Nước là tài nguyên đặc biệt quan trọng, là thành phần thiết yếu của sự sống và môi trường, quyết định sự tồn tại, phát triển bền vững của đất nước; mặt khác nước cũng có thể gây tai họa cho con người và môi trường. Để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra, Quốc hội đã ban hành Luật Tài nguyên nước, trong đó sẽ tiến tới hạn chế sử dụng nước ngầm.
Để thực hiện chủ trương này, trong nhiều năm qua, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định 69/2007/QĐ-UBND quy định hạn chế và cấm khai thác nước dưới đất trên địa bàn TP. Thế nhưng, trên thực tế việc khai thác nước ngầm tại TPHCM tuy giảm nhiều, song ở một số khu vực ngoại thành và các khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX-KCN) nơi có nhu cầu sử dụng nước lớn, tình trạng khai thác nước ngầm vẫn còn diễn ra.
Tại cuộc khảo sát tình hình quản lý và sử dụng nước ngầm tại các KCX-KCN TPHCM mới đây của Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND TPHCM, đại diện Ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM (HEPZA) cho biết, hiện trong số 15 KCX-KCN đang hoạt động chỉ có 2 KCX-KCN là Tân Thuận và Cát Lái sử dụng nước thủy cục từ SAWACO, còn một số khu khai thác và sử dụng nước ngầm hoặc sử dụng cả nguồn nước thủy cục và nước ngầm.
Theo thống kê của HEPZA, lượng nước sạch sử dụng trung bình đối với 15 KCX-KCN khoảng 64.000 - 66.000m3/ngày, phục vụ cho các doanh nghiệp (DN) trong KCX-KCN. Cụ thể, nước thủy cục 24.000m3/ngày; nước ngầm 36.100 - 38.120m3/ngày, nước mặt 4.000m3/ngày. Trong đó, DN tự khai thác nước ngầm để sử dụng (có và không có giấy phép) chủ yếu tại các KCN: Tân Bình, Tân Tạo, Lê Minh Xuân, Vĩnh Lộc. Đối với các DN này, Ban quản lý chưa thể kiểm soát được do thẩm quyền cấp giấy phép và kiểm tra việc khai thác hiện nay thuộc Sở Tài nguyên-Môi trường, UBND các quận, huyện và UBND cấp xã. Tại buổi làm việc, đại diện một số KCX-KCN cho biết, hiện nay việc quản lý các DN khai thác nước ngầm rất khó. Vì đối với DN cố tình thì họ thường giấu thông tin.
Trong khi đó, ở góc độ cơ quan quản lý chịu trách nhiệm cấp giấy phép và kiểm tra việc khai thác nước ngầm, đại diện Sở Tài nguyên-Môi trường TP cho rằng: Chủ trương hạn chế và cấm khai thác nước ngầm đã được TP quan tâm lâu nay. Tuy nhiên, đối với các KCX-KCN, trước đây chúng ta thành lập nhưng cơ sở hạ tầng chưa có và DN vào hoạt động phải tự đầu tư điện, nước để sản xuất. Cho đến khi các KCX-KCN lấp đầy 50% - 70%, nhà nước mới đầu tư hạ tầng và yêu cầu người ta ngưng sử dụng sẽ gây ra mâu thuẫn về mặt lợi ích.
Ngoài ra, do các KCX-KCN hiện nay không mang tính chuyên ngành thống nhất nên việc cung cấp nước cho các DN trong KCX-KCN rất khó khăn. Do đó, việc hạn chế và cấm khai thác nước ngầm cần phải có lộ trình. Theo cơ quan chức năng, việc khai thác nước ngầm nếu không kiểm soát được sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giám sát nước thải đầu ra, gây lún sụt nền đất ảnh hưởng đến hệ thống cống thu gom nước thải, làm tăng nguy cơ ngấm nước thải ra môi trường.
Để tiến tới hạn chế và cấm khai thác nước ngầm một cách hiệu quả, nhà nước cần sớm đầu tư hệ thống mạng lưới cung cấp nước máy đảm bảo các yêu cầu về lưu lượng, chất lượng, ổn định và liên tục cho nhu cầu hiện tại và tương lai của tổ chức, cá nhân sử dụng, nhất là đối với các khu vực ở xa. Bên cạnh đó, nhà cung cấp nước sạch cần tính toán mức giá nước hợp lý để người dân ai cũng sử dụng được.
Đối với những khu vực đã đảm bảo nguồn cung cấp nước sạch từ nhà máy, chính quyền địa phương không cấp phép cho tổ chức, cá nhân khai thác nước ngầm. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền và vận động người dân về tác hại của việc khai thác nước ngầm. Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác nước ngầm của các tổ chức, cá nhân để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên nước.
GIANG ĐÌNH