinh cũng nhiều nhưng không được một danh hiệu anh hùng, một tấm huân chương, một bia tưởng niệm”. Có lần, anh Ba Thám, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, chia sẻ: “Để hình thành được bia Di tích kiểm tra Đảng ở Trà My vừa rồi là bằng nguồn vốn huy động của anh em trong ban, không dám sử dụng vốn ngân sách”.

Thì ra, để có được di tích của ngành này, ngành nọ thì không khó nếu có người cầm chịch. Nhưng vấn đề cần suy ngẫm là nên xây dựng một khu di tích Khu 5 như mô hình khu di tích của Trung ương Cục miền Nam (R) hay không. Di tích sẽ tái hiện lại Khu ủy 5 và các ban ngành trực thuộc khu, để mỗi lần về thăm chiến trường xưa, các con các cháu tự hào bảo nhau, có sự góp sức của ông bà, cha mẹ mình trong đó.

Mặt khác, mỗi lần về thăm chiến trường xưa, ít có thời gian đi thăm chỗ này chỗ kia nên việc quy về một mối vừa phù hợp với không gian và thời gian, với quy hoạch vùng và phát triển địa phương. Quy về một chỗ, tư liệu sẽ sống động hơn, nguồn lực sẽ khấm khá hơn và giao cho tuổi trẻ Quảng Nam quản lý, sưu tầm, khai thác và sử dụng sẽ hiệu quả hơn nhiều.

Di tích, về nguồn, giáo dục truyền thống mà thiếu tính lịch sử thì hiệu quả sẽ không như mong đợi. Và, chưa muộn khi nhân chứng còn đang sống...

NGUYỄN THÀNH CHINH

Tin cùng chuyên mục