Suy giảm bùn cát từ thượng lưu gây xói lở bờ biển

Sáng nay 7-9, tại Hội An, UBND tỉnh Quảng Nam, Trường CĐ Công nghệ - Kinh tế - Thủy lợi miền Trung, Trường ĐH Tohoku (Nhật Bản), Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam và Trường ĐH Thủy Lợi phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế Việt Nam - Nhật Bản về cửa sông, bờ biển và kỹ thuật sông.
Suy giảm bùn cát từ thượng lưu gây xói lở bờ biển

(SGGPO).- Sáng nay 7-9, tại Hội An, UBND tỉnh Quảng Nam, Trường CĐ Công nghệ - Kinh tế - Thủy lợi miền Trung, Trường ĐH Tohoku (Nhật Bản), Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam và Trường ĐH Thủy Lợi phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế Việt Nam - Nhật Bản về cửa sông, bờ biển và kỹ thuật sông.

Với sự tham gia của 200 đại biểu là các nhà khoa học, chuyên gia thủy lợi trong nước và quốc tế, trong đó có gần 30 chuyên gia, học giả nổi tiếng đến từ Nhật Bản, Đức, Đan Mạch, Đài Loan,...

Hội thảo lần này là diễn đàn để các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý...trong và ngoài nước trao đổi, thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức cập nhật nhất trong lĩnh vực nghiên cứu và kỹ thuật chỉnh trị cửa sông, bờ biển và kỹ thuật sông ngòi. Điều này đặc biệt có ý nghĩa và quan trọng trong điều kiện các cửa sông, bờ biển miền Trung nói chung và bờ biển Cửa Đại (Hội An) đang bị xói lở nghiêm trọng, rất cần đến sự quan tâm của các nhà khoa học, các tổ chức trong và ngoài nước.

Bãi biển Cửa Đại bị sạt lở tan hoang

Thực tế hiện nay, nhiều vùng chưa có quy hoạch tổng thể cho việc khai thác, phát triển tiềm năng và phòng chống thiên tai cho hệ thống cửa sông. Nhiều giải pháp công trình đưa ra còn mang tính cục bộ và thử nghiệm chưa dựa trên kết quả của việc nghiên cứu đồng bộ có xét đến ảnh hưởng tống thể của tất cả các quá trình tương tác động lực bùn cát sông biển. Do vậy, nhiều lúc việc phòng chống xói lở, bồi tụ ở khu vực này lại gây sạt lở ở các vùng khác hoặc bố trí kết cấu công trình cũng tồn tại nhiều vấn đề bất cập.

Bãi biển Cửa Đại cũng như khu phố cổ Hội An từ lâu được biết đến là một trong những địa điểm danh lam, thắng cảnh nổi tiếng không chỉ trong nước, nhưng những năm qua, nơi đây xảy ra hiện tượng xói lở và bồi lấp ở khu vực Cửa Đại, sông Thu Bồn và bãi biển Cửa Đại. Hiện tượng này xảy ra ngày càng nghiêm trọng, diễn biến phức tạp không chỉ đe doạ an toàn đối với các công trình kiến trúc và con người mà còn gây ra sự thay đổi nghiêm trọng địa hình, địa mạo của khu vực này. Đồng thời, gây thiệt hại lớn đối với các dịch vụ du lịch tại đây. Du lịch hiện là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Hội An nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung.

GS.TS. Hitoshi Tanaka, nguyên Chủ tịch Hội quốc tế về nghiên cứu và kỹ thuật thủy văn môi trường - vùng châu Á Thái Bình Dương (IAHR-APD), hiện là Phó Chủ tịch Hội xây dựng dân dụng Nhật Bản (JSCE) và PGS.TS. Nguyễn Trung Việt, Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ - Kinh tế - Thủy lợi miền Trung đồng quan điểm cho rằng, nguyên nhân tiềm năng gây nên xói lở bờ biển là do sự suy giảm bùn cát từ thượng lưu. Thông qua việc mô phỏng quá trình hình thành cửa sông dạng đồng bằng bởi việc giả định nguồn bùn cát phong phú từ thượng lưu cũng như quá trình xói lở bờ biển được mô phỏng thông qua nghiệm giải tích của mô hình tính toán đơn giản, một chiều đã cho thấy rất rõ rệt về khu vực xói lở xảy ra ở bờ biển Cửa Đại. Bên cạnh đó, việc dự báo sự phục hồi của bờ biển thông qa các kịch bản phục hồi lượng bùn cát cung cấp cũng được thực hiện dựa trên nghiệm giải tích của mô hình toán.

GS.TS. Trần Đình Hoà, Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam và nhóm nghiên cứu đã có những nghiên cứu tổng quan tình hình xói lở và bồi lấp các cửa sông ven biển miền Trung. Các chuyên gia cho thấy các diễn biến, biến động cửa sông ven biển là rất phức tạp và ảnh hưởng rất lớn tới đời sống người dân và phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Bên cạnh các nguyên nhân do thiên tai, các chuyên gia cũng đã chỉ ra các nguyên nhân chủ quan như nạn khai thác cát quá mức, tình trạng chặt phá rừng đầu nguồn,... Báo cáo cũng đã đặt ra những tồn tại, hạn chế trong việc xử lý các vấn đề bồi lắng và xói lở như các giải pháp đã đưa ra mang tính cục bộ cho từng cửa sông mà thiếu tính đồng bộ cho cả hệ thống, các số liệu đo đạc khảo sát còn thiếu nhiều dẫn đến việc phân tích, đánh giá các nguyên nhân chưa thật đầy đủ và chính xác...

TS. Hirotoda Matsuki, Cố vấn Trưởng dự án xây dựng xã hội thích ứng thiên tai tại Việt Nam giai đoạn 2 được tài trợ bởi Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho rằng, xói lở bờ sông là một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất ở khu vực nông thôn Việt Nam. JICA đã hỗ trợ bảo vệ các khu vực bờ sông áp dụng phương pháp kỹ thuật sông ngòi truyền thống của Nhật Bản. Các kỹ thuật này nhằm đưa đường lạch sâu ra ngoài hướng bờ sông để thay đổi điều kiện dòng chảy từ gây ra xói mòn thành mang lại bồi đắp.

Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, qua hội thảo này, tỉnh Quảng Nam muốn lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia về nguyên nhân của tình trạng sạt lở bờ biển. Sau khi xác định được nguyên nhân chính thức, tỉnh Quảng Nam cùng các bộ, ngành sẽ đưa ra các giải pháp trước mắt để bảo vệ công trình, tài sản của người dân và doanh nghiệp, đồng thời đưa ra giải pháp tổng thể để giải quyết vấn đề này về lâu về dài.


Nguyên Khôi

Tin cùng chuyên mục