Có khó khăn, có cả một chút may mắn, nhưng thực tế là Man.City quá mạnh so với Swansea, đội bóng mà dù có thua trận họ vẫn cảm thấy hài lòng với chính mình.
Trận đấu được chia thành 3 giai đoạn rất rõ nét. Quyết tâm mạnh mẽ của Man.City trong 30 phút đầu trận đấu và kết quả là có 2 bàn thắng dẫn trước. Kế đến là giai đoạn chơi bóng theo kiểu “không còn gì để mất” của đội chủ nhà và giai đoạn thứ 3 đó là sự tỏa sáng của các ngôi sao đã giúp Man.City kết thúc trận đấu theo cách “quá nhanh, quá nguy hiểm”.
Yaya Toure (trái) vượt qua Jack Cork (Swansea) để ghi bàn cho Man.City.
Thống kê cho thấy Man.City có đến 22 cú sút và phân nửa là đi đúng hướng dù họ chỉ nhỉnh hơn một chút về thời gian cầm bóng so với đội chủ sân Liberty. Có thể nói, sự nguy hiểm của Man.City càng về cuối giải càng trở nên ghê gớm. Không thể không khen ngợi tài năng của nhạc trưởng Silva, người khởi nguồn cho 2 trong số 4 bàn thắng, là kẻ phát động cho ít nhất là 6 tình huống phản công có thể thành bàn, là người tạo ra được sự cân bằng cho đội hình Man.City trong sức ép vô cùng lớn từ Swansea nhất là ở đầu hiệp 2. Dù không ghi bàn thắng nhưng thật khó tưởng tượng nếu hôm qua không có Silva thì Man.City sẽ thi đấu ra sao.
Hai bàn thắng đầu của trận đấu mang đậm dấu ấn của tiền vệ người Tây Ban Nha. Nếu ở bàn đầu, anh cùng Aguero phối hợp và đặt Yay Toure vào vị trí thuận lợi để sút bóng ghi bàn thì ở bàn thứ 2, pha lùi về lấy bóng và tổ chức phản công của Silva thể hiện nhãn quan chiến thuật tuyệt vời. Sự tỏa sáng của anh khiến Lampard, Toure đều chơi hay hơn bình thường và Man.City hoàn toàn làm chủ khu trung tuyến trong hiệp 1.
***
Mọi thứ sẽ dễ dàng hơn cho Chelsea nếu khả năng phòng thủ của họ cũng tốt như tấn công. Phút 16, suýt nữa trung vệ Mangala đã tặng cho đội chủ nhà 1 bàn thắng khi anh lóng ngóng để mất bóng ngay trong vòng cấm địa. May mà Joe Hart chơi xuất sắc cứu thua. Cũng Joe Hart có ít nhất 2 pha cản bóng kỳ tài khác trong 15 phút cuối trận, thời điểm mà nếu để Swansea gỡ 3-3 thì chưa chắc Man.City đã giành trọn 3 điểm. Đến phút 80, khi cảm thấy sức ép của Swansea quá lớn, ông Pellegrini buộc phải đưa đội trưởng Kompany vào sân để đá với sơ đồ 5 hậu vệ và đến khi Wilfred Bony ghi bàn vào lưới đội bóng cũ ở phút 90 để nâng tỷ số lên 4-2, Man.City mới thở phào.
Nói cách khác, dù chiến thắng nhưng đây cũng là trận đấu phô bày các vấn đề của Man.City trong mùa giải. Họ có những ngôi sao lớn, đủ để quyết định cục diện trận đấu trong tấn công nhưng họ vẫn có thể bị gỡ hòa, bị thua trận chỉ vì không tạo được sự cân bằng giữa công và thủ. Trận này, nếu thể hiện được cái duyên ghi bàn như ngày nào thì Yaya Toure lại khá kém cỏi trong việc hỗ trợ phòng ngự từ xa. Mangala tiếp tục là điểm yếu lớn nhất mà ông Pellegrini không có giải pháp cải thiện. Trước sức ép khá lớn của Swansea dù chỉ là các pha lật bóng từ biên hay sút xa, hàng thủ của Man.City vẫn chao đảo liên tục. Tóm lại, có một khoảng cách về đẳng cấp giữa các tuyến ở Man.City.
Đương nhiên đây không phải là lúc để bàn đến những điểm yếu ấy, vấn đề là nếu HLV Pellegrini còn tại vị, còn muốn Man.City chơi tấn công đẹp mắt thì việc đầu tiên là phải cải thiện hệ thống phòng thủ, bắt đầu từ vị trí của Yaya Toure, người đang cố thể hiện anh ta chưa hết thời.
Đăng Linh
Man.United - Arsenal 1-1: Chia điểm trong thất vọng
Man.United sau những thay đổi trong hiệp 2 đã để Arsenal vùng lên, bàn thắng có phần may mắn của đội khách ở phút cuối trận đã giúp họ cân bằng tỷ số 1-1 qua đó củng cố vững chắc vị trí thứ 3.
Đã có những lo lắng của người hâm mộ sân Old Trafford, khi đội trưởng Wayne Rooney chấn thương, cũng như động thái HLV Louis van Gaal trao băng đội trưởng cho trung vệ Chris Smalling với ý định thúc đẩy tính chiến đấu của hàng hậu vệ. Nhưng, dường như lo lắng của nhà cầm quân người Hà Lan là thừa, Arsenal bất ngờ gây thất vọng ở mọi phương diện, các cầu thủ đội khách gần như hoàn toàn biến mất trên sân.
Man.United thắng trong mọi pha tranh chấp, kiểm sát hoàn toàn diễn biến để phục vụ cho mặt trận tấn công tổng lực. Đến phút 30, ưu thế đó đã được cụ thể: quả tạt của Ashley Young bên cánh trái dù đưa bóng vượt quá tầm đầu của Marouane Fellaini nhưng lại rơi đúng vị trí Ander Herrera đang chờ bên cột phải, để tiền vệ người Tây Ban Nha tung pha đệm bóng đi sát cột gần mở tỷ số trận đấu. Herrera ghi bàn thắng thứ 6 và ấn tượng hơn khi, đó chỉ là pha dứt điểm đúng hướng thứ 7 của anh trong mùa này.
Antonio Valencia (Man.United) đột phá giữa vòng vây cầu thủ Arsenal.
Arsenal lần đầu tiên để thủng lưới trong hiệp 1 kể từ sau thất bại tại Southampton ở ngày đầu năm 2015. Tuy nhiên, đội hình mà HLV Arsene Wenger tin tưởng là mạnh nhất, qua việc ông giữ nguyên đội hình xuất phát trận thứ 6 liên tiếp tại Premier League kể từ tháng Giêng năm 1994 đã nói rõ điều đó, vẫn tiếp tục chơi một thế trận mờ nhạt sau đó. Nhưng, vẫn còn những thông số đáng buồn khác, Pháo thủ phải rời sân trong hiệp 1 mà chẳng thể dứt điểm lấy 1 lần - đây là lần đầu tiên Arsenal rơi vào tình cảnh này kể từ trận đối đầu Liverpool hồi tháng 11-2004.
Nhưng, hiệp 2 là một câu chuyện khác hẳn. Khi Arsenal bắt đầu giành lại thế trận thì Man.United kém may khi thủ thành xuất sắc David De Gea chấn thương để Victor Valdes có cơ hội ra mắt tại Premier League ở phút 73. Cũng ở thời điểm đó, HLV Van Gaal cũng bất ngờ tung cầu thủ trẻ Tyler Blackett vào thay Marcos Rojo. Phía ngược lại, HLV Wenger phản ứng tức thì khi tăng cường năng lực tấn công bởi Theo Walcott và Jack Wilshere.
Trớ trêu, chỉ ngay trong tình huống nguy hiểm đầu tiên mà 2 “kẻ thế vai” Victor Valdes và Blackett đối mặt, họ đã bị khuất phục. Phút 82, Theo Walcott có pha đột phá bên mép phải khu vực cấm địa trước khi tung cú sút ở góc hẹp, bóng quệt chân Blackett đổi hướng khiến Valdes hoàn toàn lỡ bộ, bất lực nhìn bóng vào lưới. Đây được xác định là bàn phản lưới nhà của Blackett.
Hòa 1-1, Arsenal dù không thể trở thành đội bóng thứ 4 trong lịch sử thắng 2 trận liên tiếp tại Old Trafford trong cùng một mùa giải, nhưng họ củng cố vững chắc vị trí thứ 3 và chiếm ưu thế lớn so với Quỷ đỏ trong cuộc đua giành 1 trong 3 suất vào thắng vòng đấu bảng Champions League mùa tới.
Tùng Việt