Những năm gần đây, dù tình hình sân khấu khó khăn, sàn diễn ít khi sáng đèn nhưng tác giả Hoàng Song Việt (ảnh) vẫn tâm huyết tìm cách duy trì hoạt động sân khấu, tạo đất dụng võ cho các tài năng trẻ cải lương. Khi nhắc đến tác giả Hoàng Song Việt, nhiều người sẽ nhớ ngay đến Thắp sáng niềm tin - một nhóm hát xã hội hóa do anh làm chủ nhiệm sau 7 năm hoạt động vừa được thành phố công nhận là Đoàn 3 Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang. PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với tác giả Hoàng Song Việt.
- PV: Hiện nay, sân khấu cải lương không còn sôi động như trước nữa, anh làm gì để có thể giữ được lửa nghề trong sáng tác?
Tác giả HOÀNG SONG VIỆT: Tôi còn có đoàn hát, có lực lượng nghệ sĩ để kích thích sáng tác. Chẳng hạn, trong 1 năm, đoàn dựng 2 vở, nếu tôi đủ sức sáng tác 2 kịch bản, còn không chỉ viết 1 kịch bản và tìm 1 kịch của tác giả khác để dàn dựng. Thực tế hiện nay, nhìn chung đội ngũ tác giả đang thiếu sự kích thích để sáng tác. Chỉ có các đợt liên hoan, hội diễn mới có nhu cầu về kịch bản, rồi sau đó đâu lại vào đó. Còn các trại sáng tác lại không đại trà. Cho nên hiện nay một số tác giả đã chuyển sang viết kịch bản cho kịch nói, cải lương truyền hình, phim truyện…
- Với Thắp sáng niềm tin, sau một thời gian gầy dựng, anh có hài lòng?
Thắp sáng niềm tin đã mang lại một niềm vui rất lớn, kích thích tôi và anh em nghệ sĩ của đoàn làm việc tốt hơn. Khi Thắp sáng niềm tin chính thức được công nhận là Đoàn 3 của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, chúng tôi đã được nhà nước quan tâm đầu tư. Vừa qua, đoàn đã được nhà nước đầu tư một bộ âm thanh mới. Năm 2013, đoàn đề xuất lên trên đầu tư dàn dựng 3 vở diễn mới. Chưa kể, khi Thắp sáng niềm tin được công nhận là Đoàn 3, các nghệ sĩ của đoàn tham dự các liên hoan, hội diễn nếu đoạt được huy chương cũng chính danh, chứ không phải mượn danh nghĩa của đơn vị khác dự thi như trước đây nữa.
- Làm cách nào để đẩy Thắp sáng niềm tin phát triển?
Tôi đã thành lập một trang web riêng của đoàn để chủ động quảng cáo, tiếp thị sản phẩm của mình đến với đông đảo công chúng trẻ. Tôi đã hình thành một nhóm 7 cộng tác viên là các sinh viên vừa chịu trách nhiệm quản lý trang web vừa làm công tác quảng cáo, tiếp thị sản phẩm và kể cả bán vé qua mạng với nhiều hình thức khuyến mãi để kích thích giới trẻ xem cải lương. Trước đây, mỗi tháng chỉ bán được khoảng 100 vé, nếu hôm nào khai trương kịch bản mới cũng chỉ bán được khoảng 200 vé. Nhưng từ khi có trang web, vở diễn được tiếp thị rộng rãi, lượng khán giả mua vé xem đoàn biểu diễn đã tăng lên gấp 4, gấp 5 lần, mặc dù đoàn cũng chỉ diễn vở cũ. Với khán giả mua vé qua mạng, chúng tôi giảm 20% giá vé, sinh viên được giảm đến 50%. Đến giờ, mỗi suất hát, hơn 40 sinh viên đến mua vé, tăng gấp 10 lần trước đây. Trong tương lai, chúng tôi tiếp tục nâng cao hiệu quả khai thác trang web, mở rộng hoạt động hướng về cộng đồng như biểu diễn giao lưu, tặng quà cho bà con có hoàn cảnh khó khăn, giúp nghệ sĩ nhận thức được trách nhiệm với cộng đồng và tiếp cận với đông đảo công chúng, đặc biệt là công chúng trẻ.
- Chắc hẳn anh đã nghĩ đến cách thức đổi mới để cải lương thực sự hấp dẫn, giữ chân khán giả trẻ?
Trong tình hình khó khăn mà cải lương có được những khán giả trẻ chịu bỏ tiền ra mua vé để xem, tôi cảm thấy rất quý. Chính vì thế, tôi đã trao đổi với NSƯT - đạo diễn Hoa Hạ, ngoài yếu tố kịch bản, những vở diễn của đoàn, trong dàn dựng nhất thiết phải đẩy nhanh tiết tấu, tươi trẻ hơn để có thể phù hợp với người trẻ. Tôi cũng sẽ viết những kịch bản đo ni đóng giày cho các nghệ sĩ trẻ và xoáy vào những vấn đề mang hơi thở thời đại của cuộc sống hôm nay mà giới trẻ đang quan tâm.
| |
Đỗ Hạnh (thực hiện)